Những tấm lòng cao cả

Edmondo De Amicis (1846-1908) là nhà văn, nhà báo người Italia. Ông là tác giả văn học thiếu nhi nổi tiếng. Cuốn sách đưa ông đến với độc giả toàn thế giới là cuốn 'Những tấm lòng cao cả' hay còn gọi là 'Tâm hồn cao thượng'. Tác phẩm được viết theo hình thức nhật ký của cậu bé Enrico Bottini.

Edmondo De Amicis

Edmondo De Amicis sinh tại Oneglia, thành phố biển Imperia của xứ Liguria, Italia.Ông vào trường quân đội ở Modena và trở thành sĩ quan trong quân đội của Vương quốc Ý. Đất nước độc lập, ông rời bỏ quân ngũ. Sau khi rời quân ngũ ông viết về các trải nghiệm chiến trường trong quyển La vita militare (Cuộc đời quân ngũ, 1868) tại Florence, đăng lần đầu trong tạp chí của Bộ quốc phòng Ý. Năm 1870 ông làm cho tạp chí La Nazione ở Roma.

Một số câu chuyện trong cuốn “Những tấm lòng cao cả” có thể kể đến: Cậu bé viết thuê người Phirenze, thầy giáo mới, một hành vi hào hiệp, cậu bé nạo ống khói, cậu bé đánh trống thành Sardegna, tính đố kỵ, bộ đồ chơi xe lửa, người tù… Rất nhiều câu chuyện nho nhỏ được Edmondo De Amicis kể hết sức chân thực và cảm động. Cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” là một trong ít cuốn văn học ngoài nhà trường được tôi tìm đọc trong những năm trung học. Ngày ấy, khi mà mọi sự thiếu thốn của tuổi thơ đến mức gần như chẳng mấy khi ăn sáng khi đi học, lại tìm đọc được những trang viết chắp nối lẻ tẻ đâu đó của Edmondo De Amicis khiến tôi nhớ mãi.

Hai mẩu truyện nhỏ trong “Những tấm lòng cao cả” ấn tượng ngày đó với tôi là “Cậu bé nạo ống khói” và “Cậu bé viết thuê người Phirenze”. Ấn tượng vì những hành động nhân ái bao dung xen lẫn lòng bao dung của các em nhỏ mà đôi khi người lớn chúng ta phải soi xét lại chính mình.

“Cậu bé nạo ống khói” kể về câu chuyện xảy ra ở khu nữ sinh Baretti, nơi có đến 700 nữ sinh. Nơi cổng trường, có một cậu bé nạo ống khói, mệt mỏi gục đầu xuống khóc nức nở. Cậu bé đi nạo ống khói thuê, được 3 hào, nhưng không may để vào túi áo thủng nên rơi mất. Các em học sinh nữ quây lại hỏi han, động viên cậu bé. Cậu bé không dám về nhà và càng khóc thảm thiết hơn. Các học sinh nữ nhìn nhau, các em con nhà giàu đến con nhà nghèo đều kéo đến. Rồi các em bảo nhau, mỗi người một vài xu gom lại tặng cho cậu bé nạo ống khói. Nhìn cảnh cậu bé lem luốm, đen ngòm ngồi giữa những nữ sinh xinh xắn đáng yêu nhìn rất thích mắt. Chẳng mấy chốc, các học sinh bé bỏng đã gom đủ, rồi thừa số tiền mà cậu bé nạo ống khói làm được. Có em không có tiền, thì đi hái hoa tặng cho cậu bé. Hình ảnh đầy tình người đến từ các em nhỏ, các em chỉ tan ra khi cô hiệu trưởng đến trường. Cậu bé nạo ống khói đứng lau nước mắt, bên mình là rất nhiều đồng xu và cả những chùm hoa.

“Cậu bé viết thuê người Phirenze” kể về cậu bé Julio 12 tuổi, da trắng, con của một nhân viên đường sắt nghèo, nhà cậu đông anh chị em. Bố cậu bé là người khoan dung với cậu về mọi mặt, trừ chuyện học hành, ông rất nghiêm khắc và đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con đầu còn nhỏ của mình. Ông bố chăm chỉ làm việc, tối tối lại nhận thêm việc chép thuê nên hằng đêm phải chép đến khuya. Rồi ông nhận của một nhà xuất bản cuốn sách báo việc viết tên và địa chỉ của những người mua sách báo dài hạn. Công việc này làm cho ông rất mệt, đến mức ông hay than thở: “Mắt tôi đến hỏng mất thôi, việc làm đêm thế này làm cho tôi kiệt sức”.

Một ngày nọ cậu bé đề nghị được viết thay bố, nhưng ông bố dặn con phải học vì đó mới là việc quan trong nhất của con. Cậu bé vâng lời, nhưng để ý cứ đến nửa đêm là bố dừng viết để sang phòng ngủ. thường thường là sau 12 giờ đêm. Một lần, cậu chờ cho bố ngủ yên, cậu rón rén vào phòng làm việc của bố, thắp đèn, ngồi vào bàn rồi bắt đầu viết lên những chồng băng còn trắng nguyên, cố gắng bắt chước y hệt chữ của bố. Trưa hôm sau, ông bố vui vẻ khoe với Julio là đêm qua đã làm nhiều hơn các đêm trước 1/3 công việc, bố còn trẻ khỏe và làm việc tốt. Cậu bé rất bằng lòng, vậy là cậu còn mang lại cho bố niềm vui tưởng được trẻ lại và kiếm được thêm tiền. Nửa đêm sau, các đêm sau nữa cũng thế, cậu bé Julio vẫn sang phòng làm việc của bố khi bố đã ngủ say để miệt mài tiếp tục công việc của bố. Có một lần ông bố thấy ngạc nhiên vì dạo này dùng hết nhiều dầu hỏa thắp đèn, không ông không nghĩ ra nguyên nhân. Còn cậu bé Julio, vì thức đêm nhiều nên bị suy kiệt, có lần cậu gục đầu lên trang sách khi đang học, rồi những buổi sáng cậu mệt mỏi dậy muộn. Bố cậu bắt đầu trách mắng cậu vì không chuyên tâm học hành.

Rồi một ngày, ông bố khoe rằng tiền làm đêm tháng này tăng thêm kha khá nên mua thưởng cho các con 1 gói kẹo. Cả nhà rất vui vẻ, chỉ thoảng chút bố lại bảo rằng đợt này Julio làm bố khổ tâm. Julio chịu đựng lời trách móc của bố. Đêm đêm, cậu lại làm việc như thường lệ khiến cậu ngày càng suy kiệt. Bố cậu đã thực sự tức giận khi biết thầy chủ nhiệm nói rằng Julio hay buồn ngủ, lơ đãng, ngáp vặt, chữ viết cẩu thả. Ông tức điên lên nói với con: “Julio, mày thấy tao làm việc như thế nào, thấy tao mòn mỏi cuộc đời để nuôi gia đình như thế nào mà mày không giúp tao? Mày không thương tao, không thương cả các em mày, không thương cả mẹ mày”. Julio òa khóc khi bố cậu tiếp tục nhiếc móc: “Mày hẳn đã rõ hoàn cảnh hiện nay của gia đình ta, mày biết rằng cần phải có thiện chí và những sự hy sinh của tất cả mọi người với nhau. Mày thấy đấy, chính tao đã phải làm việc gấp đôi. Tao hy vọng tháng này sẽ được 100 lira tiền thưởng của đường sắt, thế mà sáng nay người ta cho biết rằng họ sẽ không cho gì hết”. Julio im lặng và thôi không thú nhận điều cậu định nói với bố. Cứ thế, hàng ngày cậu chịu lời trách mắng, sự lạnh lùng, xa cách của bố. Cậu đau khổ vô cùng. Cậu luôn tự nhủ “đêm nay mình sẽ không làm việc nữa”, nhưng rồi cậu lại cắn rứt, thức dậy làm việc.

Mẹ cậu nhận thấy cậu bé ngày càng xanh xao, ốm yếu, đem nói lại với bố cậu, nhưng bố cậu lạnh lùng, nói những lời phũ phàng như những nhát dao đâm thấu tâm hồn cậu bé. Rồi một đêm kia, cậu bé lại bước vào căn phòng của bố để tiếp tục công việc hàng ngày, bất chợt cậu làm rơi cuốn sách xuống. Cậu giật mình ngồi im nghe ngóng, mong sẽ không làm mất giấc ngủ của cả nhà. Nhưng rồi bố cậu đã thức dậy, đi chân trần, nhẹ nhàng đứng phía sau thằng con bé bỏng của ông và hiểu hết câu chuyện đã xảy ra bao tháng qua. Ông hối hận vô hạn vì đã ngờ vực con mình, ông ôm chặt đứa con. Julio nghe tiếng bố khóc phía sau, cậu bé vẫn bảo bố tha lỗi cho mình. Ông bố bế đứa con vào phòng, bắt vợ hôn đứa con tận tụy vì bao tháng nay đã mang lại miếng ăn cho gia đình. Đêm ấy, Julio đã ngủ rất lâu, rất ngon, một giấc ngủ yên lành. Tỉnh dậy, cậu thấy bố ngủ cạnh mình, bên mép giường, sung sướng vì giấc ngủ êm đềm của con.

“Cậu bé nạo ống khói” và “Cậu bé viết thuê người Phirenze” ngày ấy gần như cũng đã làm tôi rơi nước mắt. Năm ấy có lẽ tôi cũng bằng tuổi cậu bé Julio 12 tuổi trong câu chuyện “Cậu bé viết thuê người Phirenze” này. Cảm ơn Edmondo De Amicis với những mẩu truyện ngắn ngủi tuyệt vời trong “Những tấm lòng cao cả”.

Những tác phẩm của ông mang tinh thần yêu nước sâu nặng, quyện hòa trong ấy là tình thương yêu, lòng nhân hậu nơi con người. Một số tác phẩm của ông có thể kể tới: Spagna (1873), Olanda (1874), Ricordi di Londra (1874), Marocco (1876), Costantinopoli (1878), Ricordi di Parigi (1879), Madome Akoroba (1883),Sull'oceano (1889), Il romanzo di un maestro (1890), Amore e ginnastica (1892), Maestrina degli operai (1895), La carrozza di tutti (1899), L'idioma gentile (1905), và Nuovi ritratti letterari e artistici (1908).

Phụng Thiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/nhung-tam-long-cao-ca-a12534.html