Những tâm nguyện 'nối dài sự sống'

Trong suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến hoặc nghĩ về cái chết là điều đáng sợ hoặc rất thiêng liêng. Nhưng với một số người, cái chết không có gì đáng sợ, mất đi không có nghĩa là hết mà có thể chuyển tiếp sự sống của mình cho người khác bằng cách hiến mô, hiến tạng.

3 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng Diệu ở ấp Sóc Rul, xã An Phú, huyện Hớn Quản được biết đến là tấm gương làm thiện nguyện, gắn với nhiều “địa chỉ đỏ” trong ấp. Đặc biệt, vượt qua rào cản của gia đình và quan điểm của xã hội, chị đã đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi mất. Kiên trì với tâm nguyện của mình cũng như tích cực lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống, đến nay gia đình chị đã có 3 người tham gia việc làm ý nghĩa, nhân văn này.

Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu luôn cân đối thời gian để vừa chăm sóc gia đình vừa làm việc thiện nguyện. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu hướng dẫn con gái học bài

Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu luôn cân đối thời gian để vừa chăm sóc gia đình vừa làm việc thiện nguyện. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu hướng dẫn con gái học bài

Chị Diệu cho biết: Tôi luôn mong muốn sau khi mất vẫn làm được điều gì đó có ích cho xã hội. Nghĩ là làm, cách đây 3 năm, tôi tự tìm hiểu các thủ tục để đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Chạm đến điều cấm kỵ thiêng liêng nhất là giữ nguyên cơ thể sau khi mất, tôi phải vượt qua rào cản của người thân, gia đình. Tuy nhiên, kiên trì thuyết phục với quan điểm “cho đi là còn mãi”, tôi đã được sự đồng ý của gia đình.

Em Nguyễn Thị Hoài Thương ở tổ 7, phường Hưng Chiến, TX. Bình Long là em họ chị Diệu, cũng là người giàu lòng nhân ái, luôn tâm nguyện làm nhiều việc thiện, có ích cho xã hội. Không chỉ giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực như: Mở câu lạc bộ thu gom ve chai bán gây quỹ giúp đỡ chị em nghèo, thành lập các địa chỉ nhân đạo… mà đến việc hiến mô, hiến tạng, Thương cũng quyết tâm thực hiện dù tuổi đời còn rất trẻ. Hoài Thương chia sẻ: Sau khi mất, nếu mình hiến các bộ phận trên cơ thể sẽ giúp nhiều người có cơ hội được sống tiếp. Chính vì vậy, mình luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

Làm việc thiện không đơn giản là khi đủ đầy thì san sẻ yêu thương, mà với hy vọng nối dài sự sống, hiến mô, hiến tạng cũng là việc làm thiết thực, góp phần tô điểm, làm đẹp thêm cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Chàn, Trưởng ấp Sóc Rul, xã An Phú cho biết: Hiến tạng, hiến mô sau khi mất là việc làm rất nhân văn, một sự hy sinh rất đáng trân trọng. Tôi đánh giá cao về việc làm thiện nguyện của chị Diệu, bởi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chị đã ý thức được việc làm cao cả đó.

Khi mới ở độ tuổi 25-30, nhưng em Thương và chị Diệu đã có suy nghĩ, hành động hết sức nhân văn; mạnh mẽ vượt qua những quan điểm, văn hóa của gia đình, xã hội để thực hiện nguyện vọng của bản thân, góp phần nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/132580/nhung-tam-nguyen-noi-dai-su-song