Những tấm thiệp hồng

Trong đời một người có biết bao nhiêu lần nhận tấm thiệp mời đám cưới nhỉ? Nhiều lắm, nhiều không thể nhớ được. Còn nhỏ thì dự đám cưới của anh chị em, bà con trong dòng họ. Lớn lên đi làm thì dự đám cưới bạn bè, đồng nghiệp. Trung trung tuổi thì dự đám cưới của con bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… Trong nhóm bạn của chúng tôi, có một người mà cả đám hay chọc là bị lẩn thẩn, bởi cái gì anh cũng giữ lại. Trong phòng của anh bề bộn như cái nhà kho, có một thùng đựng ti vi thời xửa thời xưa to đùng, chứa đầy ắp tất cả những tấm thiệp mời đám cưới mà anh nhận được. Ôi chao là nhiều, có những tấm thiệp từ mấy chục năm trước, thứ bán đại trà ở các tiệm tạp hóa…, cả đám mỗi khi đi đám cưới lại lôi chuyện này ra để cười vui.

Về mùa gửi thiệp, phong tục Bắc Nam cũng khác nhau đôi chút. Ngoài Bắc, mùa cưới là sau tháng Bảy âm lịch cho đến gần Tết, người ta thường không làm đám cưới trong tháng Giêng. Trong Nam thì tháng này lại là mùa cưới chủ yếu, nên mới có bài hát Ra Giêng anh cưới em của Lư Nhất Vũ và Thiên Kiều. Duy nhất cả hai miền đều kiêng đám cưới tháng Bảy âm lịch vì là tháng Ngâu, chia lìa. Đấy là chuyện của ngày xưa, chứ nay thì tổ chức cưới quanh năm. Mấy ông thầy coi ngày cưới cũng biết lựa ý của chủ nhân, vì thấy ngày tốt toàn vào thứ Bảy và Chủ nhật để mọi người thuận tiện đi dự.

Ngày cưới là ngày quan trọng nhất của một đời người, vậy nên khi nhận được tấm thiệp hồng luôn là một cảm giác rất vui, bởi mình hiểu được tình cảm của người mời dành cho mình trong ngày vui của họ. Tôi cũng vậy thôi, bao nhiêu lần nhận được tấm thiệp mời đều chung một cảm xúc ấy. Nhưng có một lần nhận tấm thiệp, chỉ là của một gia đình quen thôi mà trong lòng cảm thấy một cảm xúc thật khó tả. Ấy là bởi tôi có sự gắn bó với gia đình này khá đặc biệt. Ngày mới đi làm, tôi công tác ở một cơ quan hành chính. Thời bao cấp ấy, cơ quan nào cũng dành một, hai phòng làm việc cho những người độc thân ở tạm. Trước cổng cơ quan có một tủ thuốc lá nhỏ của một người phụ nữ tần tảo, bán tới khuya mới về. Chúng tôi hay ra mua thuốc lá và đủ thứ linh tinh của chị, chưa có tiền thì đến đầu tháng sau trả. Chị có đứa con gái nhỏ, ngồi chờ mẹ bán hàng, buổi tối thì mang sách vở ra chân cột đèn đường học bài, nhiều bữa ngồi ngủ gục… Trời thương những đứa trẻ nhà nghèo. Học hành vạ vật nơi vỉa hè như thế nhưng cháu học rất giỏi. Bẵng đi một thời gian, khi có dịp đi qua cơ quan cũ, tôi gặp lại chị và được biết cháu vào đại học rồi. Khi cháu ra trường, chị qua nhà tôi mắt đỏ hoe nhờ tìm việc cho cháu. Cô bé ra trường với bằng loại giỏi, nhưng không biết xin việc nơi đâu, nộp hồ sơ nơi nào thấy cũng nói chờ. Bằng mối quan hệ bạn bè, tôi giới thiệu cho cháu vào làm một công ty. Cô bé siêng năng vừa làm vừa học, mấy năm sau có thêm tấm bằng thạc sĩ và được cất nhắc lên trưởng phòng. Năm nào cũng thành lệ, cứ chiều 29 Tết là cô bé mang chút quà quê đến thăm gia đình tôi. Mấy năm đầu cả nhà tôi còn đùa hỏi cô bé khi nào cưới, những năm sau này chúng tôi tế nhị không nhắc đến chuyện này, trong lòng thầm mong cho cô bé giỏi giang, ngoan ngoãn sớm có tin vui. Thế rồi mấy hôm trước, hai mẹ con đến nhà gửi tấm thiệp hồng. Cô bé bẽn lẽn ngồi yên, còn người mẹ thì hạnh phúc cứ trào ra không kìm nén, nói đủ những chuyện về đám cưới… Nhận tấm thiệp mà lòng xúc động, bởi kết thúc câu chuyện về cô bé học dưới đèn đường là một kết thúc không thể tốt đẹp hơn.

Cuộc sống cứ như dòng sông lặng lẽ chảy về biển. Những tấm thiệp hồng vẫn cứ bay đi. Đằng sau mỗi tấm thiệp là một câu chuyện tình, là những lứa đôi rạng ngời bên nhau hướng về cuộc sống mới.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/nhung-tam-thiep-hong-40b243f/