Những thách thức đang chờ đợi Tổng thư ký tiếp theo của NATO

Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte sẽ trở thành người thay thế ông Jens Stoltenberg giữ ghế Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, ông Rutte dự kiến sẽ không có nhiều thời gian dành cho 'trăng mật' khi chuyển đến văn phòng của NATO.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) tới dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) tới dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào tháng 7/2023, sau 13 năm giữ ghế Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và rút lui khỏi chính trường. Ông Rutte trở thành Thủ tướng Hà Lan vào tháng 10/2010.

Nhưng đến tháng 10/2023, ông Rutte bắn tín hiệu quan tâm đến việc thay thế ông Jens Stoltenberg. Ông Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.

Trong nhiều tháng trời, Thủ tướng Rutte tiến hành một chiến dịch kín đáo để nhận được ủng hộ từ lãnh đạo nhiều quốc gia, vốn là những chính khách ông đã quen biết trong nhiều năm. Ông Rutte vốn là người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, do đó nhanh chóng được Mỹ chấp nhận. Tiếp đó, phần lớn các thành viên NATO cũng có động thái tương tự.

Ông Rutte nổi tiếng với tính hài hước và hóm hỉnh. Tuy là Thủ tướng nhưng ông vẫn thường đạp xe từ nhà đến văn phòng. Đôi khi, người dân có thể thưởng thức tài năng âm nhạc của Thủ tướng Hà Lan khi ông ngồi chơi piano ở nhà ga trung tâm The Hague. Nhưng với vai trò là Tổng thư ký NATO, ông Rutte có lẽ sẽ phải trở nên nghiêm túc và khôn khéo hơn một chút.

Trang tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của ông Rutte sẽ không phải là con đường trải thảm hoa hồng. Nhiệm vụ chính của ông là cân bằng các lợi ích giữa 32 thành viên NATO để tổ chức này có thể mang tiếng nói thống nhất. Dưới đây là các vấn đề khó khăn mà ông Rutte có thể phải đối mặt khi trở thành Tổng thư ký NATO.

Khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại

Cựu Tổng thống Donald Trump tại sự kiện bầu cử "Siêu thứ Ba" ở Palm Beach, Florida, 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Cựu Tổng thống Donald Trump tại sự kiện bầu cử "Siêu thứ Ba" ở Palm Beach, Florida, 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ 4 tuần sau khi ông Rutte bắt đầu công việc mới, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo. Và một trong 2 ứng cử viên chính là cựu Tổng thống Donald Trump. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã cảnh cáo rằng, nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ cắt viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine.

Trong trường hợp kịch bản này trở thành sự thật, nó có thể giáng đòn mạnh vào uy tín của NATO trong hỗ trợ Ukraine, vì Mỹ cho đến nay là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kiev. Viễn cảnh ông Trump tái đắc cử cũng có thể làm hỏng kế hoạch của NATO nhằm chuẩn bị cho Ukraine trở thành thành viên trong tương lai.

Vào năm 2023, NATO cam kết rằng họ có thể mời Ukraine gia nhập khối quân sự khi các thành viên đồng ý và đáp ứng một số điều kiện.

Tuy nhiên, xét theo cái nhìn của ông Trump về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cam kết đó có nguy cơ lung lay.

Cuộc tấn công của Nga và Ukraine trong mùa Đông

Theo tờ Politico (Mỹ), ngay khi ông Rutte nhậm chức mới ở NATO, Ukraine sẽ đề nghị ông giúp đỡ khi mùa đông đến gần. Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường tấn công các nhà máy nhiệt điện và đập nước của Ukraine. Đây là những cơ sở hạ tầng phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể sửa chữa hoàn toàn.

Trong mùa đông đầu tiên của xung đột Nga - Ukraine, Moskva đã tấn công lưới điện của Kiev. Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Stoltenberg cho biết, mấu chốt nằm ở việc nhiều hệ thống phòng không hơn sẽ bảo vệ các nhà cung cấp năng lượng Ukraine đồng che chở cho các công nhân sửa chữa những cơ sở bị hư hỏng.

Các quốc gia thành viên NATO cũng đang tìm cách gửi, hoặc trong trường hợp của Hà Lan là xây dựng hệ thống phòng không. Nhưng châu Âu không có nhiều hệ thống phòng không để chuyển cho Ukraine, trong khi đó, xúc tiến tại Mỹ lại bị trì hoãn tại Quốc hội.

Thuyết phục các thành viên NATO đạt mục tiêu chi tiêu

NATO gần đây đã ghi nhận số lượng kỷ lục các thành viên đạt mục tiêu dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng. Ngày 17/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết có 23 thành viên NATO đã đạt mục tiêu này.

Hà Lan cũng vượt ngưỡng 2% GDP trong năm nay sau nhiều năm thiếu hụt. Nhưng điều này có nghĩa là 1/3 thành viên NATO vẫn chưa đạt được mục tiêu, mặc dù đã đưa ra cam kết đó 10 năm trước tại hội nghị thượng đỉnh năm 2014.

Các quốc gia Nam Âu nằm trong số những nước vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Tại Italy, ước tính năm 2024 sẽ giảm nhẹ so với mức vốn đã thấp là 1,5% của năm 2023. Tây Ban Nha sẽ chỉ chi 1,28% trong năm nay, trong khi nước láng giềng Bồ Đào Nha cam kết 1,55%.

Sườn Đông của NATO bất bình

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg (giữa, hàng đầu) chụp ảnh chung với các nguyên thủ quốc gia thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius, Litva, ngày 11/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg (giữa, hàng đầu) chụp ảnh chung với các nguyên thủ quốc gia thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius, Litva, ngày 11/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia giáp biên giới Nga không phải là những "người hâm mộ" lớn nhất của ông Rutte. Họ tức giận về việc Hà Lan chi tiêu quốc phòng thấp và đặc biệt không bằng lòng khi vai trò hàng đầu tại NATO luôn thuộc về các quốc gia phương Tây hoặc Bắc Âu, mặc dù các quốc gia ở sườn Đông đã tham gia liên minh quân sự này được 1/4 thế kỷ.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã không tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thư ký NATO sau khi nhận thông báo rằng các quốc gia như Mỹ, Pháp và Đức sẽ không ủng hộ bà. Họ lo ngại rằng việc bổ nhiệm bà Kaja Kallas sẽ khiến Moskva coi là hành động leo thang thù địch bởi Nga và Estonia là hai láng giềng.

Hiện bà Kaja Kallas là ứng cử viên hàng đầu thay thế cho vị trí đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại của ông Josep Borrell.

Các quốc gia ở sườn Đông giờ đây có thể sẽ yêu cầu đưa đại diện của họ vào vị trí ở cấp thứ hai của NATO là phó tổng thư ký và các chức vụ trợ lý tổng thư ký.

Trong khi Phó Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm là người Romania, tất cả 7 trợ lý tổng thư ký đều đến từ các quốc gia phương Tây, hai từ Mỹ, một từ Đức, Hà Lan, Anh, Italy và Pháp. Quả thực, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Rutte với tư cách người đứng đầu NATO là chỉ định cấp phó, và sẽ có áp lực buộc ông phải bổ nhiệm một cá nhân từ quốc gia ở sườn Đông.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Politico, DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-thach-thuc-dang-cho-doi-tong-thu-ky-tiep-theo-cua-nato-20240621111704661.htm