Những thách thức kinh tế đối với tân Thủ tướng Thái Lan
Một trong những vấn đề cấp bách nhất mà chính phủ mới phải đối mặt sẽ là việc thông qua ngân sách năm tài chính 2024.
Trong chiến dịch tranh cử, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cam kết sẽ khởi động nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tăng thu nhập cho các gia đình, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thu hẹp tình trạng bất bình đẳng ở đất nước 71 triệu dân.
Giờ đây, sau ba tháng rơi vào bế tắc kéo dài, với kết quả chính thức công bố ngày 22/8, ông Srettha Thavisin đã giành được sự ủng hộ của Quốc hội lên nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của một liên minh.
Một ngày trước khi chiến thắng của ông Srettha được xác nhận tại Quốc hội, Thái Lan công bố báo cáo kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,8% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó, thấp hơn đáng kể so với dự báo 3,1% của các nhà kinh tế.
Trong một bài phát biểu ngày 23/8, Giám đốc ngân hàng trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput miêu tả: “Bức tranh kinh tế không chỉ có rượu vang và hoa hồng. Vẫn tồn tại một số điểm yếu. Xuất khẩu kém hơn dự kiến, một phần đáng kể là do sự suy thoái của Trung Quốc. Tổng chi tiêu từ du lịch cũng giảm nhẹ hơn một chút do có ít khách Trung Quốc hơn dự kiến”.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng chứng kiến nợ gia đình cao và lãi suất tăng đã đè nặng lên tiêu dùng trong nước.
Số liệu cho thấy du lịch - động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan - đã phục hồi mạnh mẽ, mặc dù lượng khách đến và chi tiêu của khách du lịch vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Các nhà phân tích cho biết, sau nhiều tháng bấp bênh về tình hình chính trị sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ mới, là xoa dịu một trong những thị trường hoạt động kém nhất ở châu Á. Chỉ số chứng khoán chính của Thái Lan tăng 0,2% vào ngày 23/8 nhưng đồng baht giảm 0,2% so với đồng USD.
Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi đắc cử, tân Thủ tướng Srettha tuyên bố sẽ đưa ra các giải pháp để khắc phục nền kinh tế Thái Lan và quản lý ngân sách một cách minh bạch. “Thái Lan đang ở thời điểm quan trọng. Tôi tin tưởng rằng 4 năm tới sẽ là 4 năm thay đổi”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Lập ngân sách 3,35 nghìn tỷ baht (95,96 tỷ USD) một cách chặt chẽ cho năm tài chính 2024 sẽ là nhiệm vụ then chốt đối với tân Thủ tướng Srettha, một người mới làm chính trị được giới thiệu với cử tri như một người có kinh nghiệm lèo lái nền kinh tế đang suy yếu. Cơ quan kế hoạch chính phủ cho biết ngân sách có thể sẵn sàng phân bổ vào tháng 4/2024, ngay sau khi năm tài chính mới bắt đầu vào tháng 10.
Trong một ghi chú mới đây, ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs nhận xét: “Có thể một trong những vấn đề cấp bách nhất mà chính phủ mới phải đối mặt sẽ là việc thông qua ngân sách năm tài chính 2024. Nếu không có ngân sách mới, chi tiêu của chính phủ sẽ rất hạn chế”.
Trước cuộc tổng tuyển cử, ông Srettha và đảng dân túy Pheu Thai đã đưa ra các cam kết bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% mỗi năm, kế hoạch hỗ trợ trị giá 560 tỷ baht (16,04 tỷ USD), tăng lương tối thiểu hàng ngày và tăng gấp ba thu nhập của nông dân.
Hồi tháng 5, đảng này cũng hứa sẽ giảm giá vé đường sắt đô thị, chi phí năng lượng, điện và khí đốt, bên cạnh việc tạm hoãn nợ một năm cho các doanh nghiệp nhỏ hơn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Nhưng khả năng thực thi của nó sẽ phụ thuộc vào phe ủng hộ quân sự mà đảng Pheu Thai liên minh để có thể thành lập chính phủ.
“Trong tương lai, chúng ta sẽ phải chờ xem chính sách kinh tế nào sẽ được công bố; chúng được thực hiện ra sao và nhanh như thế nào?”,Poon Panichpibool, chiến lược gia thị trường tại Ngân hàng Krung Thai, nhận định.
Theo Văn phòng Thương mại Thái Lan, trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, ông Srettha phải tập trung vào việc giảm chi phí sinh hoạt và chi phí lĩnh vực tư nhân. Các ưu tiên khác bao gồm hỗ trợ ngành du lịch trong mùa cao điểm cuối năm và đẩy nhanh giải ngân ngân sách.