Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Sự kiện này là một dấu mốc lớn, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kết đoàn thành một khối, vượt qua muôn vàn tình thế khó khăn, hiểm nguy, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại.
1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, nhiều phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau như dân chủ tư sản, phong kiến nổ ra nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn và giai cấp tiên tiến lãnh đạo.
Trước tình thế đó, Nguyễn Ái Quốc với nhãn quan chính trị sắc bén và lòng yêu nước vô bờ bến đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Trải qua hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy, Người đã tiếp cận ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: Con đường cách mạng vô sản. Ngay sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực, chủ động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và trực tiếp chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng, với mục tiêu là “làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”, tạo tiền đề “để đi tới xã hội cộng sản”.
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối cứu nước đúng đắn đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng đang cháy âm ỉ trong các tầng lớp nhân dân ta. Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng được mọi giai tầng trong xã hội hưởng ứng, tạo nên sức mạnh to lớn, thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc, dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do” [1]. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [2].
2. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, quân đội Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, nhằm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong tình thế phải rút vào hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa giữ vững được thành quả cách mạng, vừa chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp xâm lược.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với tinh thần, ý chí quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của kẻ thù, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954), chấp nhận rút quân về nước, công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” [3].
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, mỗi miền có một chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hòa bình được lập lại, nhưng tại miền Nam, đồng bào ta vẫn rên xiết dưới gót giày của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Trước tình hình đó, Đảng chủ trương tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong đó, nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc trong giai đoạn này là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” [4], dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX” [5].
Sau năm 1975, Đảng tiếp tục lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
3. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Sau năm 1975, Đảng lãnh đạo cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mười năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1985), Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước thực tế đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), với tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” [6], Đảng đã nhìn nhận, đánh giá khách quan những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhất là tư duy kinh tế, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trên cơ sở đường lối đổi mới do Đại hội VI, qua các kỳ đại hội, từ Đại hội VII đến Đại hội XIII, Đảng ta luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Từ khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức đứng đầu trên thế giới; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, tham gia và có tiếng nói quan trọng trong nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.
Sau gần 40 năm Đổi mới toàn diện đất nước, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [7].
Công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử.
Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân quan trọng và quyết định nhất là có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng hiện thân của bản lĩnh, trí tuệ, “là đạo đức, là văn minh”, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục được nối dài và phát huy cao độ trong “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đại tá, PGS,TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
Danh mục tài liệu tham khảo:
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 63.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tập 21, tr. 631.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 410.
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr.130.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 37, tr.471
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 47, tr. 694.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr. 2.