Những thanh niên đam mê với nông nghiệp
Đam mê, sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực tưởng chừng như đi ngược lại với xu hướng của giới trẻ hiện đại, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã lập nghiệp thành công với các mô hình sản xuất nông nghiệp, không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương mà còn tạo nên hiệu ứng lan tỏa, khẳng định tài năng, trí tuệ của thanh niên ngay cả trong những lĩnh vực không phải thế mạnh.
Tốt nghiệp Khoa Xây dựng cầu đường, Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải, từng đi làm tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và có thời gian vừa làm việc, vừa tu nghiệp tại Nhật Bản
thế nhưng khi trở về nước, Đỗ Trung Kiên, sinh năm 1991, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lại rẽ sang một hướng khác mà trước đây có nằm mơ anh cũng không thể ngờ tới. Đó là gắn bó với đồng ruộng, với những cây rau, hoa, quả, nhưng không phải trồng theo cách truyền thống mà là trong nhà màng, nhà kính, ứng dụng công nghệ cao.
Cơ duyên để Đỗ Trung Kiên đến với nông nghiệp cũng chính từ quãng thời gian làm việc, học tập bên Nhật Bản khi được thăm những trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, gặp những người nông dân gắn bó với nông nghiệp nhưng không hề vất vả mà thu nhập cao.
Đặc biệt, được mắt thấy, tai nghe và thưởng thức những loại rau, củ, quả thơm ngon, chất lượng cao ngay tại nơi sản xuất, từ đó anh nung nấu ý định sẽ phát triển cho mình một mô hình như vậy ngay trên chính quê hương, để góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng cho thị trường cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân.
Vậy là khi về nước, Đỗ Trung Kiên bắt tay thực hiện ngay ý tưởng của mình bằng việc thành lập và trực tiếp làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên chuyên trồng các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao.
Được sự ủng hộ và động viên của gia đình, anh bắt đầu thuê đất, đầu tư xây dựng những m2 nhà kính đầu tiên để trồng ớt, khi đó là năm 2018. Sau bước đầu thành công, anh tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính trồng thêm nhiều loại cây khác như dưa lưới, dưa chuột, hoa, các loại rau ăn lá…
Đến nay, tổng diện tích nhà màng, nhà kính phục vụ sản xuất của công ty đã mở rộng lên hơn 10 nghìn m2, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho từ 5-7 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng gắn bó với nông nghiệp như Đỗ Trung Kiên, nhưng Ngô Văn Hùng, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên lại chọn theo đuổi phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại tổng hợp thay vì trồng trọt.
Trong tổng số hơn 1,5 ha diện tích đất của gia đình, Ngô Văn Hùng quy hoạch, đầu tư xây dựng thành các khu chuồng trại chăn nuôi lợn, nuôi gà khép kín với tổng diện tích hàng nghìn m2 được làm mát, giữ ấm, thông thoáng khí bằng hệ thống các máy công nghiệp.
Ngoài diện tích chuồng trại chăn nuôi, tại các khu vực còn lại anh Hùng cho trồng thêm các loại rau xanh; các loại cây ăn quả như bưởi diễn, mít thái, cam…với số lượng lên đến vài trăm cây, vừa tăng thêm nguồn thu, đồng thời tạo môi trường cảnh quan xanh cho trang trại.
Lúc cao điểm, mô hình của anh Hùng duy trì nuôi trên 1.000 con lợn; hơn 2 vạn con gà mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cùng với đó, tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hùng chia sẻ, để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu của bản thân, cùng với sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, bạn bè và các cấp chính quyền, nếu không kiên trì có lẽ tôi đã dừng lại ở ngay những thất bại đầu tiên.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy hầu hết thanh niên đều rất năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng phá cách để tạo nên những bước phát triển “đột phá”. Tuy nhiên, để thành công và phát triển bền vững cần sự đồng hành, định hướng, ủng hộ, hỗ trợ về mọi mặt của gia đình và các ban, ngành đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn ở cơ sở.
Ngoài hai mô hình trên, vẫn còn rất nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp khác do thanh niên làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rõ rệt mà không thể kể hết ở đây.
Tin rằng, nếu được đồng hành, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan chức năng của tỉnh, lớp thanh niên thế hệ mới sẽ ngày càng gắn bó với sản xuất nông nghiệp, trở thành nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng.