Những thanh niên luôn sẵn sàng hiến máu
Nhận được tin nhắn điện thoại, vô tình đọc được lời khẩn cầu trên mạng xã hội, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ nhanh chóng lao đến bệnh viện hiến máu, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Bùi Quang Hưng (sinh viên năm cuối khoa Triết học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) đang trong thời gian ở nhà tại thành phố Hạ Long tránh dịch COVID-19. Chiều 6/4, Hưng vào mạng đọc tin và lướt mạng xã hội như mọi khi thì tình cờ thấy trên tường Facebook của bạn có thông tin về V.M.A (SN 1997) bị tai nạn giao thông đang cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh cần truyền máu nhóm O. Biết mình nhóm máu O sau hai lần hiến máu tình nguyện tại trường, Hưng nhanh chóng lấy khẩu trang, nước sát khuẩn, mượn xe máy của mẹ mà không kịp giải thích để phóng đến bệnh viện. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao nhanh nhất có thể, tính mạng của bạn kia đang gặp nguy hiểm”, Hưng kể.
Đến viện, Hưng thấy gần chục người đang xếp hàng hiến máu. “Sau tôi vẫn có những cô chú, anh chị khác không quen biết gì người bị nạn cũng đến hiến. Được thấy sự nghĩa hiệp, sẵn lòng giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn của dân mình, tôi cảm thấy rất vui như chính mình được giúp đỡ”, Hưng nói.
Chính những giọt máu ấm nóng tình người đó đã giúp người được cấp cứu vượt qua cơn nguy kịch, dù mất đi một phần cơ thể. Người nhà nạn nhân tai nạn giao thông viết trên mạng xã hội: “Cảm ơn nghĩa cử của mọi người đã cho em cháu sức mạnh vượt qua cửa tử”.
Anh Dương Văn Việt (xóm 5, Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An) có con trai hai ngày tuổi bị tim bẩm sinh phải phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi Trung ương và cần bốn đơn vị máu nhóm A RH+. Sau khi thông tin này được chia sẻ trên Facebook chiều 7/4, nhiều người đã chủ động liên hệ giúp đỡ. Chị Nguyễn Thị Bình (SN 1992), thành viên nhóm Hiến máu Plus, đã gọi điện và đến bệnh viện sáng 8/4 hiến 250ml (1 đơn vị máu). “Tôi nhóm máu A và đã hơn sáu lần hiến máu. Nhìn thấy ảnh cháu bé còn rất nhỏ đã phải phẫu thuật rất thương nên tôi chỉ nghĩ đơn giản mình giúp được thì giúp thôi và cũng không e ngại gì việc đến bệnh viện trong đợt dịch COVID cả”, chị kể.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1985), công tác tại Trung tâm Thông tin khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, biết đến trường hợp con trai anh Việt qua câu chuyện bạn bè cũng đến bệnh viện hiến máu. Chị đã vượt qua sự e ngại, hồi hộp trong lần đầu tiên đối diện cây kim lấy máu, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Không chỉ sẻ chia giọt máu, chị Hà còn thường xuyên thăm hỏi, động viên vợ chồng anh Việt và sẵn sàng “nếu bé vẫn tiếp tục cần máu, hãy cứ a-lô”.
Trên Facebook có nhiều diễn đàn, hội nhóm của các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu; những người cùng nhóm máu như AB, O..., nhóm máu có yếu tố RH-. Đây không chỉ là nơi những người cùng nhóm máu, quan tâm về máu trao đổi, chia sẻ mà còn yêu cầu trợ giúp trong trường hợp cấp cứu, nhất là với những người thuộc nhóm máu hiếm.
Chị Đỗ Thị Nga (tên thường gọi chị Phương), Trưởng CLB Chia sẻ yêu thương Yên Thành Nghệ An và Phó ban Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung, thường chia sẻ thông tin về các trường hợp cần hỗ trợ, giúp đỡ. Gần nhất có trường hợp con anh Việt, trường hợp ông Trần Đình Vương bị u dạ dày mạn tính điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cần ba đơn vị nhóm máu O Rh+ để phẫu thuật cấp cứu... Sau mỗi thông tin kêu gọi sự giúp đỡ, chị đều cẩn thận theo dõi, cập nhật tình hình.
Chị Nga cảm thấy vui nhất khi thông báo “đã nhận đủ máu” và cảm ơn sự chia sẻ của mọi người. Chị hạnh phúc vì người bệnh có cơ hội thoát khỏi hiểm nghèo, vì được tiếp thêm niềm tin “có rất nhiều người tốt, lòng tốt của mỗi người luôn sẵn có trong tâm”. Bản thân chị đã hơn chục lần đến các điểm hiến máu tập trung, cũng không ít lần vượt đường xa để hiến máu cứu người từ tin nhắn cần giúp đỡ trên mạng xã hội, hay từ bạn bè trên mạng xã hội. “Những tấm lòng nhân ái gặp nhau sẽ giúp ích cho cộng đồng xã hội. Tôi tin rằng, bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo cũng sẽ được cứu”, chị nói.