Những thành quả bước đầu

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG DTTS & MN) mới được đưa vào tổ chức thực hiện tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022. Song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác; sự nỗ lực của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nên đã thu được những thành quả bước đầu, với kết quả một số chỉ tiêu rất khả quan.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG DTTS và MN) mới được đưa vào tổ chức thực hiện tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022. Song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác; sự nỗ lực của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nên đã thu được những thành quả bước đầu, với kết quả một số chỉ tiêu rất khả quan.

Cùng nhìn lại những thành quả bước đầu rất quan trọng của Chương trình sau 3 năm tổ chức thực hiện (2021 - 2023).

Chương trình MTQG DTTS và MN có nội dung cơ bản được tích hợp từ 118 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần. Chương trình MTQG DTTS và MN đã đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Đầu tư công; phạm vi địa bàn, mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nội dung, sự phù hợp về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phù hợp với chủ trương đầu tư Chương trình đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Trong Báo cáo sơ kết 3 năm (2021 - 2023) tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV, Chính phủ khẳng định, các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách thuộc Chương trình đã được xây dựng theo đúng quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; đã tập trung vào các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào DTTS và MN, theo thứ tự ưu tiên: Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Trên cơ sở nguyên tắc của Chương trình quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, 100% các địa phương thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN bằng nguồn hỗ trợ ngân sách trung ương đã ban hành Quy định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; xây dựng và triển khai quy trình rà soát, xác nhận và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chính sách của Chương trình.

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào DTTS vùng biên giới chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào DTTS vùng biên giới chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Qua đó các địa bàn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ nghèo cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ gia đình, người dân khó khăn nhất đều được ưu tiên bố trí nguồn lực và kinh phí nhằm mục tiêu tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình.

Để góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao mục tiêu cụ thể và tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đến năm 2025 về Chương trình MTQG DTTS và MN.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai hướng dẫn người dân thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Trung Dũng

Cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai hướng dẫn người dân thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Trung Dũng

Theo báo cáo địa phương, ước đến ngày 31/12/2023, trong số 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 7 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu đến thời điểm báo cáo; 2 nhóm mục tiêu mà thông số kết quả thể hiện đòi hỏi cần phải có thời gian để chính sách được triển khai, tác động nên kết quả đánh giá sẽ được thể hiện vào cuối giai đoạn thực hiện Chương trình.

Đối với 7 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu thông qua 24 chỉ tiêu, có 04 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành (gồm 3 nhóm mục tiêu hoàn thành; 1 nhóm mục tiêu có 4/5 chỉ tiêu đã hoàn thành); 3 nhóm mục tiêu chưa hoàn thành (trong đó có có 9 chỉ tiêu dự báo sẽ sớm hoàn thành), cụ thể:

Báo cáo của Chính phủ cũng ước đến 31/12/2023, sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN đã được ghi nhận trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày ở phiên thảo luận việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đó là: “Quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”. “Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm. Ảnh: Quốc hội

Căn cứ kết quả thực hiện, Chính phủ dự báo một số chỉ tiêu sẽ sớm về đích mục tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh…

Đối với một số nhóm chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực thực hiện từ vốn sự nghiệp, qua tổng hợp báo cáo phần lớn các tỉnh đều cho thấy, nếu cấp có thẩm quyền chỉ đạo, triển khai xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như hiện nay và chủ trương về việc điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Chương trình tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội thì đa số các tỉnh đều phấn đấu giải ngân theo kế hoạch được giao và sử dụng hợp lý nguồn lực để đến năm 2025, đạt được mục tiêu của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, tránh lãng phí nguồn lực.

Tựu chung lại, kết quả thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN đã góp phần cải thiện nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi; nhiều chủ trương định hướng của Trung ương, quy định đổi mới về chính sách và cơ chế quản lý thực hiện Chương trình MTQG trong các Nghị quyết của Quốc hội đã được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả. Đặc biệt là cán bộ các cấp, các ngành, địa phương đã nhận thức đúng về Chương trình MTQG, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Thực hiện: Hà Mi - Đức Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-thanh-qua-buoc-dau-post469161.html