Những thành quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Không chỉ kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ được chú trọng.
Hệ thống quản lý phủ rộng từ trung ương xuống địa phương
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức thực thi và đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương. Cục Quản lý cạnh tranh (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại địa phương, UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương. Sở Công Thương là cơ quan giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Còn UBND cấp huyện quyết định đơn vị giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống các cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm có tính “đầu mối” như Bộ Công Thương (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) và UBND các tỉnh (Sở Công Thương, UBND cấp huyện…), việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước khác. Có thể kể đến như: Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, Tài chính, Công an… hoặc hệ thống cơ quan xét xử: Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân,… trong quá trình giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng.
“Từ khi thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đến nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương xuống địa phương”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.
Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết cụ thể hơn, tại Trung ương, nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương được giao chủ yếu cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Ban Bảo vệ người tiêu dùng và Ban Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là hai đơn vị thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại địa phương: Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 30/6/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Công Thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó, có quy định: Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về Công Thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Để triển khai thực hiện, hiện nay, 100% Sở Công Thương đã giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các phòng chuyên môn như: Phòng Quản lý thương mại; Phòng Kế hoạch, tài chính; Thanh tra Sở,…”, ông Lê Triệu Dũng thông tin.
Còn tại cấp huyện, Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV quy định: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng thuộc UBND cấp huyện là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về Công Thương ở địa phương. “Thực tế, phần lớn UBND cấp huyện hiện đã giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế tạ tầng. Có một số ít UBND cấp huyện giao nhiệm vụ này cho Phòng Nông nghiệp hoặc một phòng chuyên môn khác”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, đối với hệ thống tổ chức xã hội, trước năm 2010, ở Việt Nam đã có một hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (theo các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999). Đến giai đoạn 2011 - 2018, việc triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã khiến cho số lượng các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng là các hội bảo vệ người tiêu dùng đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 Hội trên cả nước vào năm 2012 lên 57 Hội vào năm 2018.
Đáng chú ý, tại một số tỉnh, thành đã phát triển mạng lưới Hội xuống cấp huyện, xã. Một số Hội tại các địa phương đã đăng ký thành thành viên của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tạo thành một khối tổ chức thống nhất, cùng hoạt động vì mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.
“Có được sự phát triển về số lượng và mạng lưới nêu trên là do sự quan tâm, phối hợp sát sao từ Trung ương, đặc biệt là sự hoạt động tích cực, chủ động của các địa phương trong việc thành lập Ban vận động để thành lập các Hội”, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, cuối năm 2018, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở tái cơ cấu lại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. “Việc thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có phạm vi hoạt động trên cả nước và là một tổ chức xã hội không chỉ tạo dấu mốc quan trọng mà còn là cơ hội để hoàn thiện mô hình, tên gọi của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố, từ đó, nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như triển khai các hoạt động mang tính thống nhất giữa các hội trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Dũng nói.
Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
Theo ông Lê Triệu Dũng, không chỉ kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, mà công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cũng là khâu then chốt, ảnh hưởng lớn tới kết quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với các cán bộ công chức tại cơ quan trung ương có nhiệm vụ triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu nằm tại Bộ Công Thương, các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác như: Tòa án, cơ quan Trung ương của một số tổ chức chính trị - xã hội…
Cụ thể, tại Bộ Công Thương (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) có 12 cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Dù số lượng là quá ít so với yêu cầu triển khai nhiệm vụ ở cấp trung ương, nhưng có thể nói, trong thời gian qua, các cán bộ công chức này đã được tập trung đào tạo một cách bài bản cả về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định,
Đồng thời ông cũng cho biết thêm, trong 12 cán bộ công chức thực thi tại Bộ Công Thương có 1 cán bộ học vị Tiến sĩ, 8 cán bộ có học vị thạc sĩ, 3 cán bộ trình độ cử nhân. Các cán bộ đều có khả năng nói được ít nhất một ngoại ngữ, đa phần đã được tham gia các khóa đào tạo về quản lý nhà nước và lý luận chính trị.
Đối với việc đào tạo và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực, hàng năm Bộ Công Thương đều cử cán bộ tham dự Hội nghị Mạng lưới thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc tế (ICPEN) và Hội nghị Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP). Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều khóa học tập, học hỏi kinh nghiệm của các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp...
Tuy nhiên, “tại các cơ quan cấp trung ương khác không có một cán bộ nào thực hiện nhiệm vụ một cách trực tiếp hoặc chuyên sâu đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan khác khi ban hành và thực thi các quy định pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ đã không tính đến thậm chí vi phạm đến các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Lê Triệu Dũng nêu thực trạng.
Để cung cấp thêm thông tin cũng như đào tạo cho các cán bộ công chức ở cấp trung ương thuộc các lĩnh vực có liên quan, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chuyên biệt cho một số đối tượng.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, thực tế cho thấy, mỗi Sở Công Thương sẽ gồm 3 cán bộ có liên quan đến công tác này, bao gồm: Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên phụ trách trực tiếp. Tại cấp huyện sẽ là Lãnh đạo huyện, Lãnh đạo Phòng Kinh tế và chuyên viên. Tại cấp xã là Lãnh đạo xã, Lãnh đạo Văn phòng và chuyên viên.
Tuy nhiên, dù ở cấp nào thì cả ba cán bộ này đều thực hiện và triển khai nhiều nhiệm vụ khác bên cạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với vị trí là các công chức địa phương, các cán bộ này hàng năm sẽ được tham gia các hoạt động đào tạo về quản lý nhà nước và trình độ chính trị theo vị trí công tác tại đơn vị.
Đối với các cán bộ thực thi hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các địa phương, Bộ Công Thương thường xuyên, hàng năm tổ chức hoặc phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giảng dạy, tập huấn cho các đối tượng là công chức, viên chức thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. “Các nội dung chuyên môn thường xuyên được cập nhật theo thông tin mới nhất của thị trường. Theo thống kê, trong giai đoạn 2011đến nay, hàng năm, Bộ Công Thương đều chủ trì tổ chức 2 - 3 hoạt động tập huấn theo từng khu vực địa lý trên cả nước, đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức từ 10 -15 hoạt động tập huấn, hội thảo, hội nghị. Cùng với đó, các Sở Công Thương cũng đã tổ chức hàng ngàn hoạt động đào tạo cho các cán bộ cấp huyện và cấp xã”, ông Lê Triệu Dũng cho hay.
Dù đạt được nhiều kết quả xong Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng nhìn nhận, việc quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn như: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2023, do đó, cần có thời gian để ổn định, kiện toàn về tổ chức, nhân sự, đây cũng là khó khăn cho việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với các Sở Công Thương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự hiệu quả trong một số hoạt động, cụ thể: Công tác tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng; trong cung cấp, cập nhật và chia sẻ dữ liệu thông tin quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... do nguồn lực của Ủy ban và các cơ quan liên quan tại địa phương cũng đều bị hạn chế.
Khắc phục những hạn chế, khó khăn, lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là trình Chính phủ ký ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ngày 10/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là sự kiện quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 với tỷ lệ 93,72% đại biểu tán thành. Luật chính thức đi vào thực thi từ ngày 1/7/2024. Đây là khuôn khổ pháp luật quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.