Những thành tựu và kết quả nổi bật của tỉnh Hòa Bình qua 2 giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 – 2025

Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), tỉnh Hòa Bình gây ấn tượng với những kết quả đột phá về kinh tế - xã hội đã đạt được. Những năm đầu giai đoạn 2020-2025 sau đó đã mang tới hàng loạt thách thức vô cùng lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên, bằng việc phát huy tinh thần đoàn kết, tỉnh Hòa Bình vẫn giữ vững được những thành quả của nhiệm kỳ trước và đạt được nhiều thành công mới đáng khích lệ.

Đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu đề ra

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020, trong vòng 5 năm, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GRDP, đồng thời chú trọng cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường…

Trong nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020) bằng việc phát huy tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã cùng vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, từ đó giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Trong đó, tỉnh Hòa Bình đã gây chú với 6 thành tựu nổi bật, góp phần tạo nền tảng vững chắc để tỉnh iếp tục phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh: Toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59/210 bằng 28,1% đơn vị hành chính cấp xã (đứng đầu cả nước về tỉ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã); giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập, 576 thôn, xóm, tổ dân phố, 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Thứ hai, Mo Mường và nghệ thuật Chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Mo Mường Hòa Bình được Chính phủ lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hoàn thành việc xây dựng bộ chữ Mường, bộ tài liệu dạy và học chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình; lần đầu tiên người Mường tỉnh Hòa Bình có bộ chữ viết chính thức.

Nghệ thuật Chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Nghệ thuật Chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Thứ ba, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 59/131 xã về đích nông thôn mới (đạt 45%), 02/10 đơn vị cấp huyện (thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành trước 01 năm thực hiện nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (đứng thứ 3 các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; đứng đầu các tỉnh Tây Bắc).

Thứ tư, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 63,8 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình vùng Trung du và miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao, bình quân 28,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm tăng 26,3% (năm 2015 là 282,5 triệu USD, năm 2019 là 790,84 triệu USD).

Thứ năm, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,1%/năm; chuẩn hóa 50 sản phẩm lợi thế của tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao theo Chương trình OCOP, 24 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) sản xuất chè theo vùng tập trung, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) sản xuất chè theo vùng tập trung, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Thứ sáu, cơ sở hạ tầng xã hội như: điện, trường học, trạm y tế, bệnh viện được quan tâm xây dựng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Về giao thông, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm. Nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng: Hoàn thành tuyến đường Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình, hoàn thành Cầu Hòa Bình 3 và đang thi công Cầu Hòa Bình 2 qua Sông Đà; …

Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hôịtrên địa bàn. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hôịtrên địa bàn. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Đạt nhiều kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội

Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhằm thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội.

Có thể kể tới một số những thành tựu, kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Hòa Bình như: Kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch (PCD); kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng. Cán bộ, Nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp Quỹ PCD Covid-19; cử đoàn công tác gần 600 viên chức y tế, bác sỹ tham gia hỗ trợ PCD tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và hỗ trợ kinh phí, vật chất giúp đỡ, sẻ chia với một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Tỉnh đã vượt qua các đợt cao điểm của dịch, đảm bảo cuộc sống bình thường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm và cải thiện các cân đối lớn về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 2,66% (nếu loại trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình thì tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt mức 5,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 17.105 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 36% so với năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương ước bằng 95% so với năm 2020. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%. Hộ nghèo giảm còn 6,6%. Thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công; kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021. Ước cả năm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch. Tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050, đang tiến hành thực hiện các bước giai đoạn 2; hoàn thành quy hoạch phân khu Khu Du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình; đang tiến hành tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện và một số vị trí có tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với tỷ lệ đầu tư công chiếm 53% tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao. Tỉnh đã phê duyệt chủ trương các dự án giao thông trọng điểm như: Đường liên kết vùng Kim Bôi nối với đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia… Hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Hòa Bình 2 với tổng mức đầu tư 590,81 tỷ đồng.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính. Trong năm 2021, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; ban hành quy định về trình tự thủ tục đầu tư; ban hành quy chế giải phóng mặt bằng; hoàn thành bộ chỉ số DDCI; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính… qua đó từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu...

Khu Công nghiệp Lương Sơn – Điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh. Ảnh minh họa: Internet

Khu Công nghiệp Lương Sơn – Điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh. Ảnh minh họa: Internet

Tới năm 2022, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,32%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%. Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt…

Tuấn Anh - Lê Chiên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/nhung-thanh-tuu-va-ket-qua-noi-bat-cua-tinh-hoa-binh-qua-2-giai-doan-2015-2020-va-2020-2025-post11679.html