Những thầy cô khiến thanh xuân của học trò trở nên rực rỡ
Với nhiều học sinh, ấn tượng sâu sắc về thầy cô là những người đã dày công dìu dắt, ươm mầm cho những ước mơ thời thơ bé, đặc biệt với những ai mà thầy cô trở thành người 'thay đổi cuộc đời' của họ.
Trong cuộc đời của mỗi con người, ngoài gia đình, người thầy có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Khi đứng trên bục giảng, thầy cô có thể tạo ra một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí và hơn hết, có thể làm thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ.
Người thầy trong mắt của những cô học trò trong câu chuyện này chính là những con người như vậy, là hạt nắng vàng mang lại ánh sáng và niềm vui, là cầu vồng sau cơn mưa, tiếp thêm hy vọng để các em đủ tự tin, vững vàng viết những giấc mơ.
Cầu vồng sau cơn mưa
"Tôi đã từng là một đứa trẻ tự kỷ"- phải thật dũng cảm mới có thể thốt ra được điều ấy, nhưng giờ đây, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Cô đã đến bên tôi - nhẹ nhàng, tươi mát như cầu vồng sau mưa, mang lại sức sống, niềm vui, hạnh phúc để tôi tìm lại được chính mình, thấy được giá trị của bản thân, có thể tự tin hòa nhập với bạn bè và cuộc sống.
Người đã làm tôi thay đổi đó là cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy môn Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 10A10 - người mà cả lớp tôi vẫn gọi là "mẹ Hiền."
Đó là tâm sự của em Lưu Thị Thảo Nguyên, Trường Trung học Phổ thông Chi Lăng (Lạng Sơn) về cô giáo của mình.
Ngay từ nhỏ, Thảo Nguyên đã không muốn tiếp xúc với ai, kinh tế gia đình lại rất khó khăn nên không ai biết em mắc chứng tự kỷ.
Bước vào lớp 10, em đi học xa nhà, những khó khăn trong cuộc sống khiến Nguyên càng khó hòa nhập, em chỉ sống trong thế giới của riêng mình. Em không có bạn bè, sức học không thể theo kịp các bạn trong lớp. Chính cô Hiền là người đã phát hiện những biểu hiện tâm lý khác thường và kịp thời giúp đỡ em.
Thảo Nguyên kể về trận mưa lũ tháng 5 năm 2022, khiến cho học sinh xóm trọ nơi em ở không kịp trở tay. Tất cả phòng trọ bị nhấn chìm trong mưa lũ, đồ dùng, sách vở bị cuốn trôi theo dòng nước. Lúc ấy, em mắc COVID-19, gia đình ở xa, bệnh tật và những khó khăn chồng chất.
Cô Hiền như "bà tiên có phép màu", xuất hiện kịp thời giúp em chiến thắng tất cả. Sự tận tâm của cô đã làm cho các bạn trong lớp hiểu về em, giúp đỡ em rất nhiều để em vượt qua chính mình, tự tin trong các hoạt động của trường, lớp.
Đặc biệt, với sự dìu dắt, chỉ bảo đầy tâm huyết của cô Hiền, Thảo Nguyên đã đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn trong kỳ thi vượt cấp chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2021-2022. Hơn tất cả, điều kỳ diệu cô Hiền đã trao cho Thảo Nguyên là nỗ lực vượt qua chính mình, hòa nhập với các bạn, tự lập trong cuộc sống.
Là cô giáo miền xuôi lên công tác miền núi đã được 21 năm, cô Nguyễn Thị Thu Hiền là một giáo viên tâm huyết, dạy giỏi và có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hoàn cảnh của cô rất đặc biệt.
Cô có 3 người con, trong đó hai người con sinh đôi có một em bị tăng động, một em bị rối loạn phát triển phổ tự kỷ. Chặng đường đong đầy mồ hôi, nước mắt, cùng các con chiến đấu với bệnh tật đã làm cô kiệt quệ tinh thần, sức lực, tiền bạc.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cô, các con đã dần bình phục, hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, cô Hiền đã lan tỏa những điều tích cực sang học trò từ chính hoàn cảnh của mình.
"Đường đi của những người mẹ có con tự kỷ vốn chẳng nhìn thấy đích nhưng cô luôn có ngọn lửa thần kỳ để soi rọi, đó chính là trái tim quả cảm và đầy yêu thương. Từ cuộc đời cô, từ sự quan tâm, chăm sóc của cô, một cô bé chỉ thích vẽ cầu vồng như tôi nhận thấy rằng, cầu vồng đẹp nhất khi xuất hiện từ ánh sáng mặt trời. Sau mỗi cơn mưa mù mịt, phải lạc quan, mạnh mẽ, tự tin, những cơn mưa to sẽ không là gì đối với bạn" - Thảo Nguyên chia sẻ.
Với những tâm sự chân thật, xúc động của Lưu Thị Thảo Nguyên và nhóm học sinh lớp 11A10, Tường Trung học Phổ thông Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn về cô Nguyễn Thị Thu Hiền, tác phẩm dự thi "Cầu vồng sau cơn mưa" đã giành giải đặc biệt trong Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm 2022.
Người mẹ đầu tiên
Nông Diệu Châm, học sinh lớp 9A, Trường Trung học Cơ sở Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đã bắt đầu câu chuyện của mình như thế này:
"Nếu có ai hỏi tôi định nghĩa về mẹ, có lẽ đối với tôi, đó sẽ là câu hỏi hóc búa nhất. Với tôi, ký ức về mẹ chỉ mờ nhòa qua những câu chuyện của người lớn, rằng mẹ đã bỏ đi khi tôi mới lên hai. Vì thế mà những gì còn đọng lại về mẹ cứ mờ dần theo năm tháng. Cho đến một ngày, có một người xuất hiện. Người ấy khiến tôi tự hỏi: Tình yêu thương chân thành, dịu dàng và ấm áp ấy phải chăng vẫn được người ta gọi là tình mẫu tử và có thể nhờ thế chăng mà những năm tháng dưới mái trường đã trở thành quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Người mẹ tuyệt vời mà tôi nhắc đến là cô giáo chủ nhiệm của tôi, cô Lã Thị Thanh Hằng - một giáo viên tận tụy với nghề và nghiêm khắc với học sinh. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài nghiêm khắc ấy là một trái tim, một tấm lòng bao dung, vị tha vô hạn."
Căn bệnh động kinh di truyền từ gia đình ngoại khiến Nông Diệu Châm luôn tự ti. Mỗi lần Châm lên cơn co giật trong lớp là mỗi lần bạn bè sợ hãi, ít ai dám gần gũi và thân thiết với em.
Diệu Châm chia sẻ vào khoảng thời gian em cô đơn và lạc lõng nhất, có một bàn tay đã nắm lấy tay em. Biết em ngại giao tiếp, ít bạn bè, lại không tự tin về bản thân, cô Hằng thường dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ mọi điều về cuộc sống, đôi khi chỉ là những câu chuyện nhỏ nhặt hay lời thăm hỏi mỗi ngày. Những bài tập chưa hiểu, cô đều tận tình giảng dạy, chưa bao giờ cô chê em chậm chạp mà lúc nào cũng kiên nhẫn lắng nghe và cổ vũ.
Cô Thanh Hằng đã kể cho em nghe câu chuyện về người giữ lửa. Mỗi đứa trẻ sinh ra với ngọn lửa quý giá bên trong, đó là ngọn lửa diệu kỳ, là tiềm năng để bắt đầu. Ánh sáng bên trong này soi sáng con đường phía trước, khơi dậy trí tò mò, giữ cho những đam mê không tàn lụi. Nhưng đôi khi, ngọn lửa này phải đối mặt với những thử thách đến từ bên trong và cả bên ngoài, nó có thể chập chờn dưới những áp lực và bị dập tắt, đánh gục bởi sự tự ti. Mặc dù một đứa trẻ đôi khi có thể vấp ngã nhưng chúng không bao giờ lạc lối bởi luôn có người bảo vệ ngọn lửa ấy. Đó là gia đình và những người thầy, những người luôn yêu thương chúng. "Hãy tự tin để ngọn lửa tỏa sáng và dẫn đường cho con theo một cách riêng biệt, không cần phải giống một ai khác" - Đó là lời khuyên cô Hằng đã dành cho Châm.
"Sự thấu hiểu và tình yêu chân thành của cô đã chinh phục chúng tôi - những cô cậu học trò với những tính cách riêng, hoàn cảnh riêng. Tình yêu của chúng tôi dành cho cô đến một cách tự nhiên. Cô vô hình trở thành sợi dây bền chặt, gắn kết tình cảm giữa những thành viên trong lớp, xóa bỏ mặc cảm cho những đứa trẻ tự tin và nhút nhát nhất như tôi. Những năm tháng dưới mái trường vì thế mà trôi qua thật ý nghĩa, với vô vàn những kỷ niệm đẹp. Mai này, khi rời mái trường nơi đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, tôi có thể tự hào mà nói rằng -mái trường ấy có một người mà cả đời tôi yêu thương và trân trọng, người mẹ đầu tiên của tôi," Diệu Châm tâm sự.
Câu chuyện trong tác phẩm dự thi "Người mẹ đầu tiên" của Nông Diệu Châm, Nguyễn Ánh Dương, Nguyễn Thị Ánh Hường, học sinh lớp 9A, Trường Trung học Cơ sở Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một trong bốn tác phẩm giành giải Nhất của Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm nay.
Còn rất nhiều những câu chuyện khác, của rất nhiều học sinh, sinh viên đến từ mọi miền Tổ quốc kể về thầy cô giáo của mình. Đó có thể là những người thầy trí cao, tâm sáng, giàu nghị lực; là người thắp lửa đam mê; vun trồng những ước mơ hay là người thầy "siêu cute" khiến thanh xuân của những cô, cậu học trò trở nên rực rỡ.
"Dẫu đếm hết sao trời đêm nay. Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi… Nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy" - lời hát trong ca khúc "Người thầy" của Nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy có lẽ là tiếng lòng của rất nhiều thế hệ học trò dành cho những người thầy, người cô đã dày công dìu dắt, ươm mầm cho những ước mơ thời thơ bé, đặc biệt với những ai mà thầy cô đã trở thành người "thay đổi cuộc đời" họ./.