Những thay đổi lớn ở bản đồng bào Mông – Bài 1: Người tiên phong xóa hủ tục 'treo xác' người chết

Từ 'hạt giống đỏ', người Mông ở Thanh Hóa đã xóa bỏ những hủ tục tang ma, tập quán lạc hậu và đoàn kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

LTS: Đồng bào Mông ở Thanh Hóa sinh sống chủ yếu ở các bản làng thuộc các xã giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa hai huyện Quan Sơn và Mường Lát.

Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát triển thì cũng còn không ít các hủ tục lạc hậu đã bám rễ, làm cản trở sự phát triển và khiến cho cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây từng có thời kỳ chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Vậy nhưng nhờ có các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền tỉnh, sự nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên ở bản mà đời sống người dân đang dần thay đổi tốt hơn mỗi ngày.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng mời bạn đọc theo dõi loạt bài Những thay đổi lớn ở bản đồng bào Mông.

***********

Mường Lát là địa danh xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, nằm cách trung tâm tỉnh khoảng 250 km về phía Tây giáp Lào. Đây là nơi sinh sống của sáu đồng bào dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 40% và cũng là dân tộc đông nhất của huyện Mường Lát.

Đồng bào người Mông nơi đây vẫn giữ hủ tục tang ma trói thi hài người quá cố nằm trên một chiếc cáng tre treo bên vách nhà 5 - 7 ngày mới đem chôn cất. Quá trình tang ma kéo dài này, nhiều trâu bò lợn gà đã được giết để cúng tế người quá cố, gây tốn kém lãng phí. Việc này đã khiến nhiều gia đình người Mông nghèo đi, có những gia đình mất cả chục năm sau vẫn chưa trả hết nợ.

 Ông Lầu Minh Pó (hàng đầu, bên phải), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, người đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục tang ma cho đồng bào của mình. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Lầu Minh Pó (hàng đầu, bên phải), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, người đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục tang ma cho đồng bào của mình. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Muốn đồng bào tin, mình phải làm trước

“Khi tôi quyết định đưa người Mông chết đầu tiên ở Mường Lát, Thanh Hóa vào quan tài cũng là lúc tôi không còn sợ những lời nguyền của đồng bào mình nữa”. Ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, bắt đầu câu chuyện của mình khi nói về hành trình xóa bỏ hủ tục “phơi xác” để đưa người chết vào quan tài của người Mông.

Theo ông Pó, việc không đưa người chết vào quan tài chỉ là một thói quen chứ không phải phong tục, tập quán của người Mông.

 Hình ảnh tang ma của người Mông trước khi có cuộc vận động đưa người chết vào quan tài. Ảnh: Tư Liệu

Hình ảnh tang ma của người Mông trước khi có cuộc vận động đưa người chết vào quan tài. Ảnh: Tư Liệu

Ông kể: Năm 1992, tôi làm Hiệu phó ở Trường THCS Pù Nhi đã cùng với anh Hơ Văn Chứ - người Mông đầu tiên làm phó phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, đi học ở Hà Nội. Lúc đó, tôi có nói với anh Chứ rằng khi người Mông ở Mường Lát chết thì chúng ta phải quyết định đưa vào quan tài.

Tuy vậy, sau 15 năm vận động vẫn chưa thành công, bởi trong quan niệm, nhận thức của đa số người dân nơi đây nếu đưa người chết vào quan tài thì cả nhà lẫn dòng họ sẽ bị ông bà, tổ tiên bắt đi theo.

Mãi đến năm 2013, khi nhận tin em trai ruột của ông nội là Lầu Chứ Dơ (65 tuổi) ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát mất, ông Pó đã quyết định đưa thi hài vào quan tài. “Thời điểm này, tôi xác định nếu muốn tuyên truyền cho bà con đồng bào Mông nghe, tin và thay đổi tập quán, xóa bỏ hủ tục tang ma đã đeo đẳng nhiều đời nay thì mình phải là người thực hiện trước” – ông Pó chia sẻ và cho hay khi đó ông cùng bố đẻ đã tranh luận rất nhiều về việc này.

 Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lầu Minh Pó (bên trái) chia sẻ với phóng viên báo Pháp Luật TP. HCM về hành trình xóa bỏ hủ tục trong tang ma người Mông. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lầu Minh Pó (bên trái) chia sẻ với phóng viên báo Pháp Luật TP. HCM về hành trình xóa bỏ hủ tục trong tang ma người Mông. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bố tôi nói: “Từ bao đời nay người Mông mình không làm thế, nếu đưa ông vào quan tài thì sẽ bị tổ tiên trách phạt, bị dòng họ và bà con dân bản phản đối”. Tuy vậy, khi đó tôi cương quyết bởi nếu bấy giờ không làm thì không biết bao giờ mới làm được"- ông nói.

Sau khi làm tang ma xong thì anh em trong dòng họ ông Pó vẫn còn nhiều ý kiến phản đối. Có người cho rằng trong ba tháng là ông Dơ sẽ về đưa anh Pó đi thôi vì bao đời nay người Mông không có tục lệ đưa người chết vào quan tài.

“Lúc đầu nghe dòng họ, bà con dân bản nói vậy vợ tôi cũng lo lắng tôi sẽ chết theo ông Dơ. Để trấn an vợ, tôi nói tôi không sợ...” – ông Pó kể.

Đề án mang tính bước ngoặt

Trong căn nhà ngói đơn sơ của nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát là chiếc máy tính cũ cùng nhiều bằng khen ghi nhận đóng góp của ông trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào người Mông về hủ tục tang ma.

Ông Pó cho hay, dù đã về hưu nhưng vì mong muốn bà con dân bản thay đổi nên ông vẫn dành toàn bộ thời gian, tâm huyết đi tới từng bản làng, gõ cửa từng nhà để tiếp tục tuyên truyền cho bà con thực hiện nếp sống mới trong văn hóa tang ma.

 Dù về hưu, nhưng ông Lầu Minh Pó đều đặn mỗi ngày đọc các chủ trương, chính sách của Đảng viết ra tiếng Mông để tuyên truyền đến bà con dân bản. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Dù về hưu, nhưng ông Lầu Minh Pó đều đặn mỗi ngày đọc các chủ trương, chính sách của Đảng viết ra tiếng Mông để tuyên truyền đến bà con dân bản. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo ông Pó, bước ngoặt tạo nên sự thay đổi trong hủ tục tang ma của đồng bào Mông chính là việc ban hành đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” của Tỉnh ủy Thanh Hóa giữa năm 2013.

Đề án nêu rõ cứ mỗi khi có người chết đưa vào quan tài thì được hỗ trợ 8 triệu đồng (3 triệu mua con heo, 5 triệu mua bộ hòm). Dù vậy việc thực hiện đề án này trong thực tế cũng gặp không ít khó khăn bởi hủ tục, quan niệm trong văn hóa tang ma đã ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của đồng bào người Mông.

 Ông Pó (thứ 3 từ trái qua) đến nhà các gia đình ở bản Cơm (Pù Nhi) vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới không mổ bò, trâu, đưa người chết vào quan tài. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Pó (thứ 3 từ trái qua) đến nhà các gia đình ở bản Cơm (Pù Nhi) vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới không mổ bò, trâu, đưa người chết vào quan tài. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp, ngành huyện Mường Lát, đến nay đề án đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào Mông ở Mường Lát.

Người Mông đã thực hiện nếp sống mới đưa người chết vào quan tài và rút ngắn thời gian tổ chức tang ma. “Đây thực sự là một ‘cuộc cách mạng’ văn hóa trong tang ma của người Mông nhờ chính sách của Đảng, nhà nước” – ông Lâu Minh Pó khẳng định.

Niềm tin của người Mông vào các chính sách của Nhà nước

Theo chân ông Pó về bản Cơm (Pù Nhi), chúng tôi mới nhận thấy rất nhiều thay đổi cả về đời sống tinh thần lẫn kinh tế, những niềm vui, nụ cười luôn hiện hữu trên mỗi gương mặt của bà con người Mông nơi đây.

 Ông Lâu Minh Pó gần dân, thấu hiểu, chia sẻ tâm tư của đồng bào mình nên được người Mông tin tưởng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Lâu Minh Pó gần dân, thấu hiểu, chia sẻ tâm tư của đồng bào mình nên được người Mông tin tưởng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Hơ Văn Dế, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Cơm, vui mừng nói: Người Mông ở bản Cơm mình thay đổi nhiều rồi. Khi gia đình có người chết thì đưa vào quan tài ngay, không để người chết “treo” trong nhà như bao đời nay. Đám tang ở bản trước đây có khi kéo dài đến 9-10 ngày nhưng nay chỉ còn ba ngày. Việc mổ lợn, thịt trâu, thịt bò cúng người quá cố cũng giảm hẳn.

“Đồng bào Mông trong bản Cơm rất tin tưởng vào các chính của nhà nước dành cho họ” - ông Hơ Văn Dế khẳng định.

 Ông Hơ Văn Dế chia sẻ với ông Lầu Minh Pó về người dân bản Cơm (Pù Nhi) đã thực sự thay đổi nhờ thực hiện nếp sống văn minh, đưa người chết vào quan tài. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Hơ Văn Dế chia sẻ với ông Lầu Minh Pó về người dân bản Cơm (Pù Nhi) đã thực sự thay đổi nhờ thực hiện nếp sống văn minh, đưa người chết vào quan tài. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

 Một góc bản Cơm (Pù Nhi, Mường Lát). Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Một góc bản Cơm (Pù Nhi, Mường Lát). Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bản Cơm lọt thỏm giữa núi rừng miền biên ải xứ Thanh trước đây từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện với những hủ tục lạc hậu nhưng nay đã và đang từng ngày thay đổi.

Người đàn ông tiên phong “đi ngược” đồng bào trong tổ chức tang ma nay cũng đã già đi nhưng đôi chân, trái tim vẫn luôn giữ nhiệt huyết cùng khát vọng mong muốn đời sống người Mông ở Mường Lát đổi thay.

Thay đổi hủ tục, xây dựng nếp sống mới

"Người Mông chủ yếu sinh sống tập trung ở các bản thuộc các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Quang Chiểu của huyện Mường Lát.

Văn hóa trong tang ma của người Mông trong những năm qua đã thật sự có nhiều đổi thay, không còn để người chết trong nhà nhiều ngày và thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Một phụ nữ Mông ở bản Cơm bày tỏ niềm vui khi con cháu không phải "trả nợ tang ma" cho người đã khuất. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhằm tạo ra những thay đổi về nhận thức và tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu của đồng bào nơi đây.

Qua đó, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát HÀ VĂN CA

(Kỳ sau: Vượt khó, khổ ở bản Tà Cóm nơi mệnh danh “tam giác vàng”. Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là bản biệt lập khó khăn nhất của Thanh Hóa; nơi đây từng được ví như “tam giác vàng”, bởi ma túy cùng nhiều hủ tục lạc hậu bủa vây).

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-cuoc-cach-mang-o-ban-dong-bao-mong-bai-1-nguoi-tien-phong-xoa-hu-tuc-treo-xac-nguoi-chet-post775514.html