Những thiên kiến về phụ nữ trong ngành công nghệ
Không xem xét những khác biệt về lối sống của nữ giới so với nam giới, các lập trình viên đã vô tình tạo ra một thuật toán có thiên kiến ngầm chống lại phụ nữ.
Không chỉ phớt lờ đặc trưng xã hội của nữ giới (các em gái thường sẽ bị trừng phạt theo cách mà bọn con trai không phải chịu khi thể hiện hành vi chống đối xã hội), sự kỳ khôi trong việc đóng khung năng khiếu về khoa học máy tính xung quanh hành vi điển hình của nam giới còn ở chỗ công việc viết mã ban đầu vốn được xem như việc của phụ nữ.
Trên thực tế, phụ nữ chính là những “máy vi tính” đầu tiên khi họ làm công việc giải các bài toán phức tạp bằng tay cho quân đội trước khi bị những chiếc máy chiếm lấy danh xưng đó và thay thế vị trí của họ. Ngay cả sau khi bị máy móc thay thế thì cũng phải mất nhiều năm sau nữa phụ nữ mới bị thế chỗ bởi đàn ông.
ENIAC, chiếc máy tính kỹ thuật số đầy đủ chức năng đầu tiên trên thế giới được công bố vào năm 1946 là do 6 phụ nữ lập trình. Trong những năm 1940 và 1950, phụ nữ vẫn là giới tính thống trị trong ngành lập trình và vào năm 1967 tạp chí Cosmopolitan từng đăng bài viết có tên The Computer Girls (tạm dịch: Những Cô gái Vi tính) để khuyến khích phụ nữ tham gia ngành lập trình.
“Công việc này cũng giống như bạn đứng ra tổ chức một bữa tiệc tối vậy”, Grace Hopper, nhà tin học tiên phong mô tả. “Bạn phải lập kế hoạch trước rồi lên lịch hết mọi thứ để tất cả sẵn sàng khi bạn cần. Lập trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng xử lý chi tiết. Phụ nữ là những người có thiên bẩm trong việc này”.
Nhưng trên thực tế, chính vào khoảng thời gian này, các nhà tuyển dụng bắt đầu nhận ra rằng lập trình không phải công việc văn thư tay nghề kỹ năng thấp như họ nghĩ. Nó không giống như việc đánh máy hoặc sắp xếp giấy tờ. Nó yêu cầu kỹ năng giải quyết vấn đề nâng cao.
Thế là thành kiến tài giỏi đã áp đảo thực tế khách quan (vì xét từ việc phụ nữ đã làm công việc lập trình từ trước thì hiển nhiên họ phải có những kỹ năng ấy rồi) và các nhà lãnh đạo của ngành này bắt đầu đào tạo nam giới. Sau đó, họ đã phát triển các công cụ tuyển dụng trông có vẻ khách quan nhưng thực ra lại ngấm ngầm thành kiến đối với phụ nữ.
Các bài trắc nghiệm năng khiếu đòi hỏi “kỹ năng giải quyết vấn đề theo bối cảnh chung chung hoặc cụ thể” nhưng thực chất lại tập trung vào dạng các câu đố toán học mà ngay cả các lãnh đạo đầu ngành cũng cảm thấy chúng ngày càng không liên quan đến lập trình. Tác dụng chủ yếu của chúng là kiểm tra các kỹ năng toán học, thứ mà nam giới vào thời điểm đó thường được học ở trường.
Chúng cũng khá hữu dụng để kiểm tra chất lượng mối quan hệ của một ứng viên: các câu trả lời thường được truyền tay thông qua các mạng lưới quan hệ gồm toàn nam giới như các hội nam sinh đại học và Hội Elks (một hội huynh đệ tại Mỹ).
Với lịch sử như vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy dạng thành kiến ngầm này hiện trỗi dậy trong các thuật toán bí mật tham gia ngày càng nhiều vào quy trình tuyển dụng. Viết trên tờ Guardian, Cathy Ơ’Neil, nhà khoa học dữ liệu người Mỹ kiêm tác giả cuốn Weapons of Math Destruction (tạm dịch: Những Vũ khí Toán học Hủy diệt), giải thích làm thế nào nền tảng tuyển dụng công nghệ trực tuyến Gild (hiện đã được công ty đầu tư Citadel mua lại và sáp nhập) cho phép các doanh nghiệp tìm hiểu ứng viên không chỉ qua hồ sơ họ gửi mà còn đi xa hơn bằng cách rà soát “dữ liệu xã hội” của họ.
Đó là những dấu vết mà ứng viên để lại trên mạng. Dữ liệu này được dùng để xếp hạng các ứng viên theo “vốn xã hội”, về cơ bản nó cho thấy sức ảnh hưởng của một lập trình viên trong cộng đồng kỹ thuật số. Yếu tố này có thể đo lường thông qua lượng thời gian họ dành cho việc chia sẻ và phát triển mã trên các nền tảng phát triển như GitHub hoặc Stack Overflow. Nhưng núi dữ liệu mà Gild sàng lọc ra cũng tiết lộ các mẫu số chung khác.
Ví dụ, theo dữ liệu của Gild, việc ai đó thường xuyên ghé thăm một trang web truyện tranh Nhật Bản (manga) cụ thể nào đó cũng là một “chỉ báo chắc chắn về khả năng viết code giỏi” của người đó. Các lập trình viên truy cập trang web này do đó sẽ nhận được điểm số cao hơn. Tất cả nghe có vẻ rất thú vị. Nhưng như ƠNeil đã chỉ ra, việc thưởng điểm theo kiểu này đang gióng lên hồi chuông báo động cho bất kỳ ai quan tâm đến sự đa dạng.
Phụ nữ, như chúng ta đã thấy, phải làm 75% công việc chăm sóc không lương trên thế giới, nên có thể họ không có thời gian rảnh rỗi để tán gẫu hàng giờ trên mạng về manga. ƠNeil cũng chỉ ra rằng “nếu trang web manga đó, cũng giống phần lớn thế giới công nghệ, do nam giới thống trị và mang màu sắc kỳ thị giới tính thì nhiều phụ nữ trong ngành có thể sẽ tránh xa nó”.
Gild chắc chắn không cố tình tạo ra một thuật toán phân biệt đối xử với phụ nữ. Mục đích của họ vốn là loại bỏ những thiên kiến của con người. Nhưng nếu bạn không nhận thức được cách vận hành của những thiên kiến đó, nếu bạn không thu thập dữ liệu và dành chút thời gian để tạo ra các quy trình dựa trên bằng chứng thực tế, thì bạn sẽ tiếp tục mù quáng nối dài những bất công cũ.
Và vì vậy, khi không xem xét những khác biệt về lối sống của nữ giới so với nam giới, cả trên mạng và ngoài đời thực, các lập trình viên của Gild đã vô tình tạo ra một thuật toán có thiên kiến ngầm chống lại phụ nữ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-thien-kien-ve-phu-nu-trong-nganh-cong-nghe-post1416520.html