Những thói quen sai lầm khi ăn măng, rất nhiều người Việt mắc phải
Những thói quen gây hại nghiêm trọng cho cả nhà khi ăn măng cần loại bỏ cấp tốc.
Măng là món ăn quen thuộc với các gia đình Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết ăn măng đúng cách, rất nhiều người đã "tận dụng" loại thực phẩm này làm các bài thuốc chữa bệnh sai lầm, hoặc mắc phải những thói quen tai hại sau.
Sai lầm khi ăn măng
Uống nước măng tươi để hạ sốt và chữa bệnh
Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Cyanide là một gốc Acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc Acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hóa là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể.
Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc.
Măng ngâm dấm chưa đủ thời gian đã ăn
Mỗi cân măng củ có khoảng 230mg cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi cân. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9mg trong mỗi cân.
Do đó, nếu bạn ăn măng ngâm dấm chưa đủ thời gian - măng chưa ngả sang màu vàng ươm và chưa có mùi chua thì khả năng gây ngộ độc vẫn rất cao.
Bên cạnh đó, trước khi sấy hoặc phơi khô măng, bạn cũng nên ngâm măng qua nước muối hoặc luộc kĩ măng. Đến khi sử dụng măng khô để xào nấu, bạn nên chần lại nước nóng hoặc luộc lại là tốt nhất.
Cách chế biến để không gặp nguy hại cho sức khỏe khi ăn măng tươi?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhiều người đã sai khi nghĩ măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí ăn nhiều sẽ mất máu. Thực tế đây là một trong những loại thực phẩm rất giá trị, có thể ăn thường xuyên với những người khỏe mạnh bình thường. Về việc măng có gây ảnh hưởng đến máu hay không, vị chuyên gia khẳng định đó chỉ là quan niệm dân gian, chưa có bất kỳ một cơ sở khoa học về điều này. Người dân chỉ nên lưu ý trong việc làm sạch độc tố của măng.
Để ăn măng tươi không nguy hại cho sức khỏe và tránh được nguy cơ bị ngộ độc khi ăn, bạn nên chế biến măng tươi theo những cách sau đây:
Ngâm nước sạch qua đêm: Khi mua măng tươi về, bạn nên bóc hết bẹ lá măng. Sau đó rửa sạch và có thể cắt lát hay xé nhỏ thành sợi và đem ngâm vào nước sạch qua đêm. Làm như vậy, bạn sẽ tống khứ được bớt độc tố. Sau đó, chỉ cần rửa lại và vắt kiệt nước trước khi chế biến.
Luộc nhiều lần: Sau khi mua măng tươi về, bạn bóc lớp lá bên ngoài rồi bỏ vào nồi nước luộc nhiều lần.
Khi luộc xong, bạn mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được. Mỗi ngày, bạn thay nước vo gại 2 lần. Nếu không có nước vo gạo, bạn có thể luộc nhiều lần và tráng ra nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Khi thấy măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
Luộc cùng với rau ngót: Đây là một mẹo mà nhiều bà nội trợ chưa biết. Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng chín, chắt hết nước nóng đi, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể chế biến.
Luộc măng tươi cùng với nước gạo và ớt bỏ hạt: Sau khi mua về, trút bỏ vỏ măng và cho vào nồi nước gạo để luộc. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Khi măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, bạn có thể đem chế biến món ăn.
Ngâm với nước vôi trong: Với các loại măng độc, măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc hoặc chế biến thức ăn nên mở vung cho chất độc bay hơi hết.