Những thông điệp ý nghĩa trong đại dịch
Đại dịch thế kỷ COVID-19 được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 31/12/2019, Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một loại virus mới gây viêm phổi cấp ở 27 người. Ba tuần sau, chính quyền Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán hơn 11 triệu dân. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus Corona chủng mới bởi quy mô đã rộng lớn, tốc độ chóng mặt và nguy hiểm vô cùng.
Lúc đó, những người phiêu lưu, có trí tưởng tượng sáng tạo bay bổng, phong phú bao nhiêu cũng không nghĩ nhân loại đang đi dần đến thảm họa thế kỷ vô cùng tàn khốc, vô tận đau thương như bây giờ. Đại dịch thế kỷ COVID-19 đi đến đâu là nó càn quét con người, tiền bạc, vật chất và hủy hoại nhiều giá trị tinh thần.
Nước Việt Nam cũng không đứng ngoài cơn bão giông thế kỷ mang tên COVID-19. Hậu quả do đại dịch để lại vô cùng lớn, không tính toán được. Dường như virus SARS-CoV-2 đặt ra “luật chơi”, và phá hủy nhiều hệ giá trị tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại thất điên bát đảo. Con người nhận thức về con người, về thế giới và hành động, ứng xử thế nào, phòng tránh thiên tai ra sao vẫn là cuộc hành trình bất tận đi tìm câu trả lời. Nhưng, những gì xảy ra trong đại dịch thì tất cả đều lộ diện y nguyên, trần trụi, khiến chúng ta giật mình phải điều chỉnh lại tư duy và cách sống.
Đọc “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua”, bạn đọc có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch. Dù đại dịch COVID-19 chưa đến hồi kết, nhưng đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt. Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị,... thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã... Những sự kiện, câu chuyện, nhân vật ấy đã được ghi lại bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn giàu trách nhiệm người cầm bút của nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh. Ông nêu sự kiện, ông trích văn bản đặt trong ngoặc kép, ông dẫn câu chuyện rồi ông bình luận, khái quát bằng một cái nhìn khách quan, sắc sảo.
Người Việt có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Nói một cách văn chương là “hoàn cảnh bộc lộ tính cách”. Quả thật, đại dịch COVID-19 như “hàn thử biểu” đo lòng người. Cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 càng khốc liệt, tang tóc, thì phẩm chất con người càng thử thách. Tập bút ký - bình luận “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua” của nhà văn, nhà báo dạn dày kinh nghiệm Sương Nguyệt Minh là tập sách sinh động, thú vị, hấp dẫn, đang được bạn đọc đón nhận, chia sẻ và đồng cảm.
Nếu như “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua” là những góc nhìn của một nhà văn, nhà báo thì cuốn sách COVID-19 và cuộc chiến sinh tử, khá đa chiều, do các nhà báo, nhà văn viết, được chọn lọc trong rất nhiều bài viết trong suốt hai năm qua, kể về những chiến sĩ áo trắng, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những người lính ở mọi miền, những nhà hảo tâm, và cả những bệnh nhân đã được chữa khỏi cùng chung sức chống dịch... bạn đọc sẽ nhận được năng lượng dồi dào từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những điều lớn lao qua thử thách cam go này.
Trong quá trình tập hợp các bài viết liên quan, nhóm biên soạn cũng gặp không ít khó khăn. Cần phải có những bài viết ngay từ đầu dịch. Trải qua 2 năm với mấy đợt dịch liên tiếp trên thế giới và ở Việt Nam, để có được sự xuyên suốt, tổng thể, là một thách thức. Có những bài ghi lại rất thật tình cảnh chống chọi lại con virus đáng sợ ở các bệnh viện dã chiến. Chọn bài nào đưa lên? Để cộng đồng vừa có được những thực tế trần trụi, vừa không bi lụy, sợ hãi, mà phải có cách phòng, chống tích cực nhất. Có những trang nhật ký của bác sĩ, bệnh nhân gửi cho người thân, bạn bè... khi có được trong tay, thì lại cần phải có xác lập bản quyền. Mà gọi điện lại có trường hợp không bắt máy, có thể bác sĩ ấy đang tập trung cấp cứu bệnh nhân, có thể đang quá mệt mà ngả người đâu đó nghỉ tạm; có thể bệnh nhân đó đang ngủ ngon sau cơn nguy kịch, hoặc có thể ngược lại...
Một trong những thông điệp mà cuốn COVID-19 và cuộc chiến sinh tử muốn gửi đến bạn đọc, đó là: Hãy giữ tinh thần lạc quan để góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống miễn dịch cơ thể, qua đó nâng cao khả năng đẩy lùi dịch bệnh.
Bình tĩnh sống. Thay đổi thái độ sống. Đây chính là thời điểm chúng ta sống chậm, sống khác một cách tích cực nhất có thể.
Sự ra đời của hai cuốn sách về đại dịch ngay khi đại dịch chưa đi qua là nỗ lực rất lớn của những người làm sách. Những khó khăn khi liên tiếp các đợt giãn cách tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các nhà in không được phép hoạt động, do không sản xuất các mặt hàng thiết yếu v.v... Vừa làm vừa lo lắng sẻ chia với những tình hình biến động của đại dịch. Và rồi hai cuốn sách này được xuất bản với diện mạo khiêm tốn, nhưng chứa đựng rất nhiều tâm huyết, hy sinh của đội ngũ nhà văn, nhà báo, các y bác sỹ, các chiến sỹ bộ đội, công an, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, những nhà thiện nguyện, và cả các nạn nhân đã từng trải qua cơn nguy kịch...
Bình tĩnh sống, tích cực sống ngay trong cuộc chiến sinh tử, để khi đại dịch thế kỷ đi qua thì tình thương yêu ở lại. Đó là những thông điệp ngọt ngào trong những trang sách gửi gắm để bạn đọc có thể tìm thấy “văc-xin” cho tâm hồn mình.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202110/nhung-thong-diep-y-nghia-trong-dai-dich-3083860/