Những thông tin cần thiết, thanh niên nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ khi khám nghĩa vụ quân sự

Khi nhận được giấy gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, công dân cần chuẩn bị những gì? Cần mang theo những giấy tờ gì? Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan đến vấn đề này.

Thời gian gọi công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024

Căn cứ quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nhập ngũ (hay thực hiện nghĩa vụ quân sự) là việc công dân vào phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

Theo Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai.

Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.

Theo quy định trên có thể xác định thời gian gọi công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024 sẽ diễn ra vào khoảng tháng 2/2024 hoặc tháng 3/2024.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hằng năm gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba. Ảnh minh họa: TL

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hằng năm gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba. Ảnh minh họa: TL

Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Lý lịch rõ ràng;

- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;

- Có trình độ văn hóa phù hợp.

Đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cần xuất trình giấy tờ gì?

Điều 10 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP có quy định về yêu cầu đối với công dân khi đi kiểm tra, sơ tuyển, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự:

- Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện;

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;

- Các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có) để giao cho Hội đồng khám sức khỏe hoặc Tổ kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

- Không uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích.

- Chấp hành nội quy khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.

- Cấm các hành vi lợi dụng việc khám sức khỏe để trốn, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự

Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu cần thực hiện các thủ tục gì?

Trình tự thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự:

Bước 1: Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân.

Trường hợp: Cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân.

Bước 2: Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) công dân có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Bước 3: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuối trong năm, sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký.

Cách thức thực hiện: Người làm thủ tục trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Nhận được lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, người làm thủ tục trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để đăng ký. Ảnh minh họa: TL

Nhận được lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, người làm thủ tục trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để đăng ký. Ảnh minh họa: TL

Hồ sơ đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự:

- Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

- Bản chụp một trong những giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; thẻ Căn cước công dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu). Trường hợp cơ quan hoặc người có thẩm, quyền được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, khai thác được thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không yêu cầu công dân nộp bản chụp Chứng minh nhân dân; thẻ Căn cước công dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính đế đổi chiếu).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Thời gian giải quyết: 01 ngày làm việc.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chúng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Lệ phí: Không.

Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.

Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.

- Luật Cư trú năm 2020.

- Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Thời hạn tham gia nghĩa vụ quân sự bao lâu?

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-thong-tin-can-thiet-thanh-nien-nao-cung-phai-chuan-bi-day-du-khi-kham-nghia-vu-quan-su-172231214143232663.htm