Những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố liên quan đến lối sống như chế độ ăn uống. Vậy, những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh này?
Nội dung
1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
2. Những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú?
3. Một số thực phẩm giàu polyphenol giúp giảm nguy cơ ung thư
1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.
Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa ung bướu, các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú bao gồm: tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động và một số yếu tố di truyền.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động… có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư. Các hormone dường như cũng đóng một vai trò trong nhiều trường hợp ung thư vú, nhưng điều này xảy ra như thế nào thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú. Nhưng có những điều chị em phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh, đó là duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên hoạt động thể chất, cho con bú bằng sữa mẹ... Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh cũng góp phần hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh này.
2. Những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú?
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV K Trung ương: Người bệnh ung thư vú cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm khác nhau để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như:
Rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, cải bắp... trong các loại rau này có chưa nhiều vitamin A, vitamin K, vitamin C, acid folic, chất xơ và magie. Ngoài ra, trong đó còn chứa các chất có hoạt tính sinh học khi được chuyển hóa trong cơ thể như là các chất chống oxy hóa có thể giúp phòng ngừa ung thư vú.
Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi... giàu chất béo omega - 3 và vitamin D có tác dụng phòng chống ung thư và giảm độc tính trong quá trình điều trị hóa chất cho bệnh nhân ung thư vú.
Các loại rau củ quả có màu như cà rốt, bí đỏ, khoai lang là những thực phẩm chứa nhiều caroten, chất này sẽ được chuyển hóa thành vitamin A vào trong cơ thể có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa giàu canxi, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người bị ung thư vú nếu ăn chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt gia cầm (so với chế độ ăn nhiều đường, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là thịt chế biến sẵn) có tỷ lệ sống tốt hơn.
Chế độ ăn thực vật rất giàu chất xơ và vitamin giúp người bệnh ung thư vú tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, giảm tác dụng phụ của điều trị hóa chất, xạ trị…
Đặc biệt, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư như ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô (da), ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú.
Polyphenol giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Vì chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, nên polyphenol có thể làm giảm nguy cơ tế bào đột biến do bị hư hại và trở thành ung thư.
3. Một số thực phẩm giàu polyphenol giúp giảm nguy cơ ung thư
Polyphenol là một nhóm hợp chất có trong thực phẩm thực vật có lợi cho sức khỏe. Chúng được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: trái cây, rau, thảo mộc, trà…
- Các loại rau chứa nhiều polyphenol bao gồm: bông cải xanh, cà rốt, rau chân vịt, hành, hẹ, tỏi, măng tây, atisô…
- Trái cây chứa nhiều polyphenol bao gồm: quả việt quất, dâu tây, quả mâm xôi, dâu đen, nho, quả anh đào, chanh vàng, bưởi, cam, lê, táo, đào, mận, mơ, lựu, ô liu…
- Các loại đậu chứa nhiều polyphenol bao gồm: đậu đen, đậu trắng, đậu nành, đậu phụ…
- Polyphenol cũng có trong ngũ cốc và các loại hạt như: lúa mạch đen, lúa mì, yến mạch, quả óc chó, hạt lanh hạt dẻ, hạt chia…
- Các loại thảo mộc và gia vị chứa nhiều polyphenol bao gồm: nghệ, gừng, quế, thì là, đinh hương, hạt cần tây, húng quế, kinh giới, mùi tây, bạc hà…
- Trà xanh, trà đen, rượu vang đỏ, sô cô la đen, bột ca cao, cà phê cũng có nhiều polyphenol… Trong đó, trà xanh có chứa catechin (EGCG), là chất chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Trong các nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm, EGCG hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư vú.