Những thực phẩm nên tránh khi bị viêm xoang

Thực phẩm có liên quan đến chứng viêm và thực phẩm dễ gây dị ứng có thể làm cho cơn đau xoang trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là một số loại thực phẩm cần tránh để giúp tăng tốc độ làm sạch xoang.

Thực phẩm nhiều đường

Chế độ ăn nhiều đường tinh luyện, chẳng hạn như soda, kẹo và đồ nướng (không phải đường tự nhiên có trong trái cây), có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm xoang do tình trạng viêm tăng lên.

Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng xoang và tăng tình trạng viêm ở trẻ em có triệu chứng xoang, đồng thời việc giảm tiêu thụ đường bổ sung có thể giúp cải thiện các triệu chứng và chất lượng cuộc sống ở nhóm đối tượng này.

Thực phẩm chứa nhiều histamine

Histamine là một loại phân tử xuất hiện tự nhiên trong cơ thể và được giải phóng để phản ứng với vi khuẩn. Mặc dù nó quan trọng đối với một số chức năng của cơ thể nhưng quá nhiều histamine trong cơ thể có thể khiến đường mũi bị tắc và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của nhiễm trùng xoang.

Thực phẩm và đồ uống có nhiều histamine bao gồm: Phô mai, cá cơm, các loại cá khô; các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, jambon, lạp xưởng…); một số loại rau, củ quả (cà chua, bơ, cà tím…); trái cây sấy khô (nho khô, mơ…); sô cô la; thực phẩm lên men (dưa cải bắp, kim chi, sữa chua, giấm…); đồ uống lên men (kombucha, rượu…)

Sản phẩm từ sữa

Người ta thường tin rằng các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai và sữa chua làm tăng sản xuất chất nhầy. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tham gia tiêu thụ các sản phẩm không phải từ sữa đã thấy lượng chất nhầy tiết ra giảm hơn so với những người tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.

Nếu nhận thấy sữa dường như gây khó chịu cho xoang hoặc khiến cảm thấy có đờm, không nên uống sữa cho đến khi cảm thấy tốt hơn.

Một số cách khắc phục tại nhà khi bị viêm xoang mũi

Ngoài việc ăn hoặc tránh một số loại thực phẩm, có thể thử giảm bớt các triệu chứng nhiễm trùng xoang tại nhà bằng cách:

Hít thở bằng hơi nước: Có thể thực hiện việc này khi tắm nước nóng hoặc lấy 1 bát nước nóng để hít hơi nóng. Ngoài ra, hít hơi nước từ chất lỏng nóng (máy tạo ẩm) sẽ làm dịu đường mũi và làm loãng chất nhầy.

Làm ấm xoang: Chườm khăn ấm lên vùng mũi có thể giúp giảm áp lực xoang.

Xịt nước muối: Xịt mũi bằng nước muối mang lại độ ẩm cho mũi và xoang. Điều này giúp giảm tình trạng khô khó chịu.

Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm giúp làm ẩm chất nhầy, giúp bạn thở và ngủ dễ dàng hơn.

Nghỉ ngơi: Khi cơ thể đang hồi phục sau bệnh tật cần có giấc ngủ chất lượng. Giữ đầu hơi cao khi ngủ giúp giảm áp lực và cải thiện nhịp thở.

Nếu những biện pháp khắc phục tại nhà này không có tác dụng, hãy cân nhắc dùng thuốc không kê đơn để điều trị nhiễm trùng xoang. Mặc dù chúng không điều trị được bệnh nhiễm trùng xoang nhưng chúng có thể giúp giảm triệu chứng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ vì viêm xoang mũi?

Mặc dù những lời khuyên về chế độ ăn uống và lối sống ở trên có thể giúp ích khi bạn bị nhiễm trùng xoang nhưng tốt nhất nên đi khám bác sĩ nếu:

Các triệu chứng viêm xoang mũi bắt đầu thuyên giảm nhưng sau đó trở nên trầm trọng hơn.

Các triệu chứng viêm xoang mũi kéo dài 10 ngày hoặc lâu hơn mà không cải thiện.

Bị sốt kéo dài 3 hoặc 4 ngày.

Đã bị nhiễm trùng xoang nhiều lần trong năm qua.

Cảm thấy đau dữ dội hoặc đáng lo ngại.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/nhung-thuc-pham-nen-tranh-khi-bi-viem-xoang-33561.html