Những 'thức quà' của lũ ở Trà Sư
Mỗi mùa trong năm Rừng Tràm Trà Sư đều mang trong mình vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt, thế nhưng 'mùa nước nổi' được xem là mùa đẹp nhất.
Bắt đầu từ ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông MeKong ở Campuchia đổ về “ghé sang” Trà Sư mang theo những “thức quà” quý giá, rồi cứ thế men theo kênh rạch lấn ra Sông Cửu Long rồi chảy ra biển lớn.
Thời điểm nước về cũng là lúc thiên nhiên hào phóng gửi tặng người dân miền Tây nhiều sản vật trong đó cá linh, bông điên điển, bông súng… là những đặc sản được đặc biệt trông chờ nhất. Ai từng ghé thăm Trà Sư mùa nước lũ mà không một lần thưởng thức hương vị ngọt bùi của những con cá linh thì quả thật rất phí phạm.
Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cứ hễ con nước càng dâng cao, cá linh sẽ về càng nhiều.
Kéo dài theo mùa nước nổi, từ con cá linh, người dân vùng châu thổ ĐBSCL đã chế biến ra nhiều món ăn mang đậm hương vị, sắc màu và cả nỗi nhớ thương với miền Tây. Từ món cá tươi nướng kẹp que tre ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, đến cá linh kho rim với mía, riêu riêu vài lửa cho rục xương… đều rất hấp dẫn. Có một loại bông khi “kết duyên” cùng cá linh sẽ cho ra món ăn ngon “đúng điệu” miền Tây, đó là bông điên điển.
Ai đến miền Tây mà không nghe qua câu ca dao:
“Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”.
Bình minh ló dạng cùng những tia nắng dịu dàng nô đùa cùng làn gió mát rượi, lúc này bức tranh thiên nhiên Trà Sư được phô bày tươi đẹp, rực rỡ hơn bao giờ hết để chuẩn bị đón du khách thập phương về du ngoạn. Khi con nước dạt dào, dâng cao nuôi dưỡng từ bao giờ “sắc xanh” miên man đầy quyến rũ của “họ nhà bèo”, cứ thế cùng nhau dệt nên tấm thảm nhung mênh mông ôm trọn lấy khu rừng.
Ngoài sự trù phú của các loài thủy sản và phù sa màu mỡ được vun bồi theo con nước, lớn ròng thì không gian Trà Sư cũng bỗng dưng tỏa sáng diệu kỳ. Với phong thái thanh tao, nhã nhặn hội tụ cả non nước, hoa cỏ, chim muông trên nền rừng xanh sẵn có mẹ thiên nhiên như một người họa sĩ tài ba đã ban phát thêm một vài đường nét, chấm phá xen lẫn giữa “sắc vàng” kiêu sa của hoa điên điển, “sắc hồng” ao sen rực rỡ, “sắc tím” của hoa súng miên man, “sắc trắng” tinh khôi tỏa hương bát ngát của hoa Tràm.
Con đường nước rẻ tấm bèo xanh để đưa du khách vào chiêm ngưỡng những điều thi vị được cất giữ vẹn nguyên trong cánh rừng già. Thi thoảng, mặt nước yên tĩnh, phẳng lặng như một tấm gương to tướng phản chiếu nền trời xanh cao vời vợi, mây trắng khẽ trôi, từng chiếc lá tràm đong đưa lung linh như dát bạc, hai hàng tràm uốn cong mình soi bóng nước.
Miền thiên nhiên thanh bình bát ngát là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sinh, động vật hoang dã quý hiếm tạo nên “thư viện sinh học” đa dạng, độc đáo bật nhất miền Tây. Xác suất gặp chim cò ở cự ly gần tăng lên khi dong xuồng ba lá, chúng dạn dĩ phiêu lưu trong thế giới của mình, bởi lẽ sống trong mái nhà chung Trà Sư chúng luôn được bảo vệ, canh chừng nghiêm ngặt. Những con vạc đứng trên cành cây khô sát mặt nước để chờ bắt mồi, có tập tính đứng bất động để rình quắp cá nhỏ, ếch nhái, côn trùng.
Hãy dành một ngày để ngoạn cảnh Trà Sư - rừng tràm ngập nước rộng gần 850 ha ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Sau khi thu về toàn cảnh thiên nhiên thơ mộng, tình tứ vốn có nơi này du khách đừng quên ghé lại “Nhà hàng Trà Sư” để thưởng thức sản vật đồng bằng thơm ngon khó cưỡng mà duy nhất chỉ mùa này mới có.
Nét dung dị, mộc mạc, chân quê Trà Sư cũng toát lên phong vị sống, nếp sống hiền hòa của người dân nơi đây cứ thế mà níu chân du khách gần xa.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nhung-thuc-qua-cua-lu-o-tra-su-post116734.html