Những thước phim chạm đến trái tim
Cái nắng của những ngày cuối Chạp như dịu dàng hơn, dòng người tất bật mua sắm tết càng làm những đứa con xa xứ thêm nôn nao. Gấp rút hoàn thành công việc cuối năm, chợt nghe được giai điệu quen thuộc của những thước phim tết, lắng lòng rồi tự nhủ: Nhất định phải về đón giao thừa cùng gia đình!
Qua bao năm vẫn vẹn nguyên cảm xúc
“Đón xuân về với mai đào trước sân/ Nghe hương xuân đưa lâng lâng/ Đón anh về với gia đình cuối năm/ Hạnh phúc đong đầy chứa chan bao lời/ Hãy tưng bừng phút giây này có nhau/ Rộn ràng cười nói dưới mái nhà/ Quà nào bằng gia đình sum họp/ Tết nào vui bằng tết đoàn viên”. Những giai điệu yêu thương trên gợi nhớ đến đoạn phim từng “gây bão” một thời. Tuy chỉ là thước phim quảng cáo nhưng đã làm biết bao người rơi nước mắt bởi thông điệp “Về nhà đón tết, gia đình trên hết!”.
Mở đầu phim là hình ảnh ông bà và mẹ đang tất bật chuẩn bị tết, còn cô bé khiếm thính cứ nôn nao chờ điện thoại của bố. Nét mặt rạng rỡ, nụ cười tràn ngập niềm vui của bé vụt tắt khi đầu dây bên kia, người bố bảo với mẹ: “Tết này anh không về được, cả nhà đừng buồn nha!”. Niềm háo hức của cô bé bỗng chốc lắng lại, tết này sẽ không vẹn tròn!
Tự bao giờ cũng không biết nữa, tết mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người. Bao nhiêu điều tốt đẹp đều để dành đến ngày tết, bao nhiêu ấm áp, yêu thương, chỉ tết mới cảm nhận được trọn vẹn. Với cô bé kia cũng thế, mong chờ đến tết để được đoàn viên cùng bố. Quần áo mới, quà bánh, lì xì cũng đâu còn quan trọng nữa bởi điều mong muốn nhất của bé là bố có thể về đón tết cùng gia đình. Thế nên, khi được ông bà và mẹ tặng quà, tiền lì xì, cô bé chạy ngay vào phòng, mở màn hình máy tính để khoe với bố.
“Nút thắt” của câu chuyện bắt đầu từ đây. Bằng những cử chỉ, ký hiệu riêng của người khiếm thính, cô bé cố gắng thuyết phục bố về: “Bố ơi, con được rất nhiều quà nhưng con không thích gì cả. Con chỉ muốn bố về nhà đón tết thôi”. Ánh mắt người bố đượm buồn như cố ngăn dòng nước mắt: “Bố về không được, con đừng buồn!”.
Cô bé vẫn tiếp tục kiên trì: “Con để dành được nhiều lì xì lắm, bố không cần vất vả làm việc đâu. Con nhớ bố lắm, bố về với con đi!”. Ánh mắt như bất lực cùng tiếng thở dài của người bố khiến không gian chùn xuống. Ai có xa gia đình trong những ngày tết mới cảm nhận được nỗi cô đơn này! Người bố trong câu chuyện cũng vậy, anh nghẹn ngào và dường như chẳng thể nào nói được gì khác ngoài câu: “Bố xin lỗi con!”.
Chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng phân đoạn này mang đến nhiều cảm xúc khiến hàng triệu người rơi nước mắt. Ai cũng thương cho cô bé, cảm thông với người bố khi dù rất muốn nhưng vẫn không thể về bên con gái và gia đình để hưởng một cái tết trọn vẹn.
Đoạn kết của phim là điều mà người xem có thể đoán trước được khi người bố thu xếp để trở về ngay đúng đêm giao thừa. Không gì là không thể! Những tưởng khó có bữa cơm đoàn viên cho gia đình này nhưng trên hết, tình thân, sự thôi thúc trở về bên gia đình vào những ngày đầu năm đã khiến người bố về với bé con để ngày tết thêm tròn đầy.
Thông điệp “Về nhà đón tết, gia đình trên hết!” đã chạm đến trái tim của bao người, để rồi 11 năm trôi qua nhưng đoạn phim quảng cáo ấy vẫn lay động lòng người. Tết đến, vô tình xem lại thước phim, những người con xa xứ lại nôn nao trở về bởi nơi ấy là nhà, nơi ấy đong đầy tình thương yêu và nơi ấy, có những người thân đang chờ!
Nỗi lòng người cha với cây mai giả
Được công chiếu vào dịp tết năm 2020 trên HTV9, bộ phim truyền hình Đợi Mai đã chiếm trọn tình cảm của người xem khi khai thác đề tài gia đình và khát khao ngày sum họp của người cha.
16 năm trước, ông Minh dẫn đứa con gái đi chợ tết. Trong lúc “ra tay nghĩa hiệp” giúp người phụ nữ bị giật túi xách, ông vô tình để thất lạc Mai - đứa con gái 5 tuổi. 16 năm, quãng thời gian dài đằng đẵng, ông Minh mòn mỏi tìm con. Ông ngậm ngùi chia tay trường lớp và những đứa học trò ngoan để chuyển sang chạy xe ôm với niềm khao khát có thể tìm lại con gái trên những chặng đường. Không quá “đánh” vào những yếu tố bi lụy để lấy nước mắt người xem nhưng Đợi Mai vẫn gây xúc động mạnh với chi tiết người cha luôn chưng 2 chậu mai giả trước nhà bởi khi con gái thất lạc, nhà cũng có 2 chậu mai. Ông chưng mai giả như cách khơi gợi ký ức của con. Chậu mai giả còn là hình ảnh của ông Minh, buộc phải nở một cách vô hồn…
Bất cứ khi nào có thể, ông đều làm những việc tốt với mong muốn ở một nơi nào đó, con gái cũng được người khác đối xử tốt. 16 năm, 16 cái tết dài đằng đẵng, ông Minh chìm trong nỗi nhung nhớ và giày vò. Chỉ cần có một chút thông tin, dù mong manh đến mấy, ông cũng đến tìm con...
Xen giữa hành trình đi tìm con là những phân đoạn hài hước với các tuyến nhân vật khác nhau làm nên bộ phim tết vừa xúc động, vừa rộn tiếng cười. Và cái kết đã làm thỏa lòng người xem khi cha con ông Minh được đoàn viên vào đúng dịp tết với sự giúp đỡ của nhiều người, giống như cách ông đã giúp đỡ người khác, mang lại những giá trị yêu thương cho cuộc đời.
Có những khoảnh khắc dù đã trôi qua nhưng để lại bao cảm xúc. Có những thước phim dù ra mắt đã hơn chục năm nhưng vẫn lay động lòng người bởi những cảm xúc ấy đã chạm đến trái tim người xem. Và đâu đó chúng ta tìm thấy chính mình trong những thước phim tết để rồi thổn thức, mau mau về nhà sum vầy bên đại gia đình. Tết mà!./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-thuoc-phim-cham-den-trai-tim-a170521.html