Những thương binh giàu nghị lực
Vượt qua những khó khăn, nỗi đau thương tật do chiến tranh để lại, nhiều thương binh, bệnh binh đã nỗ lực, bản lĩnh vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Trở về sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với tỷ lệ thương tật trên 61% (thương binh hạng 2/4), CCB Đỗ Văn Ngưỡng ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường bắt đầu lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương trong bối cảnh sức khỏe giảm sút, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.
Những ngày đầu, ông Ngưỡng cùng vợ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, làm đủ nghề, từ trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa cho đến thu mua và buôn bán nông sản… Năm 2002, sau nhiều năm bôn ba, tích lũy được một số vốn, ông Ngưỡng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thành lập Công ty TNHH Tổng hợp thương mại Vĩnh Thịnh chuyên sản xuất, kinh doanh con giống, cây trồng, phát triển dịch vụ nông nghiệp.
Năm 2007, ông tiếp tục vay vốn, mở rộng kinh doanh sang mặt hàng vật liệu xây dựng, vận tải đường thủy. Năm 2010, vợ chồng ông đầu tư phát triển thêm mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt. Liên tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ông Ngưỡng cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh, sự kiên trì và quyết tâm, ông đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, Công ty TNHH Tổng hợp thương mại Vĩnh Thịnh của CCB Đỗ Văn Ngưỡng đã là một doanh nghiệp có uy tín, chỗ đứng trên thị trường với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25-30 lao động là người địa phương, CCB và con em thương binh, liệt sĩ với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ phát triển kinh tế, CCB Ngưỡng còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, gia đình chính sách hỗ trợ CCB nghèo phát triển kinh tế, đóng góp cho các phong trào tại địa phương… CCB Đỗ Văn Ngưỡng là một điển hình về ý chí, nghị lực vượt khó để làm giàu chính đáng, là người truyền lửa cho thế hệ trẻ phấn đấu, noi theo.
Không chỉ nghị lực trong vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương, nhiều thương binh dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng vẫn luôn nhiệt tình với các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, các phong trào thi đua tại địa phương, là tấm gương cho thế hệ trẻ. Thương binh Đinh Văn Đổng ở xã Duy Phiên, huyện Tam Dương là một trong những tấm gương ấy.
Sau kháng chiến chống Mỹ, ông Đổng trở về địa phương với 2 mảnh đạn còn nằm trong phổi, là thương binh hạng 3/4. Vượt qua nỗi đau thương tật, ông Đổng tích cực góp sức vào xây dựng quê hương, tham gia công tác Đảng, chính quyền tại địa phương.
Đặc biệt, ông Đổng rất tâm huyết và quan tâm tới các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Từ năm 2013 đến nay, ông Đổng đã có 10 năm gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Phiên. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, người thương binh năm nay đã 86 tuổi lại miệt mài quét từng chiếc lá, nhổ cỏ, dọn dẹp, chỉnh trang từng ngôi mộ trong nghĩa trang.
Những cây đại, cây mít, cây chay cao lớn, tỏa bóng mát xum xuê trong nghĩa trang cũng được chính tay ông Đổng trồng từ những ngày đầu khi nghĩa trang mới được xây dựng. Ông tự nguyện làm tất cả những công việc ấy, với tấm lòng và tình cảm của một người lính với những đồng đội đã ngã xuống.
Ông Đổng tâm sự: “Tôi có 6 người con, các cháu đều đã trưởng thành, có cơ ngơi, sự nghiệp riêng. Cũng nhiều lần, các cháu khuyên tôi nghỉ ngơi, không làm quản trang nữa bởi tuổi cao, sức yếu, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm để được chính tay mình chăm sóc cho phần mộ các liệt sĩ”.
Tấm lòng và hành động đầy ý nghĩa của ông Đổng đã góp phần giáo dục tinh thần cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Vào ngày 27/7 hằng năm và dịp trước Tết Nguyên đán, đoàn viên, thanh niên xã Duy Phiên thường cùng ông vệ sinh, chỉnh trang nghĩa trang, thắp hương tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ.
Vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, an sinh xã hội; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… các thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục phát huy phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, viết tiếp và trao truyền lý tưởng cách mạng cao đẹp, chung sức xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày một giàu đẹp.