Những thương binh tàn nhưng không phế

Vừa trở về sau Hội nghị biểu dương thương binh, người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại thủ đô Hà Nội, các ông Lê Hùng Tấn, Võ Văn Cách quay lại đời thường với công việc hàng ngày ở tuổi xưa nay hiếm của mình.

Quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng

Ông Lê Hùng Tấn

Ông Lê Hùng Tấn

Sinh năm 1950, ông Lê Hùng Tấn tham gia cách mạng từ năm 1964 làm du kích mật, cơ sở cách mạng tại quê nhà thôn Phú Lương, xã Hòa Tân, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa). Sau giải phóng 30/4/1975, ông tiếp tục giữ nhiều cương vị trong bộ máy chính quyền của huyện Tuy Hòa. Trước khi nghỉ hưu theo chế độ tháng 4/2010, ông là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hòa.

“Là thương binh với tỉ lệ 41%, cũng là nạn nhân chất độc da cam nên so với người bình thường, tôi phải nỗ lực, cố gắng bội phần”, ông Tấn tâm sự. Trong suốt quá trình công tác, ông Tấn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụđược Đảng và Nhà nước giao. Khi kết thúc nhiệm kỳ, nhận quyết định nghỉ hưu, ông được Ban Thường vụTỉnh ủy đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong những năm công tác, với cương vị của mình, ông cùng cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và các hội, đoàn thể tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền của địa phương; đồng thời triển khai tốt công tác chăm sóc người có công, giải quyết khó khăn cho các gia đình chính sách để công tác này thực sự trở thành một hoạt động xã hội nhân văn sâu sắc. Qua đó góp phần bù đắp sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công cách mạng, làm vơi đi phần nào những mất mát đau thương của họ; kịp thời động viên các tầng lớp Nhân dân, gia đình và đối tượng chính sách tiếp tục đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những thành tích, đóng góp cho quê hương, đất nước, ông Lê Hùng Tấn đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ (1974); Huân chương Độc lập hạng ba về thành tích cống hiến trong kháng chiến chống Mỹ và nhiều huân huy chương khác...

Hết lòng với công việc, vì người cao tuổi

Ông Võ Văn Cách

Ông Võ Văn Cách

Thương binh Võ Văn Cách ở thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa năm nay bước sang tuổi 71, là con liệt sĩ. Mang trong mình tỉ lệ thương tật 25% nhưng với bản lĩnh của người đảng viên, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, dù tuổi càng ngày càng cao, nhưng trên cương vị công tác nào, ông cũng đều dồn hết tâm huyết cho công việc chung, cùng bà con xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trước giải phóng, ông tham gia cách mạng, công tác tại Ban Cơ yếu Văn phòng Tỉnh ủy. Từ năm 1980, ông công tác ở huyện Tuy Hòa cũ cho đến khi nghỉ hưu. Gần 10 năm qua, ông tham gia công tác Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Tây Hòa và luôn dốc lòng, dốc sức cho công việc này. Với tính cần cù, chịu khó, trách nhiệm, ông luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Quản lý hơn 10.000 hội viên NCT, nhưng hoàn cảnh nào, cụnào ra sao, có khó khăn gì…, ông đều biết, đều nắm rõ.

Nói về công việc của hội NCT, ông Cách chia sẻ: “Tôi không ngại công việc nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ, miễn là mang lại lợi ích chung cho mọi người”. Dù những lúc trái gió trở trời, vết thương chiến tranh để lại làm cho thân thể đau nhức, nhưng ông vẫn đam mê công việc, lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui mỗi ngày của tuổi già.

Ông Lê Văn Ghé, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ Đông nói về người thương binh sinh năm 1952 này: Ông Cách là một trong những gương sáng điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ ChíMinh. Ông luôn gương mẫu trong công tác, không ngại khó khăn, sống nhã nhặn, hòa đồng và phối hợp tốt với các bộ phận liên quan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Cách đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương Quyết thắng hạng ba; các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281226/nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe.html