Những thuyền viên kiêm 'bác sĩ' giữa đại dương

Giữa đại dương mênh mông, nơi đất liền chỉ là một vệt mờ xa tít tắp, một cơn đau bất chợt cũng có thể trở thành cuộc chạy đua sinh tử.

Không có bệnh viện, không có bác sĩ chuyên khoa, nhưng sự sống vẫn phải được bảo vệ - bằng kỹ năng, lòng can đảm và những "trạm y tế di động" ngay trên tàu.

Nỗi lo giữa trùng khơi

Với 17 năm gắn bó với nghề đi biển, thuyền trưởng Hoàng Trung Hiếu (Công ty Mercury Lines) đã không ít lần phải tự chăm sóc bản thân và đồng nghiệp trong những tình huống khẩn cấp trên tàu. Theo anh, một trong những thiệt thòi lớn nhất của người đi biển là phải chấp nhận rủi ro không chỉ từ sóng gió mà cả những sự cố sức khỏe, khi không thể tiếp cận dịch vụ y tế như trên bờ.

Thuyền trưởng Hoàng Trung Hiếu định kỳ kiểm tra sức khỏe cho các thuyền viên.

Thuyền trưởng Hoàng Trung Hiếu định kỳ kiểm tra sức khỏe cho các thuyền viên.

Anh Hiếu nhớ lại lần còn làm đại phó, một sĩ quan máy trên tàu bất ngờ bị tai nạn, rách cằm sâu, máu chảy không ngừng. Khi đó, tàu đang hành trình ở xa đất liền, không thể quay lại kịp. Thuyền trưởng lúc ấy nhờ có kinh nghiệm sơ cứu đã trực tiếp khâu vết thương và cầm máu cho nạn nhân, đồng thời liên lạc với công ty để được tư vấn từ xa bởi bác sĩ.

"Với người đi biển, điều chúng tôi lo nhất là viêm ruột thừa. Không ít thuyền viên trước khi nhận nhiệm vụ đã chủ động đi cắt ruột thừa để tránh sự cố lúc tàu đang hành trình giữa đại dương", anh Hiếu chia sẻ.

Trước mỗi chuyến đi, các thuyền viên đều phải kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt và được cấp giấy chứng nhận, đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm hay bệnh mãn tính. Thế nhưng, ốm đau đâu phải lúc nào cũng báo trước.

Năm 2021, giữa làn sóng Covid-19 lan rộng, anh Phạm Văn Ninh, thuộc Công ty Vận tải biển VIMC đã trải qua một sự cố không thể quên. Khi tàu đang neo tại cảng biển của Nga, cơn đau ở vùng sườn khiến anh thở dốc, mồ hôi đầm đìa. Chẩn đoán sau đó là viêm phổi nặng.

Ngay lập tức, thuyền trưởng và máy trưởng báo về công ty, đồng thời liên hệ với lực lượng cứu hộ và phía bảo hiểm để làm thủ tục đưa anh Ninh lên bờ điều trị. Trong thời gian chờ đợi, các thuyền viên trên tàu hỗ trợ anh dùng máy thở và chăm sóc tạm thời. Những nỗ lực ấy đã giúp anh giữ được sự sống đến khi được đưa vào bệnh viện.

Dẫu thiết bị y tế trên tàu còn hạn chế, song chính sự bình tĩnh, kiến thức sơ cứu và tình đồng đội giữa biển khơi đã nhiều lần cứu sống thuyền viên trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Những "phòng y tế di động" giữa đại dương không chỉ là tủ thuốc và máy thở, mà còn là tinh thần sẵn sàng ứng cứu, là bản lĩnh nghề nghiệp.

Khi thuyền viên kiêm "bác sĩ"

Trên những con tàu hành trình xuyên đại dương, việc đảm bảo sức khỏe cho thuyền viên không chỉ dựa vào trang thiết bị mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, kỹ năng và cả sự phối hợp chặt chẽ từ đất liền. Bởi khi sự cố sức khỏe xảy ra giữa trùng khơi, thời gian và khả năng xử lý tại chỗ chính là yếu tố quyết định.

Theo quy định hiện hành, một số chức danh sĩ quan trên tàu được phân công kiêm nhiệm công tác y tế. Những thuyền viên này buộc phải hoàn thành khóa đào tạo về sơ cứu và chăm sóc y tế theo tiêu chuẩn quốc tế (theo Công ước STCW - Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên).

Bên cạnh đó, thuyền trưởng hoặc người phụ trách y tế trên tàu có trách nhiệm lập biểu mẫu báo cáo y tế theo quy định. Mẫu báo cáo này được sử dụng để trao đổi với cơ sở y tế trên bờ khi có sự cố xảy ra.

Ông Trần Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải container Hải An cho biết, hiện nay, hầu hết các tàu tuyến quốc tế đều có phòng y tế với thuốc men, dụng cụ sơ cứu, bảng hướng dẫn sử dụng thuốc.

Trước mỗi hành trình, công ty phối hợp với các cơ sở y tế như Bệnh viện Giao thông vận tải hoặc Viện Y học biển Việt Nam để rà soát, chuẩn bị danh mục thuốc men và trang thiết bị. Trong trường hợp thuyền viên có dấu hiệu bệnh nhẹ, sĩ quan được huấn luyện y tế sẽ đóng vai trò như "bác sĩ tại chỗ", kiểm tra triệu chứng, tư vấn và cấp phát thuốc.

Những rủi ro rình rập

Theo anh Trần Duy Minh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vận tải biển VIMC, khi xảy ra tình huống vượt khả năng kiểm soát, sĩ quan y tế sẽ lập tức báo cáo thuyền trưởng để liên lạc với công ty. Từ đó, công ty kết nối với các bệnh viện trong nước hoặc quốc tế để nhận hướng dẫn điều trị từ xa, đánh giá tình trạng bệnh nhân.

"Nếu tình trạng nguy cấp, công ty sẽ phối hợp với các trạm cứu hộ, đại lý ở nước sở tại để đề nghị hỗ trợ. Tùy mức độ, lực lượng cứu nạn có thể điều tàu hoặc trực thăng đưa thuyền viên về bờ khẩn cấp", anh Minh nói.

Chia sẻ về nghề, thuyền trưởng Hoàng Trung Hiếu cho biết, môi trường làm việc trên tàu dễ phát sinh các vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa do ăn nhiều đồ đông lạnh, thiếu rau xanh, chất xơ. Ngoài ra, điều kiện làm việc cũng dễ dẫn đến tai nạn lao động như trượt ngã, va đập.

Đặc biệt, một rủi ro nữa dù ít được nhắc đến nhưng vô cùng nguy hiểm là các vấn đề tâm lý do sống lâu trong không gian hẹp, môi trường tách biệt. "Thuyền viên dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Vì thế, mỗi tuần tôi đều tổ chức sinh hoạt văn nghệ, thể thao để giúp anh em giải tỏa cảm xúc, kết nối tinh thần", anh Hiếu chia sẻ.

Hàng tháng, thuyền trưởng phối hợp cùng sĩ quan y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn bộ thuyền viên, ghi nhận dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý sớm. Với các trường hợp ốm kéo dài, công ty sẽ được thông báo để liên hệ tư vấn y tế từ xa.

"Phần lớn anh em đều có bệnh nền riêng nên trước khi lên tàu, ai cũng chuẩn bị sẵn thuốc cá nhân", anh Hiếu cho biết thêm.

Dù đã chủ động các phương án, song theo ông Trần Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải container Hải An, các sĩ quan y tế trên tàu chỉ có thể xử lý các trường hợp đơn giản như cảm sốt, đau bụng, xây xát nhẹ… Với các bệnh lý phức tạp hoặc chấn thương nghiêm trọng, họ không đủ chuyên môn để xử lý triệt để.

Hoàng Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhung-thuyen-vien-kiem-bac-si-giua-dai-duong-192250709145126906.htm