Những tiết dự giờ mới lạ sau chuyển đổi số ngành giáo dục ở Quảng Ninh
Thay vì tới tận lớp học để dự giờ, nhiều trường học ở Quảng Ninh hiện đã có hệ thống camera để quan sát học sinh, giáo viên trong lớp.
Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh hiện đang triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục, số hóa trường lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng các trường học thông minh.
Trường THCS Mạo Khê 2 là một trong những ngôi trường đầu tiên tích cực chuyển đổi số với phương châm xây dựng trường học thông minh từ lớp học thông minh.
Nhà trường đã chủ động triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên về sự cần thiết trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, nhà trường có 2 phòng học, mỗi phòng 41 máy tính thực hành cho môn Tin học kết nối internet. 15 phòng học thông minh, mỗi phòng có tivi thông minh màn hình cảm ứng, hệ thống camera, loa, máy tính xách tay. 14 phòng học còn lại đều có hệ thống máy tính, loa, màn hình tivi, kết nối mạng Internet. Các thầy, cô giáo đều có máy tính xách tay phục vụ cho việc dạy và học.
Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê 2 bà Trần Thị Ánh Tuyết cho biết, ban giám hiệu nhà trường đã tích cực triển khai, khuyến khích các thầy cô giáo nghiên cứu, học hỏi, soạn bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng giúp tăng tính tương tác, sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy.
Ngoài ra, phần dự giờ lớp học bất kỳ cũng không được thông báo trước để đảm bảo tính khách quan. Thay vì tới tận lớp học, các thầy cô của nhà trường sẽ quan sát học sinh, giáo viên qua hệ thống camera trong lớp để đưa ra đánh giá.
Kết quả trong năm học vừa qua, riêng Trường THCS Mạo Khê 2 có 10 học sinh đạt giải cấp thị xã, 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 1 giải cấp quốc gia. Ngoài ra, tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật có 4 sản phẩm đạt giải cấp thị xã.
Trường THCS Mạo Khê 2 đã triển khai phần mềm quản lý thông tin giáo dục xuyên suốt trong toàn ngành đảm bảo việc quản lý học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất theo hình thức trực tuyến, đặc biệt là chức năng in sổ điện tử.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuyên môn, quản lý hồ sơ, quản lý các mặt hoạt động mà mình phụ trách. Sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý học sinh, quản lý nhân sự, quản lý thư viện, quản lý tài chính đáp ứng yêu cầu chung của ngành.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Đông Triều các thông tin của cán bộ giáo viên, học sinh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyển tự động thông tin sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Các trường tiểu học, trung học trong thị xã đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Hệ thống sổ sách điện tử được cập nhật đảm bảo thực hiện nghiêm túc và linh hoạt.
Năm học 2022-2023, toàn bộ quy trình làm việc của giáo viên từ việc soạn giáo án, kế hoạch, lên lịch báo giảng, kiểm tra đánh giá học sinh, tổng hợp báo cáo đều được thực hiện thông qua hồ sơ, sổ sách điện tử trên các hệ thống phòng giáo dục điện tử, SMAS. Cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo liên thông, đồng bộ và giúp giáo viên các đơn vị dành nhiều thời gian tập trung cho công tác quản lý giảng dạy.
Năm học 2022-2023, có 100% cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Tổ chức đăng ký tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và năm học 2023-2024 tiếp tục được thực hiện trên môi trường số. 100% các đơn vị trường học sử dụng chữ ký số đối với các văn bản lưu hành trên môi trường internet.
Trong năm học này, ngành giáo dục thị xã Đông Triều tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Triển khai đồng bộ việc thực hiện ký số trên các văn bản lưu thông trên mạng. Tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện 36 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của thị xã, đảm bảo 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường số theo kế hoạch.
Đồng thời, hoàn thiện các phân hệ thuộc hệ thống phòng giáo dục điện tử theo lộ trình. Tiếp tục thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trên hệ thống quản lý trường học SMAS, liên thông sang hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đảm bảo các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.