Những tín hiệu từ Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương Trung Quốc
Hội nghị Công tác Kinh tế trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tích cực hơn, đồng thời chính sách tài chính và tiền tệ cũng được điều chỉnh cho phù hợp.
Theo phân tích của nhà kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc Ôn Bân (Wenbin) và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vĩ mô, Viện nghiên cứu Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc, Vương Tĩnh Văn (Wang Jingwen) trên trang mạng kinh tế thế kỷ XXI (21jingji.com), Hội nghị Công tác Kinh tế trung Quốc mới đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tích cực hơn, đồng thời chính sách tài chính và chính sách tiền tệ cũng được điều chỉnh cho phù hợp.
Về mặt phân tích và nhận định tình hình, Trung Quốc đã bình tĩnh ứng phó và triển khai các chính sách toàn diện. Đặc biệt từ cuối tháng 9/2024, Trung Quốc đã triển khai gói chính sách kích thích tăng cường trên cơ sở các chính sách hiện có. Khi các tác động chính sách tiếp tục được phát huy, Hội nghị nhấn mạnh nền kinh tế nhìn chung ổn định và có tiến bộ, phát triển chất lượng cao tiến bộ vững chắc, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu sắp được hoàn thành thuận lợi.
Cùng với việc khẳng định những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra rằng, tác động tiêu cực hiện nay của những thay đổi của môi trường bên ngoài ngày càng sâu sắc, hoạt động kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; chủ yếu là do nhu cầu trong nước chưa đủ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, người dân chịu áp lực phải tăng việc làm, thu nhập, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng thời, cần lưu ý, nền tảng kinh tế trong nước ổn định, có nhiều lợi thế, khả năng chống chịu cao, có nhiều tiềm năng, các điều kiện hỗ trợ và xu hướng cơ bản để cải thiện lâu dài không thay đổi.
Trên cơ sở đó, liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội trong năm tới, Trung Quốc phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, duy trì sự ổn định chung về việc làm và giá cả; duy trì cân bằng cơ bản trong thanh toán quốc tế; thúc đẩy sự tăng trưởng đồng bộ về thu nhập của người dân cũng như tăng trưởng kinh tế. Các tác giả cho rằng, mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm tới dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 5%, phù hợp với mục tiêu dài hạn đến năm 2035 và có thể hỗ trợ kinh tế cho việc tạo việc làm ngắn hạn. Để duy trì sự cân bằng cơ bản của thanh toán quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của người dân, cần tập trung ứng phó với các cú sốc bên ngoài và thúc đẩy tiêu dùng của người dân.
Trong bối cảnh xu hướng chống toàn cầu hóa ngày càng gia tăng và sự lan rộng của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước, động thái này cho thấy Trung Quốc sẽ có những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy một thế giới bình đẳng và trật tự, đa cực hóa và toàn cầu hóa kinh tế bao trùm.