Những tín hiệu vui từ Dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh
Các địa phương có tuyến đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đi qua đang tích cực chủ động triển khai các phần việc của mình để sớm hoàn thiện dự án tiền khả thi, trình Quốc hội thông qua và thực hiện đưa vào khai thác từ năm 2018.
Đã hoàn thành hơn 22,6km
Theo chủ trương của Chính phủ, dự án đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh được chia thành 5 dự án thành phần là các đoạn mà tuyến đường đi qua các địa phương gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Đường Vành đai 4 dài 197,6km, điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối kết thúc tại cảng Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh), quy mô 6 - 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật... Tính đến tháng 2-2023, nhiều phần việc của dự án đã được triển khai tích cực.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đã chủ động hoàn thành 4 đoạn với tổng chiều dài hơn 22,6km/48,3km đường Vành đai 4 qua tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Với hơn 25,6km còn lại, Bình Dương sẽ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư theo phương thức PPP, xây dựng 4 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành hai bên. Giai đoạn đoạn 2 đầu tư hoàn thiện 8 làn xe cao tốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC Corp), xin lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Bình Dương phấn đấu đưa toàn tuyến vào hoạt động từ năm 2024, sớm 4 năm so với thời hạn chung.
Tỉnh Long An cũng đang nỗ lực để sớm khởi công đoạn tuyến đường Vành đai 4 qua địa phương mình (ĐT 830E) với tổng chiều dài 9,3km, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng (kinh phí xây dựng là 1.200 tỷ đồng, còn lại là giải phóng mặt bằng, tái định cư…). Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn thông tin, tính đến ngày 14-2, tỉnh đã giải phóng được hơn 75% diện tích mặt bằng cho dự án.
Theo kế hoạch, Long An sẽ khởi công dự án vào tháng 2-2023 và hoàn thành vào năm 2025. Giai đoạn 1, dự án gồm hai đường song hành, mỗi đường hai làn xe hỗn hợp rộng 7m cùng làn xe thô sơ rộng 2,5m. Riêng phần nối ra đường tỉnh 830 rộng 30 m, 6 làn xe. Giai đoạn 2, công trình sẽ được đầu tư thành đường cao tốc 8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành có 4 làn xe hỗn hợp. Các đoạn tuyến còn lại dài hơn 60km sẽ được tỉnh Long An triển khai đúng tiến độ.
Khẩn trương triển khai các đoạn còn lại
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, từ cuối năm 2022, HĐND tỉnh đã thông qua kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh là 1.600 tỷ đồng để tiến hành giải phóng mặt bằng trên đoạn tuyến dài 18,3km, với tổng diện tích đất quy hoạch 174ha.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí thông tin, dự kiến trong quý II-2023, tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; triển khai các phần việc còn lại đến năm 2025 và phấn đấu thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong tháng 12-2027.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ giữa năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận giao Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (dài khoảng 45km) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến tháng 11-2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã có văn bản góp ý hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Đoạn tuyến đường Vành đai 4 qua thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 17km. Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND thành phố xem xét 3 phương án để lựa chọn. Phương án 1 có hướng tuyến gần như trùng với quy hoạch trước đó, trùng với đường hiện hữu, nhưng phải di dời nhiều hộ dân. Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỷ đồng (gồm hơn 10.700 tỷ đồng giải phóng mặt bằng).
Phương án 2 sẽ có hướng tuyến tránh một số đường hiện hữu (dài khoảng 9,7km), giảm chiều dài đoạn tuyến xuống 16,7km, tổng vốn đầu tư giảm còn 13.800 tỷ đồng. Phương án 3 nắn chỉnh 14,7km tránh đường hiện hữu, còn lại trùng tuyến quy hoạch. Phương án này có số hộ di dời ít nhất, chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhất. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của phương án này hơn 13,6 nghìn tỷ đồng.
Giám đốc Sở Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết đã đề xuất UBND thành phố cho phép xây thêm cầu vượt kênh Thầy Cai (nối thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An) để dự án được đồng bộ.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin, thành phố xác định là địa phương có vai trò đầu mối tổng hợp các giai đoạn đầu tư dự án Vành đai 4.
“Theo thống nhất, 5 địa phương nơi có tuyến Vành đai 4 đi qua sẽ quyết tâm hoàn thành, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án trong năm 2023; khởi công từ tháng 9-2024 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý I-2028”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.