Những tin tức thế giới nổi bật trong ngày 25-2
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khởi động công tác tái thiết sau thảm họa động đất; Ukraine thông qua dự luật tăng cường minh bạch sau vụ bê bối tại BQP; Lạm phát, khủng hoảng năng lượng khiến kinh tế Đức sụt giảm hơn dự báo; EU áp đặt trừng phạt mạnh nhất, sâu nhất từ trước tới nay với Nga… là những tin tức đáng chú ý trong sáng ngày 25-2-2023.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu công tác tái thiết sau thảm họa động đất
Ngày 24/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã khởi động giai đoạn đầu công tác tái thiết sau trận động đất kinh hoàng xảy ra trong tháng này.
Theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà với kinh phí ít nhất 15 tỷ USD. Trước đó, Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) ước tính việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất sẽ tốn kém tới 25 tỷ USD.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 164.000 tòa nhà, với hơn 530.000 căn hộ đã bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng do thảm họa động đất xảy ra ngày 6-2 vừa qua. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 43.500 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy hàng triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất trong thời tiết mùa Đông lạnh giá.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cam kết trong vòng 1 năm, chính phủ nước này sẽ xây dựng lại nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng.
Ukraine thông qua dự luật tăng cường minh bạch sau vụ bê bối tại BQP
Ngày 24/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động mua sắm quốc phòng trong bối cảnh chính quyền nước này tăng cường chống tham nhũng sau vụ bê bối tại Bộ Quốc phòng.
Theo dự luật vừa được thông qua, các quan chức Bộ Quốc phòng sẽ phải công khai giá cả trong các thỏa thuận mua sắm, kể cả những mặt hàng không liên quan đến vũ khí. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để ký ban hành luật.
Dự luật trên được thông qua sau khi kết quả điều tra của truyền thông Ukraine được công bố vào tháng 1 cho thấy nhiều loại thực phẩm cung cấp cho quân đội đã bị bán giá cao hơn nhiều lần so với giá bán lẻ bình thường.
Lãnh đạo Pháp, Đức khuyên Tổng thống Ukraine đàm phán với Nga
Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 24/2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết trong cuộc gặp ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khuyến nghị nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky khởi động đàm phán hòa bình với Nga.
Theo WSJ, Đức, Pháp và Anh đang đề xuất một hiệp ước giữa NATO và Ukraine như một cách để khuyến khích Kiev khởi động đàm phán hòa bình với Nga.
Hiệp ước được đề xuất không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ triển khai quân đội NATO nào ở Ukraine. Kiev cũng sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể Washington (nghĩa là cuộc tấn công vào một trong các thành viên NATO được coi là tấn công tất cả các thành viên khối này).
Tuy nhiên, Đức, Pháp và Anh đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong tương lai.
Lạm phát, khủng hoảng năng lượng khiến kinh tế Đức sụt giảm hơn dự báo
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê liên bang Đức công bố ngày 24/2, nền kinh tế Đức đang trên bờ vực suy thoái khi sản lượng kinh tế cuối năm 2022 sụt giảm nhiều hơn so với dự báo, ở mức âm 0,4% thay vì âm 0,2%.
Hậu quả của lạm phát và khủng hoảng năng lượng đã đè nặng lên nền kinh tế Đức hơn dự kiến vào cuối năm 2022. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4/2022 (từ tháng 10-12/2022) đã giảm 0,4% so với quý 3/2022, giảm mạnh hơn so với mức dự báo âm 0,2% đưa ra trước đó.
Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho biết động lực của nền kinh tế suy yếu đáng kể vào cuối năm ngoái. Nguyên nhân chính là do chi tiêu tiêu dùng tư nhân giảm 1% so với quý trước do lạm phát cao, thêm vào đó là sự sụt giảm đầu tư của các công ty.
Với tăng trưởng bị sụt giảm trong quý cuối năm ngoái, nền kinh tế đầu tàu châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu GDP tiếp tục sụt giảm trong quý 1/2023. Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) mới đây cảnh báo Đức có thể rơi vào suy thoái trong mùa Đông này, trong khi Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) cũng nhận thấy mối nguy hiểm chưa qua dù các công ty hướng về tương lai một cách tích cực hơn.
Chính phủ liên bang Đức kỳ vọng nền kinh tế nước này đạt tăng trưởng 0,2% trong năm 2023, giảm mạnh so với mức tăng 1,8% trong năm 2022 do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng.
EU áp đặt trừng phạt mạnh nhất, sâu nhất từ trước tới nay với Nga
Rạng sáng 25/2 (theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga.
Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.
Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn.
Quyết định trừng phạt của EU được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, một số quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand và Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.