Những tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, có địa phương tỷ lệ đạt 0%
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm gần một nửa so với năm 2016.
Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, khoảng cách nghèo đa chiều giữa khu vực nông thôn và thành thị đang giảm dần.
Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều có sự khác biệt giữa các vùng. Năm 2020, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao nhất với 14,4%, tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, lần lượt ở mức 11% và 6,5%. Vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất là Đông Nam Bộ, chỉ với 0,3%.
Theo từng địa phương, năm 2020, TP Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ thấp nhất, ở mức 0%. Tiếp theo là một số tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều dưới 1% như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng.
Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) của Việt Nam năm 2020 là 0,375, thấp hơn GINI giai đoạn 2010-2019 ở mức 0,4 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị. Hai vùng có hệ số GINI cao nhất là Trung du và miến núi phía Bắc và Tây Nguyên với hệ số GINI lần lượt là 0,42 và 0,41. Đây cũng là 2 khu vực có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước.
Vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ với mức 0,29. Điều này đồng nghĩa với việc đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất cả nước với 0,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, trên toàn quốc có 19,2% hộ được hưởng lợi từ dự án/chính sách giảm nghèo. Trong đó, 17,1% hộ được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, 1,6% hộ được miễn giảm học phí cho người nghèo, 0,9% hộ được miễn giảm chi phí khám/chữa bệnh cho người nghèo.
Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên là 3 vùng có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, đồng thời cũng có tỷ lệ hộ được hưởng lợi từ dự án/chính sách giảm nghèo cao (lần lượt là 42,7%, 25,4% và 24,6%).
Có 32,7% hộ tự đánh giá cuộc sống cải thiện hơn nhiều, 52,4% hộ tự đánh giá cuộc sống cải thiện hơn một ít và 8,5% hộ tự đánh giá cuộc sống như cũ so với 5 năm trước đây. Các lý do chính khiến cuộc sống của hộ gia đình so với 5 năm trước giảm sút hoặc như cũ gồm: thu nhập thấp (34,9%), gia đình có người ốm/bệnh, mất (24,0%), giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác cao (15,4%).