Những tố chất nào SV cần có để học tốt ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành?
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới mẻ, đa dạng không chỉ ở lĩnh vực du lịch mà còn nhiều lĩnh vực khác.
.t1 { max-width: 100%; }
Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu không ngừng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đang ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các thí sinh.
Ngành du lịch cũng cần khả năng ứng dụng công nghệ số
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Điện Lực chia sẻ, trong bối cảnh du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, sinh viên theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cần hội tụ nhiều tố chất để đáp ứng yêu cầu học tập cũng như làm việc thực tế tại các doanh nghiệp.
Trước hết, các em cần có niềm đam mê và sự yêu thích khám phá văn hóa, con người, vùng đất mới, bởi du lịch không đơn thuần là một loại hình dịch vụ mà còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa giữa các quốc gia và cộng đồng.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng làm việc nhóm là những yếu tố không thể thiếu, bởi đây là ngành nghề đòi hỏi sự tương tác, phối hợp cao giữa con người với con người trong suốt quá trình phục vụ và tổ chức tour.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần có nền tảng sức khỏe tốt, khả năng chịu áp lực cao, tư duy tổ chức khoa học, kỹ năng dẫn dắt, lãnh đạo cũng như xử lý tình huống một cách linh hoạt để có thể thích ứng với những thay đổi và thách thức không ngừng của ngành. Đặc biệt, trong thời đại số, trình độ ngoại ngữ cùng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào công việc đang trở thành những tiêu chí quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch hiện đại.
Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Tại Trường Đại học Điện Lực, với mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tiễn, trường đã xây dựng chương trình học theo định hướng ứng dụng, trong đó các học phần được thiết kế nhằm phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức cũng như tư duy quản trị thực tế cho sinh viên. Lộ trình đào tạo được bố trí một cách khoa học, tích hợp nhiều học phần thực hành và thực tập như: thực tập nhận thức, thực tập nghiệp vụ, thực tập quản trị tác nghiệp, thực hành môn học… với tổng khối lượng chiếm hơn 30% chương trình học. Các học phần này được triển khai từ năm thứ hai đến năm thứ tư, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận môi trường doanh nghiệp ngay từ sớm.
Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thực tập quản trị tác nghiệp lữ hành - khách sạn tại Đà Lạt. Ảnh: Website nhà trường
Nhờ đó, sinh viên không chỉ tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn mà còn nâng cao khả năng thích ứng với công việc thực tế. Khi tốt nghiệp, các em có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc chuyên môn mà không còn bỡ ngỡ trước yêu cầu của nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những thế mạnh nổi bật trong đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại trường chính là việc xây dựng được mạng lưới kết nối sâu rộng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch – lữ hành trên phạm vi toàn quốc.
Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín trong ngành như Tập đoàn VinGroup, Sun Group, Flamingo, Saigontourist, Hoàng Việt Travel, AMZ Travel, cùng với hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao như Marriott, Lotte, Pan Pacific, Melia…
Thông qua các chương trình hợp tác này, sinh viên không chỉ có cơ hội tham gia các đợt thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, mà còn được trực tiếp trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, giao lưu với các chuyên gia trong ngành, từ đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và định hướng rõ ràng con đường phát triển bản thân.
Đồng thời, mạng lưới kết nối doanh nghiệp rộng lớn cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc sau khi tốt nghiệp, góp phần tạo nên tính ứng dụng cao và sự gắn kết hiệu quả giữa nhà trường với thị trường lao động.
Ngành học phù hợp với các bạn trẻ yêu thích sự sáng tạo, khám phá và giao tiếp
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hiện đang trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ trong thời đại mới. Không chỉ bởi sự sôi động của ngành du lịch trong nước và quốc tế, mà còn bởi những giá trị học tập và phát triển cá nhân mà ngành học này mang lại.

Sinh viên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Trường Đại học Điện Lực. Ảnh: Website nhà trường
Lí giải về sức hút mạnh mẽ của ngành học này, theo thầy Tuấn, trước hết, đây là ngành học năng động, mang tính thực tiễn cao, với nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với con người, văn hóa và thiên nhiên. Môi trường học tập giàu trải nghiệm này đặc biệt phù hợp với những bạn trẻ yêu thích sự sáng tạo, khám phá và giao tiếp.
Bên cạnh yếu tố trải nghiệm, cơ hội nghề nghiệp mà ngành học này mang lại cũng rất rộng mở và phong phú. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hấp dẫn tại các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn, resort, hãng hàng không, các trung tâm tổ chức sự kiện hay cơ quan truyền thông – tiếp thị du lịch.
Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, lĩnh vực du lịch đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các mô hình hiện đại như du lịch trực tuyến, du lịch thông minh, từ đó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới mẻ, đa dạng, yêu cầu sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao.
Đáng chú ý, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể tự tin khởi nghiệp với các ý tưởng mới mẻ như phát triển du lịch cộng đồng, du lịch thông minh, đây là những xu hướng đang ngày càng được xã hội quan tâm.
Ngoài ra, quá trình học tập trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành còn giúp người học rèn luyện toàn diện các kỹ năng sống và kỹ năng xã hội như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết tình huống, quản lý thời gian và tư duy phản biện. Những kỹ năng này không chỉ cần thiết trong công việc mà còn giúp sinh viên trưởng thành hơn trong cuộc sống, trở thành những công dân toàn cầu, có trách nhiệm và năng lực hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, đây không chỉ là ngành học hướng đến nghề nghiệp, mà còn là hành trình phát triển toàn diện về nhân cách, năng lực và tầm nhìn.
Bàn về nhu cầu nhân lực của ngành học này, theo thầy Tuấn, hiện nay, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch và lữ hành đang ở mức rất cao, đặc biệt tại các thành phố du lịch lớn, trung tâm kinh tế - văn hóa và những địa phương đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Với xu hướng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, ngành du lịch đang khát nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và khả năng thích ứng linh hoạt. Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc quan trọng và hấp dẫn như: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành tour, chuyên viên kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức sự kiện du lịch, cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort, trung tâm xúc tiến du lịch hay cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đó, nhà trường luôn chú trọng mở rộng kết nối với các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc triển khai đa dạng các hình thức hợp tác như chương trình thực tập, học kỳ doanh nghiệp, ngày hội việc làm và các đề án nghiên cứu phối hợp giữa sinh viên và doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia vào các hoạt động mô phỏng công việc thực tế như tour trải nghiệm, team building, hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, cuộc thi sáng tạo ý tưởng tour tuyến, tổ chức gala dinner hay các buổi workshop chuyên đề với sự tham gia của chuyên gia trong ngành. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng chuyên môn mà còn tạo môi trường “giả định” sát với thực tiễn ngành nghề, từ đó nâng cao sự tự tin, tính chủ động và khả năng thích ứng tốt với thị trường lao động sau khi ra trường.
Còn theo anh Lưu Văn Phúc, cựu sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Điện Lực, hiện đang công tác tại Công ty Ascend Travel anh Event chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong ngành du lịch, lữ hành, ứng viên cần có sự chuẩn bị toàn diện cả về tố chất cá nhân lẫn chuyên môn. Nhà tuyển dụng đặc biệt đánh giá cao những người có tư duy dịch vụ khách hàng tốt, biết lắng nghe và giải quyết vấn đề hiệu quả. Về kỹ năng, cần chú trọng đến khả năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp, tổ chức và lập kế hoạch tour, điều phối công việc và xử lý sự cố nhanh chóng.
Đồng thời, việc thành thạo các công cụ công nghệ như phần mềm điều hành tour, hệ thống booking online hay các công cụ quản lý là một lợi thế lớn. Ngoài ra, tinh thần cầu tiến, khả năng chịu áp lực, làm việc linh hoạt và sẵn sàng ngoài giờ là những tố chất rất cần thiết trong ngành không theo giờ hành chính này. Cuối cùng, tình yêu văn hóa, con người cùng sự ham học hỏi sẽ giúp ứng viên thích nghi và phát triển bền vững trong một ngành nghề luôn vận động và thay đổi không ngừng.
Ngành du lịch – lữ hành cũng là ngành đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi ở người làm nghề sự linh hoạt cao và sức chịu đựng bền bỉ. Đặc biệt trong những giai đoạn vào mùa cao điểm du lịch sẽ phải làm việc đến khuya để hoàn thành tiến độ, xử lý các tình huống phát sinh đột ngột trong quá trình tổ chức tour. Việc cân đối thời gian, giữ vững tâm lý và ra quyết định kịp thời trong những hoàn cảnh áp lực là điều không dễ dàng đối với một người trẻ.
Chia sẻ về quãng thời gian học tập tại trường, anh Phúc cho biết: “Trong quá trình học, nhà trường không chỉ cung cấp nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện kỹ năng thực tiễn thông qua các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tổ chức tour thực tế và kết nối với doanh nghiệp. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên tận tâm luôn đồng hành, định hướng và truyền cảm hứng, góp phần giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực cá nhân”.
Trong khi đó, anh Phùng Minh Nhật, cựu sinh viên ngành Quản trị du lịch và lữ hành, Trường Đại học Điện Lực, hiện đang làm việc tại Công ty du lịch châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: "Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là ngành được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Nhưng càng học, càng làm, tôi càng nhận ra đây là một ngành rất sâu sắc , đòi hỏi sự tỉ mỉ, linh hoạt và đặc biệt là phải có “cái tâm” với nghề.
Tôi còn nhớ kỳ thực tập tại một khu du lịch, ngày nào cũng phải dậy sớm, vừa tranh thủ ăn sáng vừa chạy đến điểm đón khách cho kịp giờ. Trong suốt quá trình giới thiệu, phải đứng liên tục, và mỗi buổi tối về đều cảm thấy đôi chân gần như tê cứng. Mặc dù rất mệt, nhưng nhờ vậy tôi mới hiểu rõ hơn quy trình thực tế, và cảm nhận được sự gắn bó, thấu hiểu sâu sắc hơn với nghề".
Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong ngành Quản trị du lịch và lữ hành, người ứng tuyển cần trang bị những tố chất và kỹ năng phù hợp với đặc thù công việc. Hãy trang bị cho mình ít nhất một ngôn ngữ thứ hai bởi du lịch là ngành nghề mang tính hội nhập cao, và nếu muốn có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hoặc hợp tác với khách quốc tế, ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu.
Cuối cùng, dù kỹ năng có tốt đến đâu thì thái độ làm việc vẫn là yếu tố mang tính quyết định. Các doanh nghiệp cần những người có trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, chủ động và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
Tuy nhiên, theo anh Nhật, trong quá trình làm việc cũng sẽ gặp những thách thức, đặc biệt khi bắt đầu công việc như làm điều hành tour. Khối lượng công việc lớn, phải phối hợp nhiều bên, chỉ cần một khâu gặp trục trặc là ảnh hưởng đến toàn bộ chương trình. Những áp lực đó giúp tôi rèn luyện sự bình tĩnh và linh hoạt trong xử lý tình huống.
Đặc thù nghề còn khiến tôi thường xuyên làm việc vào dịp lễ, Tết. Có năm phải trực xuyên kỳ nghỉ, nhưng đổi lại, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều điều mới lạ và gặp gỡ những vị khách đáng nhớ, điều mà không phải công việc nào cũng mang lại.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch ngày càng phát triển với sự xuất hiện ồ ạt của nhiều dịch vụ và doanh nghiệp mới, để cạnh tranh hiệu quả, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, sự khác biệt hóa và ứng dụng công nghệ.
Trước hết, cần không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách đào tạo nhân sự chuyên nghiệp, phục vụ tận tâm và phản hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn riêng như tour theo chủ đề, du lịch cá nhân hóa hay kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa –sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật hơn. Đồng thời, ứng dụng các nền tảng số như website thân thiện, app đặt tour, công nghệ thực tế ảo (VR), AI chatbot,... cũng giúp tối ưu hoạt động tiếp thị và chăm sóc khách hàng.