Những 'tọa độ lửa' trong 'chiến tranh phá hoại' của giặc Mỹ
...Chỉ trong thời gian ngắn, quân dân khu vực Hàm Rồng đã hoàn tất mọi việc, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu và chiến thắng. Cùng với Hàm Rồng, tại khu vực Đò Lèn, quân dân các huyện Hà Trung, Hậu Lộc đã phối hợp với bộ đội cao xạ 37 ly, đại đội 4 (Trung đoàn 14, Sư đoàn 213) hoàn chỉnh trận địa xung quanh khu vực cầu Đò Lèn, sẵn sàng chiến đấu.
Cầu Hàm Rồng – nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Thanh Hóa. Ảnh: T.P
Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa là địa bàn chiến lược trọng yếu, là “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, là kho dự trữ chiến lược và là chiếc cầu nối giữa miền Bắc với miền Nam ruột thịt. Vì vậy, đế quốc Mỹ luôn coi Thanh Hóa là trọng điểm, nhất là trong cuộc “chiến tranh phá hoại” lần thứ nhất diễn ra từ năm 1965-1968.
Ngày 16-3-1965, Mỹ cho máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa, bắn đạn 20 ly và rốc két xuống các địa phương Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Xuân. Khu vực Hàm Rồng được Mỹ xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong” nên không quân Mỹ coi cầu Hàm Rồng là điểm tấn công quyết định nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Quyết tâm đánh thắng “chiến tranh phá hoại” của giặc Mỹ ngay từ trận đầu, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng tích cực củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân, bổ sung, sửa đổi các phương án tác chiến, phương án xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy cũng đã đi kiểm tra việc xây dựng làng, xã chiến đấu ở 43 xã trọng điểm; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng các đơn vị pháo cao xạ, các đơn vị pháo binh dân quân ở các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa; chỉ đạo xây dựng các đội súng máy phòng không ở các địa phương. Cùng với đó, Tỉnh ủy chỉ đạo Ty Thủy lợi, Ty Giao thông tiến hành ngụy trang bảo vệ các công trình thủy lợi, cầu cống trên các tuyến đường; chỉ đạo ngành thương nghiệp, lương thực, xăng dầu sơ tán kho tàng hàng hóa dự trữ chiến lược...
Biết rõ mưu đồ của giặc Mỹ là sẽ đánh phá Thanh Hóa mà trọng điểm là khu vực Hàm Rồng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã cùng với Tỉnh ủy, Tỉnh đội Thanh Hóa sắp xếp lực lượng, bố trí trận địa, sẵn sàng chiến đấu. Toàn bộ lực lượng phòng không khu vực Hàm Rồng được phân chia thành 5 cụm hỏa lực hỗn hợp, mỗi cụm có khả năng chiến đấu độc lập và khả năng hợp đồng tác chiến. Để nhanh chóng hoàn chỉnh trận địa kịp thời đánh địch, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh đã huy động hàng vạn lao động phối hợp cùng bộ đội đào đắp công sự, chiến hào. Chỉ trong thời gian ngắn, quân dân khu vực Hàm Rồng đã hoàn tất mọi việc, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu và chiến thắng. Cùng với Hàm Rồng, tại khu vực Đò Lèn, quân dân các huyện Hà Trung, Hậu Lộc đã phối hợp với bộ đội cao xạ 37 ly, đại đội 4 (Trung đoàn 14, Sư đoàn 213) hoàn chỉnh trận địa xung quanh khu vực cầu Đò Lèn, sẵn sàng chiến đấu.
Sáng 3-4-1965, từng tốp máy bay Mỹ từ phía biển xuất hiện ném bom đánh phá khu vực cầu Đò Lèn nhằm cắt đường tiếp tế cho Hàm Rồng và làm phân tán lực lượng phòng không của quân ta. Nhằm bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, tại trận địa, quân và dân các xã Hà Phong, Hà Lâm, Hà ngọc (Hà Trung), Đại Lộc, Đồng Lộc (Hậu Lộc) và tự vệ ga Đò Lèn đã phối hợp với bộ đội pháo cao xạ hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm với máy bay Mỹ. Căm thù dồn lên nòng súng, trong trận đầu thử lửa, quân ta đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Không đầy nửa giờ đồng hồ sau đó, hàng chục máy bay Mỹ lại gầm rít trên bầu trời Đò Lèn, trút hàng loạt bom đánh phá nơi đây. Một biên đội không quân Việt Nam gồm 4 chiếc Mic 17 do đồng chí Phạm Ngọc Lan chỉ huy đã xuất kích và bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F8. Trên cao, không quân ta bất ngờ lao tới, dưới thấp bộ đội, dân quân, tự vệ bắn trả quyết liệt, 5 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, 1 tên giặc lái bị bắt sống. Khoảng 10 giờ sáng ngày 3-4, địch phải chấm dứt tấn công khu vực Đò Lèn.
Cùng với đánh phá cầu Đò Lèn, Mỹ đã cho hàng chục máy bay đánh phá cầu Đồng, cầu Đại Thủy, cầu Cun, ga Văn Trai (Tĩnh Gia) và huyện Nông Cống nhằm cô lập khu vực Hàm Rồng. Ngày 3-4-1965, vào khoảng 13 giờ, đế quốc Mỹ huy động số lượng lớn máy bay phản lực điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng. Quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã phối hợp cùng với lực lượng phòng không không quân, hải quân hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, đánh trả các cuộc tấn công của kẻ thù và chiến thắng một cách oanh liệt ngay trong trận đầu. Ngay sau đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị, các ngành, các địa phương trong khu vực Hàm Rồng tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung phương án chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chỉ trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã huy động 454 lượt máy bay ồ ạt ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1km2. Thế nhưng, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang, trong khi đó 47 máy bay Mỹ phải bỏ xác nơi đây.
Trong cuộc “chiến tranh phá hoại” lần thứ nhất, Hàm Rồng là trọng điểm đánh phá ở phía Bắc, còn Tĩnh Gia là trọng điểm đánh phá ở phía Nam. Quyết tâm đập tan âm mưu của địch, Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo Tỉnh đội và quân dân Tĩnh Gia xây dựng thế trận đánh địch trên không, trên biển, trên hải đảo và đất liền. Nhiều Trung đội ở Tĩnh Gia đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay, bắn cháy tàu chiến của giặc Mỹ. Quân, dân các địa phương trong tỉnh cũng đã hiệp đồng tác chiến với các lực lượng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong 4 năm tiến hành “chiến tranh phá hoại” (1965-1968) trên địa bàn Thanh Hóa, đế quốc Mỹ đã huy động 66.274 lượt máy bay, đánh phá 12.073 trận vào 3.936 điểm, sử dụng 1.670 lần tàu chiến bắn phá 119 trận vào 324 điểm. Quân dân Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng quyết chiến và quyết thắng. 4 năm đọ sức với quân thù, quân dân Thanh Hóa đã chiến đấu 9.009 trận, bắn rơi 276 máy bay, bắt sống 24 giặc lái, đánh chìm 5 tàu biệt kích, bắn cháy 26 tàu chiến các loại. Chiến công của quân và dân Thanh Hóa đã góp phần đánh bại cuộc “chiến tranh phá hoại” lần thứ nhất của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.