Những 'tội đồ' tàn phá nền kinh tế - Kỳ IV: 'Hố đen' nợ, lỗ SBIC
Việc nhiều khối tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư kém hiệu quả của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) sau hơn 10 năm vẫn đang bị bỏ hoang, han rỉ, không chỉ tiếp tục gây lãng phí lớn, mà còn đi ngược với chủ trương tái cơ cấu quyết liệt mà Đảng và Nhà nước đề ra. Những thất bại cay đắng trong quá trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC cần được nhận diện, rút kinh nghiệm và có cơ chế xử lý hữu hiệu để không phát sinh thêm những khối di căn tàn phá nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân, nhất là khi số lượng đại dự án thua lỗ lớn được hình thành giai đoạn trước đây cần giải phẫu vẫn còn nhiều.
Kỳ IV: “Hố đen” nợ, lỗ SBIC
Qua gần 10 năm tái cơ cấu, Vinashin - SBIC chưa thoát khỏi “bạo bệnh”. Hình ảnh ông Nguyễn Ngọc Sự, Trương Quang Tuyến, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Vinashin - những người được tin tưởng cử đi “trục vớt con tàu đắm” Vinashin, giờ cúi gằm mặt trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin từ ngày 10 đến 12/6 là một trong những hình ảnh cay đắng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp này.
Con tàu nát
Hải trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC chính thức bắt đầu từ năm 2010, với dấu mốc là Kết luận số 81/KL-TW ngày 6/8/2010 của Bộ Chính trị, sau khi đơn vị này phải đối diện với nhiều khó khăn rất lớn về tài chính và bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng, khiến hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn và các tổng công ty rơi vào vòng lao lý.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu Vinashin - SBIC chỉ thực sự quyết liệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 - KL/TW ngày 6/6/2013 về việc tiếp tục tái cấu đơn vị này. Để cụ thể hóa Kết luận số 65, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 26/7/2013; Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Tiếp tục tái cơ cấu Vinashin - SBIC.
Do tính chất nhạy cảm, nhiều thông tin liên quan đến các đề án tái cơ cấu Vinashin - SBIC qua từng giai đoạn, đặc biệt là số phận của các đơn vị vay vốn Tập đoàn hoặc qua Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế trị giá 750 triệu USD (năm 2005) và 273 triệu USD (năm 2010); 600 triệu USD vay nợ nước ngoài như Thép Cái Lân, Khu công nghiệp Mỹ Trung không được phổ biến ở diện rộng.
Điều này gây không ít khó khăn cho lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là mặt trận tổ quốc cấp tỉnh khi thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với các dự ándo Vinashin - SBIC đầu tư trên địa bàn. Đây có lẽ cũng là lý do khiến ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh từ chối đưa ra bình luận về những hệ lụy mà Khu công nghiệp Điện - Thép Cái Lân để lại cho tỉnh.
Mặc dù vậy, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2018), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã thừa nhận, việc tái cơ cấu Vinashin - SBIC thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả mong đợi. Trên thực tế, kể từ khi được “hạ cấp” từ tập đoàn xuống tổng công ty vào năm 2013 theo Quyết định số 1224/QĐ-TTg, hoạt động sản xuất, kinh doanh của SBIC liên tục lao dốc.
Không giống thời hoàng kim của ngành đóng tàu Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008 khi các đơn hàng đóng những tàu 50.000 DWT - 65.000 DWT, thậm chí là các siêu tàu chở dầu 100.000 DWT dồn dập đổ về, sản phẩm của SBIC hiện chủ yếu là các mẫu tàu nhỏ có giá trị không quá vài trăm tỷ đồng. “Người khổng lồ” trong ngành đóng tàu có doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.
Ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, trong năm 2018, toàn SBIC (gồm công ty mẹ và 8 nhà máy đóng tàu được giữ lại) chỉ ký được 74 sản phẩm với giá trị hợp đồng khoảng 1.682 tỷ đồng, doanh thu thực hiện khoảng 800 tỷ đồng, bằng 48% giá trị doanh thu xúc tiến trong kế hoạch năm 2018.
Điều đáng nói là, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm tài chính 2018, SBIC lãi 118 tỷ đồng, nhưng nếu hạch toán đầy đủ các công nợ “thừa kế” từ thời Vinashin, Tổng công ty lỗ tới 3.624 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là lỗ do chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá) 3.401,9 tỷ đồng, lỗ do thanh lý 723,4 tỷ đồng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, kể từ khi hoạt động theo mô hình tổng công ty từ năm 2013 đến nay, nếu hạch toán đúng, đủ theo các quy định của Luật Kế toán, năm nào, SBIC cũng lỗ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Nợ và lỗ quá lớn khiến khoản hỗ trợ 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho Vinashin trong gian đoạn 2008 - 2010 như “gió vào nhà trống”.
Do khó khăn về tài chính, hạ tầng không có điều kiện duy tu bảo dưỡng, nhiều máy móc, thiết bị xuống cấp, uy tín bị giảm sút, việc tiếp cận các đơn hàng mới của toàn Tổng công ty trong những năm tới sẽ rất khó khăn. Theo dự báo, năm 2019, SBIC tiếp tục lỗ thêm khoảng 4.033,8 tỷ đồng.
Đống rác dưới gầm giường
Không khó để chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ với quá nhiều hệ lụy của Vinashin. Những lỗ hổng này dù đã được Đảng và Chính phủ nhận diện và có nhiều giải pháp chấn chỉnh, nhưng những sai phạm tiếp tục xảy ra trong quá trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC.
Ngoài việc phải tiếp tục bịt những “lỗ rò” có thể tiếp tục phát sinh, thách thức lớn nhất mà SBIC và những đơn vị được giao xử lý hệ lụy lớn của Vinashin phải đối diện lúc này chính là hải trình tái cơ cấu vẫn còn quá nhiều trắc trở. Sau 10 năm thực hiện tái cơ cấu, hầu hết các mục tiêu quan trọng nhất được Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận số 81/KL-TW ngày 6/8/2010 là xử lý các khoản nợ; từng bước vực dậy ngành đóng tàu; giữ chân được lao động chất lượng cao… vẫn còn một khoảng cách lớn.
Hầu hết các thông tin về tái cơ cấu, phương án tái cơ cấu đều được bảo mật, đặc biệt là khoản trái phiếu quốc tế năm 2005 vay lại Chính phủ và khoản nợ 600 triệu USD nợ nước ngoài do Vinashin tự vay. Khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo SBIC đều từ chối cung cấp những thông tin cơ bản nhất phản ánh về kết quả tái cơ cấu “ông lớn ngành đóng tàu” như: tổng tài sản, tổng nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế… Vì vậy, việc SBIC đã thực sự rũ được nợ nần hay vẫn là “hố đen” về tài chính còn đang là một ẩn số rất lớn.
Nếu nhìn vào tình hình làm ăn ngày càng sút kém như hiện nay, khả năng rất cao là SBIC chưa thể thanh toán các khoản nợ gốc, nợ lãi đến hạn. Trong bối cảnh thời điểm thị trường đóng tàu thế giới phục hồi vẫn rất mờ mịt, quá trình “nhặt bạc cắc” để tồn tại của SBIC chắc chắn sẽ còn kéo dài, nhiều khoản nợ lớn sắp đáo hạn của đơn vị này sẽ lại dồn về phía Chính phủ.
Cần phải nói thêm rằng, tình hình tài chính bết bát của SBIC và 8 đơn vị được giữ lại cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình xử lý các khoản đầu tư thua lỗ kéo dài và đại phẫu các doanh nghiệp thuộc diện phải phá sản, giải thể như Điện - Thép Cái Lân, Khu công nghiệp Mỹ Trung, Vinashinlines… gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, theo yêu cầu của Chính phủ, SBIC phải tiến hành phá sản hơn 110 đầu mối, đơn vị thành viên, nhưng đến đầu năm 2019, mới chỉ có 4 -5 doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của tòa án.
Bên cạnh việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của tòa án nhân dân các cấp còn chậm, chưa kịp thời…, việc SBIC không còn nguồn lực để góp đủ phần vốn điều lệ tại các công ty cổ phần theo quy định (khoảng 2.000 tỷ đồng) khiến quá trình phá sản những “đống rác dưới gầm giường” này bị đóng băng.
Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, dù SBIC đã đẩy mạnh công tác thẩm định giá, tổ chức thực hiện đấu giá thanh lý các sản phẩm dở dang, tài sản hư hỏng hoặc không có nhu cầu sử dụng để hạn chế thiệt hại, thu hồi vốn, nhưng tỷ lệ thu hồi vật tư, sản phẩm dở dang tại một số dự án đã thực hiện chỉ đạt khoảng 6-10% giá trị đã đầu tư.
Cũng giống như Thép - Điện Cái Lân, Khu công nghiệp Mỹ Trung…, rất nhiều cụm công trình này đều được Vinashin đầu tư từ nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, với mức lãi suất rất cao, nên ngoài chi phí gốc, nợ lãi vay là rất lớn.
Đây có lẽ cũng là một trong nhưng lý do mà nhiều năm qua, các bên liên quan đều không mấy sốt sắng “chọc” vào “hũ mắm” này. Hiện một loạt cá nhân liên quan trực tiếp đến các sai phạm trong quá trình đầu tư các dự án này đã và đang chịu xử lý của pháp luật. Tuy nhiên, khi công trình chưa quyết toán, đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư vẫn ở dạng sản phẩm dở dang, chưa có thêm ai, tổ chức nào đó của chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ lãi trên bản cân đối tài chính cuối cùng.
“Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để có cơ chế xử lý tài chính mang tính đặc thù, quá trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC sẽ không có nhiều tiến triển, dù hậu quả nhãn tiền là lãng phí lớn tài sản của Nhà nước đều đặn gia tăng từng ngày”, một chuyên gia cho biết.