Những trải nghiệm thú vị trong du ký 'Tiếc nuối hoa hồng' của nhà báo Phan Quang

Đọc du ký 'Tiếc nuối hoa hồng' ở trời Âu nhưng bạn sẽ được biết những câu chuyện thú vị về ngôn ngữ, từ gốc gác của một thành ngữ phương Tây, cho đến nguồn cơn của một từ tiếng Việt mà nay vẫn còn lưu lại trong tên phố phường Hà Nội.

 "Tiếc nuối hoa hồng" với 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa, ghi chép của tác giả

"Tiếc nuối hoa hồng" với 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa, ghi chép của tác giả

Những khác biệt trong tập du ký du ký "Tiếc nuối hoa hồng" mang màu sắc đa dạng, với 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa, ghi chép những chuyến đi qua khoảng 20 nước thuộc năm châu lục: Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi của nhà báo, nhà đối ngoại Phan Quang.

Các bài viết này được chọn lọc từ các sách đã xuất bản rải rác trong nhiều năm của tác giả: Thơ thẩn Paris (NXB Văn học, 2002); Bên mộ vua Tần (NXB Thuận Hóa, 2003); Du ký (NXB Văn học, 2005)...

Tác giả Phan Quang là nhà văn, nhà báo kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin

Tác giả Phan Quang là nhà văn, nhà báo kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin

Đọc Du ký Phan Quang - Tiếc nuối hoa hồng, độc giả không những được cùng tác giả khám phá những điều mới mẻ trên hành trình, mà còn được nghe kể biết bao câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử, chính trị, ngôn ngữ… ở mỗi nơi đi qua, bằng một lối kể chuyện duyên dáng của người học thức và đã từng đi khắp đó đây.

Dạo bước trong Điện Luxembourg, tác giả sẽ kể cho bạn nghe, cùng là những đại văn hào đã được tạc tượng đặt trong Điện ấy, nhưng sinh thời Victor Hugo là một Thượng Nghị sĩ nên đã đi qua cửa lớn, được hai hàng lính gác bồng súng đón chào như thế nào, còn Anatole France thì lại là một viên chức làm việc trong thư viện, nên đã vào Điện qua lối cửa nhỏ dành cho viên chức ra sao. Đi trong mùa thu vàng của nước Nga diễm lệ, bạn sẽ được nghe cả bình luận tình hình chính trị đương thời.

Bạn sẽ cùng tác giả gặp gỡ "chú bé" Manolin đã ngót nghét trăm tuổi - nguyên mẫu của nhân vật cậu bé trong tiểu thuyết nổi tiếng Ông già và biển cả của Hemingway, hay diện kiến vua Phổ Nghi - vị hoàng đế Mãn Thanh cuối cùng trong lịch sử. Bạn sẽ cùng tác giả nghe nhạc Trịnh trong một đêm Marrakech náo nhiệt ở Maroc, hay thưởng trà và chiêm ngưỡng các nàng geisha mãi nghệ nơi xứ Phù Tang… Đầy ắp chuyện kể hành trình, chuyện kể văn hóa, lịch sử và những câu chuyện thú vị cho những người đam mê khám phá và ham hiểu biết.

50 bài viết, 50 câu chuyện đầy cuốn hút trong Du ký Phan Quang - Tiếc nuối hoa hồng

50 bài viết, 50 câu chuyện đầy cuốn hút trong Du ký Phan Quang - Tiếc nuối hoa hồng

Tất cả những câu chuyện ấy được kể bằng một giọng nghiêm ngắn nhưng không kém phần duyên dáng, ý nhị. 50 bài viết, 50 câu chuyện cứ thế nhỏ nhẹ nối tiếp nhau, đầy cuốn hút.

Tác giả Phan Quang (SN 1928)là nhà văn, nhà báo kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin.Bước chân vào nghề báo từ năm 20 tuổi, ông là cây bút quen thuộc trên báo Cứu quốc Liên khu IV. Năm 1954, ông được điều động về báo Nhân dân và làm việc tại đây trong gần 30 năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.

Bên cạnh công tác báo chí và sáng tác, ông còn là một dịch giả nổi tiếng với các bản dịch gây tiếng vang từ thập niên 1980 đến bây giờ. Trong đó có bản dịch nổi tiếng "Nghìn lẻ một đêm" của Antoine Galland và "Nghìn lẻ một ngày" của François Pétis de la Croix.

K.L

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-trai-nghiem-thu-vi-trong-du-ky-tiec-nuoi-hoa-hong-cua-nha-bao-phan-quang-20220722233937875.htm