Những trang sử vàng và di sản của nền ngoại giao Hồ Chí Minh

Phiên thảo luận '80 năm phụng sự dân tộc: Những trang sử vàng và di sản của nền ngoại giao Hồ Chí Minh' đã diễn ra sáng ngày 28.7, trong khuôn khổ Hội thảo 'Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phục vụ quốc gia, dân tộc' đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham gia.

Phiên thảo luận “80 năm phụng sự dân tộc: Những trang sử vàng và di sản của nền ngoại giao Hồ Chí Minh”

Phiên thảo luận “80 năm phụng sự dân tộc: Những trang sử vàng và di sản của nền ngoại giao Hồ Chí Minh”

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Phát biểu tại phiên thảo luận “80 năm phụng sự dân tộc: Những trang sử vàng và di sản của nền ngoại giao Hồ Chí Minh”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã bày tỏ hết sức tâm đắc với chủ đề của Hội thảo, mà theo ông, qua đó đã thể hiện tinh thần, ý chí, quyết tâm của chiến sĩ ngoại giao trong quá trình phụng sự đất nước từ quá khứ đến hiện tại.

Theo ông Nguyễn Dy Niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tư lệnh đầu tiên” của ngành ngoại giao, và chính là Bộ trưởng đầu tiên của ngành ngoại giao.

Hiệp định Geneve đánh dấu mốc lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước ra thế giới. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh ngoại giao đã kết hợp với chiến trường và đi đến Hiệp định Geneve. Tầm quan trọng và ý nghĩa của ngoại giao đã giúp chúng ta giành chiến thắng toàn diện, tạo nên thành công vô cùng to lớn của ngoại giao Việt Nam.

Với những thành tựu đạt được như ngày nay, ngoại giao Việt Nam cần phải tiếp tục giữ được thế này, tiếp tục vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đồng thời Việt Nam phải thể hiện là biểu tượng của hòa bình, hòa giải, hòa hợp, đoàn kết và hợp tác.

Trong bối cảnh đó, với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, thủ đô Hà Nội sẽ là điểm đến quy tụ của các quốc gia nhằm tăng cường đối thoại khu vực và quốc tế để ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Bản lĩnh và trí tuệ ngoại giao

Trong tham luận “Bản lĩnh, trí tuệ: Ngoại giao góp phần thay đổi cục diện, chuyển nguy thành cơ, góp phần hóa giải các thách thức và mở ra cơ hội phát triển cho dân tộc”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đường cho ngoại giao đương đại, được nhìn nhận bắt đầu từ hành trình ra đường cứu nước của Bác.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng mối tương quan thế và lực trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy trong thời kỳ hiện nay và sắp tới.

Sự vươn lên của câu chuyện thành công nổi kinh tế Việt từ xuất phát điểm rất thấp trong thập niên 1980 đang tạo cho Việt Nam và ngoại giao Việt Nam một thế mới, cho phép đẩy mạnh mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa ngoại giao tổng lực, chủ động và linh hoạt của Việt Nam trong bối cảnh cục diện địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu và khu vực dịch chuyển phức tạp và khó lường.

Theo bà, điều đó đặt ra các thách thức phức tạp, đòi hỏi ngoại giao Việt Nam cần trí tuệ và bản lĩnh trong vai trò tham mưu chiến lược và chính sách cũng như về tổ chức thực hiện chiến thuật và biện pháp đối ngoại của nước ta.

Và phương thức đặc thù đó đã được chúng ta vận dụng hài hòa và linh hoạt qua các thời kỳ.

Trong bối thời gian tới, theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh chủ động và linh hoạt trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu dịch chuyển phức tạp, đòi hỏi ngành ngoại giao phải trí tuệ và bản lĩnh trong vai trò tham mưu chiến lược và chính sách.

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng cần có phương thức tập hợp lực lượng chủ động và linh hoạt qua các giai đoạn phức tạp và thử thách.

Ngoài ra, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam cần thể hiện xuyên qua các giai đoạn, trong đó lợi ích quốc gia, chủ quyền, an ninh quốc phòng, kinh tế và văn hóa dân tộc cần chú trọng.

Cũng theo bà, ở bối cạnh hiện tại, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Việt Nam đã chủ động tiếp cận thế giới sớm, đánh dấu chủ động của hành trình hội nhập quốc tế của chúng ta.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam gắn liền với vinh dự chúng ta đã đón tiếp rất nhiều đoàn quốc tế vào nước, đồng thời đã đăng cai thành công rất nhiều các hội nghị khu vực và quốc tế.

“Minh chứng xác định uy tín của Việt Nam là những dấu ấn của Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, bà nhấn mạnh.

Tại Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tạo ấn tượng lớn với quốc tế và khu vực, chuyển từ thế tiếp nhận thành một chủ thể đóng góp và thể hiện là đối tác có trách nhiệm đáng tin cậy. Việt Nam đã đóng góp xuất sắc lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.

Qua các thời kỳ, Việt Nam thể hiện bài bản suy tính và khéo léo hiệu quả trong ngoại giao đa phương và song phương từ các kênh khác nhau, các bình diện khác nhau. Theo bà, chính sự trưởng thành phát huy chủ động đã nâng cao “sức mạnh mềm” của Việt Nam là yếu tố không thể thiếu trong ngành ngoại giao.

Đối ngoại nhân dân là một trong những trụ cột quan trọng

Cũng trong phiên thảo luận Đối ngoại nhân dân qua các giai đoạn cách mạng Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định đối ngoại nhân dân là một nét độc đáo và là tài sản vốn quý của cách mạng Việt Nam và đối ngoại Việt Nam. Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tổ chức và thực hiện các công tác đối ngoại nhân dân.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, đối ngoại nhân dân cũng là một phần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, là sự kế thừa truyền thống hòa hiếu, nhân nghĩa, thủy chung của dân tộc chúng ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đối ngoại nhân dân đã đạt được rất nhiều thành tựu rất to lớn.

Đầu tiên, đối ngoại nhân dân đã đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sau này là công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thứ hai, đối ngoại nhân dân đã huy động nguồn lực quốc tế thúc đẩy hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đóng góp to lớn trực tiếp đi vào nhu cầu thiết yếu của người dân khắc phục khó khăn và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Và cuối cùng là chúng ta đã tiếp tục đóng góp tích cực vào phong trào chung của nhân dân thế giới vì hòa bình và phát triển, tham gia các diễn đàn rất lớn.

Bước vào giai đoạn mới, theo bà Nguyễn Phương Nga, bên cạnh những khó khăn và thách thức, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi cho đối ngoại nhân dân.

Bài học kinh nghiệm là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, coi trọng sức mạnh của đoàn kết quốc tế. Chúng ta thành công vì chúng ta luôn gắn kết cuộc đấu tranh của nhân dân với thế giới vì hòa bình, dân chủ công bằng và phát triển bền vững trên thế giới.

Đối ngoại nhân dân cần tiếp tục mở rộng mạng lưới, tiếp cận nhiều hơn với các tầng lớp nhân dân trên thế giới thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo hơn nữa. Kết hợp sức mạnh dân tộc thành sức mạnh thời đại mới hiện nay.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/nhung-trang-su-vang-va-di-san-cua-nen-ngoai-giao-ho-chi-minh-156928.html