Những trang văn vẫn âm thầm tỏa sáng
Nhà văn Tô Hoài rời cõi tạm mới đó mà chớp mắt đã 10 năm trôi qua. Nhà văn đi xa, những di sản văn chương đồ sộ mà ông để lại vẫn luôn âm thầm tỏa sáng, được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận, đặc biệt là các em thiếu nhi. Không chỉ lan tỏa giá trị ở trong nước, tên tuổi nhà văn Tô Hoài còn vượt ra khỏi biên giới, được thiếu nhi ở nhiều vùng ngôn ngữ đón nhận qua các bản dịch đã khẳng định sức sống trường tồn của những tác phẩm văn chương đích thực.
Người bạn thân thiết của thiếu nhi Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài (6/7/2014 - 6/7/2024), NXB Kim Đồng đã ấn hành tập truyện ngắn “Mực tàu giấy bản” gồm 10 truyện ngắn được ông viết trước năm 1945 gồm có: “Mực tàu giấy bản”, “Ghẻ đặc biệt”, “Nói về cái đầu tôi”, “Mẹ mìn”, “Nguyệt kể chuyện”, “Lá thư rơi”, “U Tám”, “Ba ông cháu”, “Câu chuyện ngày chủ nhật”, “Thằng Nhó”. Trước đó NXB Kim Đồng đã xuất bản các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài như: “Mười năm”, “Quê nhà”, “Quê người”, “Giăng thề”, “Chuyện để quên”, “Lá thư tình đầu tiên”, “Những ngày đầu”, “Thành phố, gương mặt, con người”, “Giữ gìn 36 phố phường”.
Việc “Mực tàu giấy bản” ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài là một minh chứng cho thấy, di sản văn học của nhà văn Tô Hoài vẫn âm thầm tỏa sáng cho hôm nay và mai sau. “Mực tàu giấy bản” là tập truyện với nhân vật chính là trẻ em, đời sống và thế giới tinh thần của các em thiếu nhi trong “Thế giới học đường” trước năm 1945. Sau gần một thế kỷ, đọc lại những trang miêu tả chân thực, chi tiết giàu hình ảnh, thấm đẫm lòng bao dung và yêu trẻ của nhà văn Tô Hoài như những tài liệu xác tín cho chúng ta muốn tìm hiểu về đời sống trẻ em, về giáo dục truyền thống của Việt Nam một thời tuy chưa xa nhưng đã nhòe nét.
Độc giả của thế kỉ 21 thật khó hình dung được lớp học của những thầy đồ chữ Hán với mực Tàu, giấy bản, bút nghiên, mài mực… hay những hình phạt trị học sinh hư như quét nhà, mài mực, quay tơ, đi lấy nước… của thầy đồ. Nhưng qua những trang viết của nhà văn Tô Hoài lại trở nên sống động, gần gũi, chân thực và thân thương. Điều này cũng lý giải vì sao những trang văn viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài lại được độc giả thiếu nhi nhiều thế hệ cả trong nước và ngoài nước yêu mến đến thế.
Truyện “Mực tàu giấy bản” kể về Cang - một cậu bé thôn quê nhút nhát, suốt ngày quanh quẩn “chơi nhễu” với đám ngan, gà, chó, vịt chính thức đóng sách, sắm sửa bút nghiên đi theo cha sang nhà thầy đồ để “ăn mày lấy đôi ba chữ thánh hiền”. Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như gia đình cậu mong đợi với biết bao chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở lớp học của thầy đồ Biền.
Tô Hoài ghi lại thế giới ấy bằng những chi tiết đắt giá chỉ trong vài chục trang truyện vừa “Mực tàu giấy bản”, cậu học trò Cang hiện lên sống động như trong một bộ phim tài liệu về phong tục tập quán và nếp sống một thời xưa cũ. Từ cách ăn mặc, cách nói năng, các lễ nghi cho thấy cách vận hành một lớp học của thầy đồ làng, tiêu biểu cho hàng nghìn lớp học kiểu như vậy ở mỗi làng quê Việt Nam.
Ngoài lớp học của thầy đồ, người đọc được Tô Hoài cho “ghé mắt” quan sát các lớp học thời Tây trên phố, lớp học “Truyền bá chữ Quốc ngữ” tổ chức buổi tối tại nhiều đình làng. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” không phải chỉ đúng với học sinh thời nay, cứ đọc “Ghẻ đặc biệt”, “Nói về cái đầu tôi”… sẽ thấy không thiếu trò gì, từ đặt biệt hiệu, “ma mới bắt nạt ma cũ”, rủ nhau trốn học, ăn dỗ quà, đánh đáo ăn tiền…
Qua tập truyện ngắn “Mực tàu giấy bản” có thể thấy, nhà văn Tô Hoài trước năm 1945 cũng không nằm ngoài đời sống văn chương đầu thế kỉ 20. Bên cạnh những truyện ngắn tả chân, với những truyện ngắn nhân vật chính là cô gái, tác phẩm của Tô Hoài bỗng trở nên thi vị lạ thường và có những truyện rất gần với không khí sáng tác của “Tự lực văn đoàn”, đó là những cô học trò trong “Nguyệt kể chuyện” hay “Lá thư rơi”... Nhưng ngay cả trong các truyện ngắn mang “tâm tình tiểu tư sản” đó, ngòi bút hiện thực sắc lém, ưa chi tiết và sống động của Tô Hoài vẫn là một nét riêng không lẫn với ai được.
Được xem là nhà văn “tả chân”, đời sống sinh hoạt, hiện thực xã hội, con người nói chung và nhân vật trẻ em nói riêng là chủ thể sáng tác thường xuyên của Tô Hoài trong suốt cuộc đời. Như một “thư kí” cần mẫn của hiện thực trong suốt cuộc đời mình, những tác phẩm có nhân vật là trẻ em và hướng về trẻ em, ở bên trẻ em như một người bạn của nhà văn, từ “Mực tàu giấy bản”, đến các truyện ngắn “U Tám”, “Ghẻ đặc biệt”, “Nói về cái đầu tôi”, “Thằng Nhó”…, dễ nhận thấy tình cảm đầy trìu mến, bao dung dành cho các em thiếu nhi của Tô Hoài. Đó có lẽ cũng chính là “cái gốc” tạo nên sức sống bền bỉ của những trang văn Tô Hoài đối với các em trong suốt hơn 80 năm qua.
Chinh phục bạn đọc thế giới
Tính đến khi tạm biệt trần thế vào ngày 6/7/2014, sau hơn 70 năm lao động nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài kỳ, tiểu thuyết, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng để lại nhiều dấu ấn với những tác phẩm mang giá trị trường tồn như “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Truyện Tây Bắc”, “Quê người”, “Quê nhà”, “Cát bụi chân ai”, “Chuyện cũ Hà Nội”...
Chỉ riêng trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi, có thể nói Tô Hoài là một nhà văn hàng đầu mà có lẽ đến nay chưa có người vượt qua. Không chỉ với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, trên hành trình hơn 70 năm cầm bút của mình, ông đã dành cho tuổi thơ những “quà tặng” đặc sắc như “Truyện Nỏ thần”, “Truyện loài vật”, “Một trăm cổ tích - Chuyện ngày xưa”, “Mẹ mìn bố mìn”, “Nhà Chử”… Vài năm trước khi qua đời, ông vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm mới là minh chứng cho nội lực viết, sức sáng tạo bền bỉ hiếm có khi ông đã ở tuổi 90.
Đã hơn 80 năm kể từ ngày bản đầu tiên (năm 1941) mang tên “Con dế mèn” được NXB Tân Dân xuất bản và một năm sau đó (1942) tập truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" ra đời, đến nay "Dế mèn phiêu lưu ký" vẫn là tác phẩm Việt Nam được tái bản nhiều lần nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhất: khoảng trên 50 lần tái bản và có khoảng 40 bản dịch đều ở các thứ tiếng thông dụng trên thế giới, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn Tô Hoài bằng chứng nhận “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” được dịch nhiều thứ tiếng nhất”.
Tại cuộc hội thảo kỷ niệm "70 năm Dế mèn phiêu lưu ký" năm 2012 do Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức, nhà văn Tô Hoài khi ấy vẫn còn minh mẫn cho biết, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế cùng những đứa trẻ trong làng. Sau đó, "Dế mèn phiêu lưu ký" đã vượt qua biên giới quốc gia đến làm bạn với thiếu nhi của khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Điều này từng khiến nhà văn Tô Hoài vui vẻ thừa nhận rằng: “Bản thân tôi cũng chưa đi được bằng ấy nước!”.
Theo một thỏa thuận hợp tác giữa NXB Kim Đồng - đơn vị được gia đình cố nhà văn Tô Hoài ủy quyền để quản lý, khai thác và phát hành toàn bộ di sản văn chương của nhà văn - với NXB Đoàn Kết (Trung Quốc), vào tháng 1/2018, tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” chính thức được xuất bản tại Trung Quốc và đến nay đã có vài lần tái bản.
Theo ghi nhận của truyền thông Trung Quốc, “Dế Mèn phiêu lưu ký” phiên bản tiếng Trung đã thực sự chinh phục được thị trường đông dân nhất thế giới này, được độc giả đánh giá là “một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc" mà họ đọc trong những năm gần đây. Tác phẩm nhận được rất nhiều lời khen ngợi trên mạng Internet Trung Quốc, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thậm chí, trên một số nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, những khách hàng mua sách đã đánh giá 5 sao cho “Dế Mèn phiêu lưu ký” và nhận xét đây là “một cuốn sách xuất sắc phải đọc" dành cho trẻ em.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-trang-van-van-am-tham-toa-sang-i737176/