Những triền núi xanh trở thành 'cần câu cơm' cho người dân Bình Gia
Giữa những triền núi xanh thẳm của huyện Bình Gia, Lạng Sơn, mô hình Hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp đang nổi lên như một giải pháp hiệu quả, bền vững trong công cuộc giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với sự liên kết sức mạnh cộng đồng và khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, các HTX lâm nghiệp tại Bình Gia đã và đang viết nên những câu chuyện thành công đầy ý nghĩa.
HTX lâm nghiệp mở cánh cửa thoát nghèo
Bình Gia vốn là huyện có diện tích đất lâm nghiệp chiếm phần lớn, đây vừa là tiềm năng, vừa là thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, người dân chủ yếu khai thác rừng tự phát, hiệu quả kinh tế thấp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Sự ra đời và phát triển của các HTX lâm nghiệp đã mang đến một hướng đi mới, bài bản và bền vững hơn.
Tiêu biểu như HTX Nông lâm nghiệp Phụ nữ thôn Nà Pái (HTX Nà Pái), xã Tân Văn, ngoài đầu tư cho chăn nuôi còn sản xuất hồi hữu cơ với diện tích trên 30 ha. Ngoài ra, HTX còn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng với diện tích trên 5 ha.
Trước đây, nhiều hộ dân thôn Nà Pái có trồng hồi nhưng theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp, sản lượng không ổn định, diện tích hồi già cỗi, thoái hóa khá lớn. Nhưng từ năm 2023, khi HTX Nà Pái đi vào hoạt động, một số hộ gia đình đã được hỗ trợ ứng dụng giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi theo hướng hữu cơ.

Hồi là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện.
Theo đó, HTX đã liên kết với một số đơn vị thực hiện hỗ trợ thành viên, người dân phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồi như: cách bón phân vi sinh, phun chế phẩm sinh học Bio, cách dọn thực bì... Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, diện tích hồi của một số hộ phát triển tốt hơn, dự kiến cho năng suất cao và hạn chế được các bệnh thán thư, rụng lá...
Theo tính toán của HTX, nếu chăm sóc đúng theo quy trình hữu cơ, trung bình mỗi năm, 2ha cho thu hơn hai tấn hoa hồi tươi, mang lại thu nhập hơn 90-100 triệu đồng/năm (tăng 70% so với khi chưa áp dụng kỹ thuật). Ngoài ra, người dân và thành viên còn có thêm thu nhập từ nguồn dược liệu và chăn nuôi nên đời sống ổn định hơn. Hiện, trung bình mỗi năm, HTX có thể xuất bán 1 vạn con vịt cổ xanh phát triển từ nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Còn tại HTX nông lâm nghiệp thông Kéo Coong, xã Tân Văn, ngoài phát triển chăn nuôi gia súc còn đầu tư phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp như mắc ca, hồi, quế, keo.
Sự ra đời của HTX giúp người dân trong thôn Kéo Coong giải quyết được nhu cầu liên kết lại để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp cận thị trường tốt hơn và chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, phát triển kinh tế rừng giúp các thành viên, hộ dân có thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/ha, tùy từng loại cây và tùy thời gian khai thác. Nếu cây càng lâu năm, sản lượng và giá trị kinh tế còn cao hơn.
Còn tại HTX Nông Lâm nghiệp Nà Làng, thị trấn Bình Gia, các thành viên HTX đã nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm trà Mộc Hồ Điệp có hương vị đặc biệt từ chính cây Mộc Hồ Điệp.
Điểm nhấn từ mô hình này là HTX đứng ra thu mua hoa và quả dạng tươi của người dân với giá 20.000 đồng/kg. Riêng đối với hoa Mộc Hồ Điệp dạng khô, HTX thu mua của người dân với giá 200.000/kg.
Đến nay, sản phẩm phẩm của HTX đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Mô hình này cũng góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho cây dược liệu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tạo việc làm, hỗ trợ giảm nghèo
Có thể thấy, các HTX lâm nghiệp tại Bình Gia hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi theo đúng nguyên tắc của mô hình HTX kiểu mới. Mô hình này đã mang lại nhiều tác động tích cực trong công tác giảm nghèo.
Trong đó, khâu liên kết sức mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất từ việc tập hợp các hộ gia đình, giúp họ cùng nhau quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và khai thác rừng được thực hiện đồng bộ, nâng cao năng suất và chất lượng gỗ, lâm sản ngoài gỗ.
Các HTX lâm nghiệp hiện cũng đứng ra ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến gỗ, nhà máy giấy, giúp người dân có đầu ra ổn định với giá cả hợp lý, tránh tình trạng bị ép giá như trước đây.
Dưới sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, các HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như keo, hồi, quế, dược liệu... Đồng thời, HTX còn cung cấp giống cây đảm bảo chất lượng, giúp tăng tỷ lệ thành công và năng suất rừng trồng.

HTX Nông Lâm nghiệp Nà Làng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX được chia sẻ một cách công bằng cho các thành viên dựa trên đóng góp của họ, tạo động lực để người dân gắn bó và phát triển rừng bền vững.
Đặc biệt, HTX lâm nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ tạo ra thu nhập từ việc bán gỗ và lâm sản mà còn tạo ra các công việc liên quan đến trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Nhiều HTX lâm nghiệp tại Bình Gia đã chứng minh được hiệu quả trong công tác giảm nghèo, trở thành những điểm sáng để nhân rộng.
Chẳng hạn như HTX Phượng Hoàng, xã Hoa Thám đã tập trung vào trồng và chăm sóc hàng nghìn cây gỗ tếch, gáo vàng xen trồng dưới tán rừng là cây ăn quả. Riêng các loại cây ăn quả của HTX được doanh nghiệp chế biến nước giải khát bao tiêu. Còn nguồn cây lâm nghiệp luôn đảm bảo chất lượng cao. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được các thu mua với giá cao, giúp các thành viên có thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo. Ngoài các thành viên, HTX còn tạo việc làm cho 10 lao động là người dân địa phương với mức thu nhập 200-300 nghìn đồng/ngày.
Hướng tới tương lai xanh
Một điều đặc biệt hiện nay là các mô hình HTX lâm nghiệp đang được khuyến khích phát triển trên địa bàn vì đây là thế mạnh của huyện.
Do đó, không chỉ tỉnh Lạng Sơn mà còn cả huyện Bình Gia đã có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông lâm nghiệp về vốn, kỹ thuật, giống cây... Và các HTX như HTX thôn Kính Coong, HTX Nà Pái… đã và đang tận dụng tốt những hỗ trợ này vào phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng ngành nghề, nâng cấp máy móc...
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đã kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, đặc biệt là phát triển mới các HTX, trong đó có HTX lâm nghiệp ở huyện. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các sáng lập viên thành lập các HTX; tổ chức tuyên truyền về Luật HTX, hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ lâm sản và các sản phẩm liên quan... Qua đó, nhiều hộ dân, sáng lập viên có thêm thông tin, kiến thức để thành lập HTX hoặc tham gia HTX.
Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Văn Đầm, thôn Thuần Như 2, xã Hoàng Văn Thụ, được hỗ trợ tham gia thực hiện mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại HTX sản xuất và dịch vụ Nông lâm nghiệp Liên Hợp, xã Hoàng Văn Thụ. Tại đây, gia đình ông được HTX và các đơn vị liên quan hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn và tư vấn nghề trồng hồi, được hỗ trợ phân bón. Nhờ đó, cây hồi phát triển tốt hơn, sai quả hơn. Hồi hữu cơ giá cao hơn, giúp người dân có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các HTX lâm nghiệp ở Bình Gia vẫn còn đối mặt với một số thách thức như thiếu vốn đầu tư ban đầu, kỹ năng quản lý còn hạn chế, và sự cạnh tranh từ thị trường. Trong khi đầu tư theo ngành lâm nghiệp đòi hỏi thời gian dài, vốn đầu tư lớn.
Do đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền thông qua các chính sách ưu đãi về vốn, khoa học kỹ thuật, và xúc tiến thương mại cho các HTX lâm nghiệp. Trong tương lai, việc phát triển các HTX lâm nghiệp theo hướng bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là chìa khóa để "cây xanh" thực sự trở thành "cần câu cơm" vững chắc cho người dân Bình Gia, góp phần kiến tạo một tương lai ấm no và thịnh vượng trên những triền núi xanh.