Thuế đối ứng của Mỹ khiến thị trường chao đảo
Tuyên bố áp thuế đối ứng toàn cầu của Tổng thống Donald Trump khiến thị trường tài chính Mỹ liên tục sụt giảm, hàng trăm tỷ USD bốc hơi.
Thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng áp lên hơn 180 đối tác thương mại.
Giá dầu thô sụt mạnh do nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang sẽ đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá vàng cũng thiết lập đỉnh mới, vượt 3.160 USD/ounce.

Thuế đối ứng của Mỹ khiến thị trường chao đảo.
Trên thị trường chứng khoán, làn sóng bán tháo ập tới ngay lập tức khiến hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.100 điểm, tương đương 2,7%. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 3,9%, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq 100 lao dốc tới 4,7%.
Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia giảm la liệt, như Nike và Apple giảm khoảng 7%. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất rơi vào các công ty kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ như Five Below giảm 14%, Dollar Tree giảm 11%, Gap giảm 8,5%... Cổ phiếu công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế bán tháo khi tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao khi Nvidia giảm 5% và Tesla giảm 7%.
Lĩnh vực công nghệ của Mỹ cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Hơn 760 tỷ USD vốn hóa của Magnificent Seven - một nhóm gồm 7 công ty công nghệ lớn bao gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla - bị bốc hơi trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Cổ phiếu của Apple, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sản xuất iPhone tại Trung Quốc, phải đối diện với mức giảm đáng kể khi chạm ngưỡng giảm 7%, trong khi Tesla giảm hơn 6%. Đây được xem là hai công ty có mức giảm mạnh nhất trong nhóm Magnificent Seven, đặc biệt khi Tesla đã gặp nhiều khó khăn sau khi tỷ phủ Elon Musk nhận vai trò tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng lao dốc, hiện được cho là ở mức thấp nhất trong 5 tháng khi giảm 14 điểm cơ bản xuống 4,04%. Các nhà đầu tư cho rằng, thuế đối ứng của ông Trump sẽ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của Mỹ.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cùng nhau lao dốc. Cụ thể, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 4%, Kospi của Hàn Quốc mất hơn 2%, trong khi ASX 200 của Australia sụt gần 2%...