Những trò chơi đong đầy kỷ niệm

Sinh ra, lớn lên ở nông thôn hay thành phố, ai cũng đều có một thời đi qua tuổi thơ. Nói đến những kỷ niệm ngọt ngào gắn liền thời thơ ấu ấy, không thể không nhắc tới các trò chơi. Đó là những ký ức đẹp, êm ái theo chân mỗi người đến suốt cuộc đời. Với thế hệ 7x cũng vậy. Chúng tôi đã có những năm tháng cùng vui đùa, cùng chơi nhiều trò chơi dân dã để rồi lớn lên nhớ mãi.

Hồi đó, đất nước vừa kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mọi thứ rất khó khăn, để vui chơi, ở vùng quê, sáng sáng, chiều chiều, bọn nhỏ ở xóm thường tụ lại, chơi đủ thứ trò, nào là nhảy ngựa, nhảy lò cò, nhảy dây, trốn tìm, bắn bi, tạt lon, kéo co, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây; nào là chơi ô ăn quan, hất dây su (dây thun) vào hình, trồng nụ, chơi chuyền (chơi nẻ)… Đây là những trò chơi dân dã rất vui, có khi được các anh chị lớn tuổi hơn cùng gia nhập nhóm chơi, truyền lại, có khi cha mẹ bày cho. Các trò chơi có ít bạn tham gia như: Chơi chuyền, ô ăn quan… thường được diễn ra ở hàng hiên hay góc sân. Nhưng cũng có trò chơi số người tham gia đông hơn như: Kéo co, chơi ù, bịt mắt bắt dê… thì chúng tôi phải chọn những khoảng đất rộng hay những đám ruộng vừa gặt xong để thoải mái vui đùa.

Một số trò chơi dân gian: Chơi chuyền, nhảy lò cò, ô ăn quan, lựa đậu. Ảnh: NHÂN TÂM

Một số trò chơi dân gian: Chơi chuyền, nhảy lò cò, ô ăn quan, lựa đậu. Ảnh: NHÂN TÂM

Hồi ấy, dây su là thứ chúng tôi rất chuộng. Trong những trò chơi có ăn thua, chúng tôi hay dùng loại dây này như một món hàng. Có đứa được cha mẹ cho tiền, mang ra chợ mua, cũng có đứa chơi thắng, dồn dây su lại, tết thành một sợi dài to như ngón chân cái người lớn với đủ màu xanh, đỏ, vàng, để rồi khi chơi mang bên người trông rất oai. Những viên bi bằng thủy tinh, ở làng quê khá hiếm, bọn con trai, nếu có được, đứa nào cũng cất cẩn thận trong túi, khi cần thì mang ra chơi.

Trong đám con gái cùng lứa với tôi ở xóm, Hoa thích chơi trồng nụ nhất. Trò này có 4 người (nếu thiếu thì 3 người chơi cũng được), chia làm 2 nhóm, gồm nhóm ngồi và nhóm nhảy. Khi chơi 2 bạn nhóm ngồi sẽ ngồi đối diện nhau, 2 chân duỗi thẳng để 2 bàn chân sát vào, rồi bàn chân người này chồng lên đỉnh bàn chân đang dựng đứng của người còn lại. Các bạn ở nhóm nhảy sẽ nhảy qua rồi lại nhảy về. Sau đó các bạn nhóm ngồi lại tiếp tục chồng 1 bàn tay lên đỉnh bàn chân của bạn mình để làm nụ cho các bạn nhóm nhảy nhảy qua. Nếu người của nhóm nhảy chạm vào nụ thì coi như bị thua, phải ngồi thay cho nhóm còn lại. Hoa thích trò này vì chân nó cao, ít khi bị chạm nụ.

Còn chơi chuyền thì phải kể tới Kim. Trò chơi này đòi hỏi phải nhanh tay, nhanh mắt, vì khi chơi vừa phải tung bóng, bắt bóng, vừa phải nhặt các que nẻ để dưới đất sao cho nhịp nhàng, đúng luật mà bóng không bị rơi. Chưa hết, từ các phần “canh”, “bó”, “rẻ”, “giã gạo”, “khẽ”, “gạt”, đến phần “chuyền”, ngoài sự linh hoạt, người chơi còn phải hát. Kim chơi giỏi, hát cũng hay, đoạn nào giọng nó cũng trong veo, nhịp nhàng: “Cái mốt, cái mai/Con trai, con hến/Con nhện chăng tơ/Quả mơ, quả mận/Cái cận, lên bàn đôi/Đôi chúng tôi/Đôi chúng nó/Đôi con chó/Đôi con mèo/Hai chèo ba/Ba đi xa/Ba về gần/Ba luống cần/Một lên tư/Tư củ từ/Tư củ tỏi/Hai hỏi năm/Năm em nằm/Năm lên sáu…”.

Không chỉ chơi trong những khi rảnh rỗi vào ban ngày, có khi tối đến, một số đứa trong xóm cũng rủ nhau tổ chức trò chơi nào đó. Có lần, vào một đêm trăng, tôi và mấy đứa nữa hẹn nhau tụ lại ở sân nhà thím Tư nơi đầu xóm để chơi trốn tìm. Trong nhóm có bé Hồng, mới bảy tuổi cứ đòi tham gia. Đang chơi say sưa, bất ngờ chúng tôi nghe tiếng bé khóc thét lên ở chỗ đống rơm dưới chân cây mít. Chúng tôi chạy tới mới hay bé Hồng đang trốn ngay trên một ổ kiến lửa, nên vội vàng đưa bé vào nhà rửa chân, bôi dầu. Lần ấy, mấy đứa lớn tuổi trong nhóm bị thím Tư la cho một trận, nhưng không đứa nào dám cãi mà lặng lẽ rút êm.

Có chuyện nữa làm tôi nhớ hoài. Một lần, ở sân đình, thấy mấy đứa con trai chơi nhảy ngựa, tôi cũng đòi chơi, mặc dù đây không phải trò dành cho con gái. Để chơi trò này, một người sẽ cúi lom khom để người kia từ phía sau vịn hai tay vào lưng, nhảy qua đầu. Rồi cứ thế, người vừa được nhảy sẽ cúi xuống làm ngựa. Vì tưởng dễ, lại ham vui, nên khi chơi, tôi nhún người nhảy mạnh quá, bị té nhào, đầu chúi xuống đất, trán bị sưng một cục. Về nhà, tôi bị cha mẹ la cho một trận, con gái mà cũng chơi nhảy ngựa!

Như nhiều trường tại các vùng quê khác, ngôi trường cấp 1 và 2 ở xã tôi hồi đó có sân rất rộng, lại được trồng nhiều cây xanh. Trong giờ ra chơi, học sinh từng nhóm túm tụ lại để chơi trò mình thích. Chỗ này con gái nhảy dây, chơi thảy sỏi, chỗ kia con trai bắn bi, nhảy lò cò… Nhiều bữa trưa, chúng tôi còn rủ nhau đến sớm để tranh thủ chơi trước khi vào học. Một lần, trong lớp có nhóm bạn chơi bịt mắt bắt dê. Trong khi Tuấn - người bị bịt khăn đang huơ hai tay tìm người để bắt thì bất ngờ cô giáo chủ nhiệm tới gần. Thấy chúng tôi đang vui, cô ra hiệu im lặng, bảo đừng cho Tuấn biết cô đến. Không ngờ Tuấn tới gần, đụng cô nên vội ôm lấy cô, mừng rỡ hét to “bắt được dê rồi! bắt được dê rồi!” làm cho ai nấy cười ồ. Mở khăn bịt mắt, Tuấn tái mặt, xin lỗi rối rít vì sợ. Nhưng cô chủ nhiệm chẳng nói gì, chỉ cười, rồi bảo chúng tôi chơi tiếp…

Ngày nay, cuộc sống phát triển với sự ra đời của vô số thiết bị điện tử cùng nhiều loại trò chơi hiện đại khác nhau. Tuy vậy, với chúng tôi mỗi lần ngồi ôn lại chuyện xưa cũ, ai cũng nhớ tới những kỷ niệm về các trò chơi dân dã đã gắn bó với mình. Đó là một trong những mạch nguồn ngọt ngào, lung linh sắc màu nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

MINH HUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202406/nhung-tro-choi-dong-day-ky-niem-11c2c7b/