Những trường hợp sống sót kỳ diệu trong thảm họa động đất

Bất chấp sự tàn phá kinh hoàng của động đất, những trường hợp dưới đây đã minh chứng cho khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc của con người trong thảm họa.

Người phụ nữ sống sót sau 60 giờ bị chôn vùi ở Myanmar

Video: Myanmar Fire Services Department/The Guardian

Theo báo Guardian, lực lượng cứu hộ ngày 31/3 đã giải cứu một phụ nữ Myanmar bị mắc kẹt gần 60 tiếng đồng hồ dưới đống đổ nát của một tòa khách sạn bị đổ sập trong động đất. Câu chuyện của cô đã làm các đội cứu hộ dấy lên hy vọng về khả năng vẫn có nhiều nạn nhân còn sống, đang bị đất đá chôn vùi sau thảm họa động đất hôm 28/3.

Được biết, các nhân viên cứu hộ đã mất khoảng 5 giờ để giải cứu thành công người phụ nữ nói trên. Theo số liệu thống kê tới sáng 1/4 của CNN, số người thiệt mạng do động đất ở Myanmar đã lên tới hơn 2.000 trường hợp và 3.900 người bị thương.

Người phụ nữ được giải cứu. Ảnh: Myanmar Fire Services Department/The Guardian

Chuyện thoát chết trong gang tấc của cô bé Trung Quốc

Đối với Li Qingqing, một cư dân ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 12/5/2008 mãi là thời điểm cô sẽ không bao giờ quên vì đó là ngày cô đã mất tất cả.

Trang Unicef.cn dẫn lời Li kể: “Hôm đó, sau giờ nghỉ trưa, em và các bạn cùng lớp đang trong tiết học. Bất ngờ, cả tòa nhà rung chuyển dữ dội. Một số bạn học của em hét lên rằng: "Động đất rồi, mau chạy đi. Giáo viên của chúng em là thầy Li nhanh chóng yêu cầu tất cả rời khỏi lớp học. Lúc đó, em cũng chạy thục mạng. Chỉ trong vài giây, cả tòa nhà đổ sập, chôn vùi thầy giáo cùng các bạn học của em. Khi chứng kiến điều đó, toàn thân em tê liệt vì sốc".

“Em bất chợt nhận ra mọi thứ đều mất đi, các thầy cô và bạn bè… Em được đưa đến sân chơi, nhìn đống đổ nát và than khóc. Một số bạn học còn sống sót đến an ủi, nhưng em không nghe thấy gì nữa. Đêm xuống và chúng em ngủ trên sân chơi. Em không thể ngủ được vì tâm trí cứ nghĩ đến những người đã chết. Các cơn dư chấn lại xảy ra. Đây thực sự là một đêm dài. Em đã mất đi ngôi nhà cùng gia đình thân yêu của mình và trở thành đứa trẻ mồ côi chỉ trong một ngày. Em đã mất tất cả mọi thứ”, Li buồn bã nói.

Một phụ huynh nắm lấy tay đứa con đã chết do động đất năm 2008. Ảnh: China Daily

Một phụ huynh nắm lấy tay đứa con đã chết do động đất năm 2008. Ảnh: China Daily

Theo lời kể của một giáo viên, có khoảng 3.000 học sinh có mặt trong ngôi trường khi động đất xảy ra, nhưng chưa đến 200 học sinh chạy thoát trước khi cả ngôi trường đổ sập.

Bé sơ sinh sống sót "thần kỳ" giữa thảm họa động đất ở Syria

Video: NBC News

CBS News cho biết, bé Aya (tiếng Ảrập có nghĩa là phép lạ, phép màu) là thành viên duy nhất còn sống của một gia đình ở tỉnh Aleppo, Syria, khi thảm họa động đất xảy ra tại nơi này hồi tháng 2/2023.

Khi động đất xảy ra, cô bé lúc đó vẫn nằm trong bụng mẹ. Lúc căn nhà của gia đình Aya đổ sập, cha mẹ và 4 anh chị của bé đều bị đất đá chôn vùi. Mặc cho việc bản thân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và bị thương, người mẹ vẫn cố sinh em ra để trao cho con gái một cơ hội sống.

Do kiệt sức và bị thương nên mẹ của Aya đã qua đời ngay sau khi sinh con. Một vài giờ sau, các nhân viên cứu hộ tới hiện trường và phát hiện Aya nằm thoi thóp bên dưới đống đổ nát, trên người dính đầy bụi đất và dây rốn vẫn nối với thi thể người mẹ. Nhờ có những nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhân viên cứu hộ đã giải cứu thành công cô bé.

Theo báo Guardian, sau khi Aya xuất viện, em đã được người thân là ông Salah al-Badran nhận nuôi.

Thiếu niên Nhật Bản cùng bà cầm cự 9 ngày giữa thảm họa động đất

Jin Abe, 16 tuổi cùng bà của cậu là Sumi Abe đã cầm cự suốt 9 ngày khi bị mắc kẹt trong nhà giữa lúc thảm họa động đất và sóng thần tàn phá tỉnh Miyagi, Nhật Bản vào tháng 3/2011. Một phần ngôi nhà của bà cháu Jin lúc đó đã bị thiên tai phá hủy.

Khi được các đơn vị cứu hộ giải cứu, tình trạng sức khỏe của Jin và bà Sumi đã suy kiệt, dù tinh thần vẫn tỉnh táo. Theo lời kể của Jin, hai bà cháu đã sống sót nhờ số lương thực tích trữ trong nhà.

Jin Abe khi được các nhân viên cứu hộ giải cứu hôm 20/3/2011. Ảnh: Asahi Shimbun

Jin Abe khi được các nhân viên cứu hộ giải cứu hôm 20/3/2011. Ảnh: Asahi Shimbun

Trong cuộc họp báo ngày 22/9/2024, Jin bộc bạch, suốt nhiều năm qua, cậu không muốn công chúng Nhật Bản chú ý tới mình vì mặc cảm.

“Tôi không muốn gây ra sự chú ý. Nếu khi đó tôi khôn ngoan hơn và tuân theo các cảnh báo sóng thần để đi sơ tán, cái mọi người gọi là ‘cuộc giải cứu kỳ diệu’ đã không phải xảy ra. Tôi luôn cảm thấy đau khổ vì bản thân không tuân theo các cảnh báo thảm họa, nhưng vẫn được ca ngợi như một anh hùng”, Jin nói.

Jin Abe trong cuộc họp báo ngày 22/9/2024. Ảnh: Asahi.com

Jin Abe trong cuộc họp báo ngày 22/9/2024. Ảnh: Asahi.com

Tuy nhiên, theo lời ông Naoto Takeuchi, giám đốc Sở cảnh sát tỉnh Miyagi, khi thảm họa động đất xảy ra, chính cuộc giải cứu Jin và bà của cậu đã thắp lên niềm hy vọng cho các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót.

“Khi đó, một bầu không khí u ám đè nặng lên chúng tôi, bởi chúng tôi không biết mình còn phải thu thập bao nhiêu thi thể người chết vì thảm họa. Do vậy, cuộc giải cứu Jin Abe và bà của cậu mang lại ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Điều đó giống như ‘soi sáng vào bóng tối’ đang nhấn chìm chúng tôi, khiến chúng tôi nỗ lực hơn”, ông Naoto bày tỏ.

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-truong-hop-song-sot-ky-dieu-trong-tham-hoa-dong-dat-2386549.html