Những tượng bồ tát 'siêu đẹp' tại Chùa Thiên Phúc
Nằm cạnh quần thể di tích Tam Chúc, nhưng sẽ ít người biết đến chùa Thiên Phúc, một ngôi chùa nhỏ xinh đẹp, một không gian thanh bình với những tượng bồ tát đẹp như tranh vẽ.
Chùa Thiên Phúc - Thị Trấn Ba sao, huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam
Chùa Thiên Phúc tọa lạc trên một ngọn núi nhỏ, tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.
Bước vào khuôn viên rộng rãi và thoáng đãng ở sân chùa, hàng chục bức tượng đá trắng tạc các vị bồ tát tọa lạc quanh sân cho ta được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.
Hang đá và những bức tượng lớn nhỏ xếp hàng lên đến tận đỉnh núi.
Từ cổng chính bước vào, du khách như lạc vào một thế giới yên lành khi đứng trên một khoảng sân rộng lớn, với những bức tượng bồ tát ngồi bình yên, khuôn mặt đẹp đẽ như những vị tiên đồng và mỗi bức tượng như dẫn du khách đi qua những chặng đường cuộc sống an lạc, ý nghĩa.
Mỗi bức tượng đá tạc hình Quán âm bồ tát với dáng ngồi riêng, phong thái riêng, hạnh nguyện riêng. Nhưng tất cả các vị bồ tát đều mang tới tình thương yêu vô hạn cho chúng sinh.
Theo ghi chép tích xưa truyền lại tại Ba Sao, một số bia ký còn lưu lại tại chùa Cốc (tên cổ của Chùa Thiên Phúc) có ghi: Ba Sao xưa kia là nơi thâm sâu cùng cốc, rừng thiên nước độc, có nhiều thú dữ, cây cối rậm rạp cũng là khu rừng có rất nhiều loài thuốc nam quý giá, có nhiều cây quý hiếm để người dân khắp khu vực vào rừng lấy thuốc về cứu sống nhiều người. Tương truyền rằng khi người dân vào rừng lấy thuốc gặp thú dữ và nhiều điều không may.
Tại khu chùa Cốc trước đây là cửa rừng, tất cả người dân đi vào rừng đều phải đi ngang qua lối này, và người dân đều phải vào đây thắp hương lên vách núi khấn vái Phật trời cầu cho được bình yên tai qua nạn khỏi.
Năm 1480, có Ngài Tả Ao là vị đại danh tiếng về phong thủy, đi qua thấy người dân nô nức khấn lễ trước khi vào rừng. Ngài dừng lại và thấy quả đồi này rất vượng khí, Ngài đã về tâu với vua Lê Thánh Tông cho xây chùa thờ Phật và thờ Chúa Sơn lâm, đặt tên chùa là Thiên Phúc (có nghĩa là phúc của trời ban cho muôn dân) và thỉnh mời các vị Thiền Sư về trụ trì cầu nguyện cho nhân dân.
Từ đó về sau toàn khu vực được mưa thuận gió hòa, nhân dân được bình an khi vào rừng lấy thuốc về cứu người.
Nét thanh bình, cổ kính, yên lành trong không gian Chùa Thiên Phúc.
Nghệ thuật chạm hình nét và trang trí tuyệt đẹp trong các vật dụng tại Chùa Thiên Phúc.
Chùa Thiên Phúc - nơi lưu giữ những tác phẩm chạm hình - chạm trái tim
Đến với Chùa Thiên Phúc hôm nay, được ngắm nhìn những nét chạm đường cong, trang trí hoa văn tuyệt đẹp nơi mái đình, tường cổ, và những bức tượng bồ tát tuyệt mỹ, ta biết ơn những người đã tạo ra những tác phẩm chạm hình - chạm trái tim. Đó cũng là vẻ đẹp lao động của con người được thể hiện qua những đôi bàn tay vàng của người thợ.
Viếng thăm chùa trong những ngày đầu năm cho ta cảm giác thư thái, an nhiên. Cùng với nhiều phong tục mang nét đẹp văn hóa cổ truyền của Việt Nam, phong tục đi lễ chùa ngày đầu năm mới luôn được nhiều người dân Việt Nam trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Đến với Chùa Thiên Phúc trong ngày đầu năm mới, chúng ta được viếng thăm một chốn thiêng cửa Phật, để lòng trở nên nhẹ nhàng, mọi phiền lo cũng lùi về chốn khác, cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp, yêu thương và cùng nhận những phước lành cho năm mới.