Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 51)
Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khí hậu khắc nghiệt và còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn 1 CANDVT Lai Châu (sau này tách ra thành Đồn CANDVT Sì Lờ Lầu và Đồn CANDVT Dào San - nay là Đồn Biên phòng Dào San) luôn đoàn kết, dũng cảm, phối hợp tốt với chính quyền và đồng bào các dân tộc trong địa bàn chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Máu đào các anh đổ xuống đã góp phần tô thắm cho một vùng biên giới Phong Thổ khởi sắc như ngày hôm nay...
“Nhổ cỏ” làm trong sạch địa bàn biên giới
Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khu vực Dào San được xây dựng khang trang ở vị trí trung tâm của xã biên giới Dào San. Do được xây dựng ở một quả đồi có độ cao vừa phải, cảnh quan xung quanh khá sinh động lại trồng nhiều loại cây đẹp nên nơi đây trở thành điểm vui chơi tham quan của rất nhiều học sinh và người dân xung quanh, nhất là các bạn trẻ. Từ dưới đường lên khu nhà tưởng niệm là một nhánh đường dẫn được lát bằng đá hoa cương, rộng tầm 10m và cao 52 bậc. Xung quanh được trồng 52 cây hoa đào. “Số 52 là tượng trưng cho 52 Anh hùng, liệt sĩ (gồm của Đồn Biên phòng Dào San và các đơn vị khác) đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ nhân dân ở khu vực này” - Thiếu tá Đinh Danh Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San cho biết.
Năm nay 85 tuổi, Trung tá Nguyễn Thanh Luận, cựu chiến sĩ Đồn 1 nhớ lại: Trước chiến tranh năm 1979, Đồn 1 được giao phụ trách địa bàn 8 xã, gồm Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Ma Ly Chải và Sì Lở Lầu. Tuy trang bị còn thô sơ, thiếu thốn mọi mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi, hẻo lánh, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt..., nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương lập phòng tuyến chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Địa bàn đơn vị quản lý khá phức tạp về an ninh chính trị bởi vẫn còn nhiều đối tượng ngụy, phỉ, những phần tử trong các tổ chức phản động. Vì vậy, để góp phần ổn định địa bàn, Đồn 1 đã phối hợp với công an, chính quyền vận động quần chúng tố giác các phần tử nguy hiểm. Cùng với đó là xây dựng, củng cố phong trào bảo vệ trị an và giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân.
Ở xã Dào San, có nhóm phản động - gián điệp do các tên Lừu Vần Chinh, Lừu Chí Xèng, Tính Cồ Lùng cầm đầu dưới sự hậu thuẫn của địch nên ngày 17/2/1979, khi địch đánh vào Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, bọn phản động ở Dào San đã phân công nhau đi đón và dẫn đường cho địch đánh vào các chốt CANDVT, giết cán bộ địa phương. Cùng với đó, chúng còn xin súng đạn, vũ khí để chuẩn bị nổi loạn cướp chính quyền. “Nếu không bắt được bọn đó thì sẽ rất nguy hiểm, tổn thất khó lường. Chính vì vậy, ngay trước khi chiến tranh xảy ra, Công an và du kích đã tiến hành chiến dịch “nhổ cỏ” để làm trong sạch địa bàn” - cựu chiến binh Nguyễn Thanh Luận kể.
Dũng cảm, mưu trí chiến đấu bảo vệ biên giới
Theo cuốn biên niên sử Đồn Biên phòng Dào San, trước khi chiến tranh xảy ra, địch đã nhiều lần tiến hành các hoạt động khiêu khích, xâm nhập qua biên giới, tấn công các lực lượng vũ trang của ta. Điển hình như ngày 6/2/1979, chúng cho 2 đại đội bất ngờ tập kích vào Chốt Lùng Than (đóng ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ). Chúng đã bắn chết 3 chiến sĩ ta, trong đó có Thiếu úy Hoàng Văn Bài, sinh năm 1945, quê ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
“Khi tấn công các đồn CANDVT, ý đồ của chúng là bí mật cơ động vào các vị trí trọng yếu như nhà chỉ huy, kho đạn, hầm hào công sự chiến đấu nhằm tiêu diệt lực lượng của ta nhanh nhất và ít tiêu tốn nhân lực, vật lực. Nhưng do ý thức cảnh giác cao độ nên ta đã phát hiện và ngăn chặn âm mưu của chúng. Theo đó, khoảng 3 giờ sáng ngày 17/2/1979, địch đã cho bộ binh bí mật vượt qua biên giới xâm nhập vào đất Lai Châu. Trong khi đi tuần tra ở khu vực biên giới, tổ công tác gồm 2 chiến sĩ của Đồn 1 đã phát hiện nên nổ súng tiêu diệt 2 tên, đập tan yếu tố bất ngờ của chúng” - Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Luận nhớ lại.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, địch huy động gần 2 sư đoàn quân chủ lực, hàng vạn dân binh và xe tăng, chia làm 2 mũi tiến vào đánh chiếm huyện lỵ Phong Thổ (lúc bấy giờ nằm ở xã Mường So). Trong đó, mũi thứ 2 tấn công các xã: Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải và Dào San. Khi tấn công Đồn 1, chúng dùng cối 82mm bắn dữ dội vào trận địa rồi cho bộ binh tràn lên. Mặc dù địch đông hơn ta nhiều lần, song nhờ sự chi viện của các đơn vị như Đồn 33, Đồn 243, Đại đội 5 cơ động, dưới sự chỉ huy của Đồn trưởng Hoàng Đức Luân, cán bộ, chiến sĩ Đồn 1 đã kiên cường bám trận địa, lợi dụng giao thông hào cơ động, linh hoạt chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt hàng trăm tên...
Ngày 6/3/1979, chúng tập trung lực lượng chia thành 2 mũi đánh lên Sì Phài và Dào San. Ông Sùng A Sang (63 tuổi, dân tộc Mông, nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phong Thổ) cho biết: 3 ngày trước khi địch đánh chiếm huyện lỵ Phong Thổ, các tên đầu sỏ của bọn phản động đã bị CANDVT phối hợp với du kích địa phương bắt giữ. Chính vì vậy, khi từ Phong Thổ đánh ngược lên biên giới Dào San, địch lúng túng như “gà mắc tóc” vì toàn bộ tổ chức phản cách mạng này đã bị tóm gọn.
Tại Dào San, địch vấp phải sự đánh trả quyết liệt, chiến đấu dũng cảm, kiên cường của các đơn vị thuộc CANDVT Lai Châu và dân quân xã Dào San. Do quân địch quá đông, trong khi đạn dần cạn kiệt, nên ta đã phải đánh giáp lá cà với địch gần 1 tiếng đồng hồ, sau đó mở được đường máu rút vào rừng bảo toàn lực lượng. Trong trận này, Đồn 1 và Đại đội 5 cơ động đã tiêu diệt được trên 350 tên.
Mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đồn, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, Đồn 1 đã có 22 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị mất tích và 25 đồng chí bị thương.
Gương chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ Đồn 1 đã để lại cho quân và dân Lai Châu hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CANDVT quả cảm, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bài 52: Đám cưới cho liệt sĩ