Những tỷ phú nông sản sạch

Thông tin huyện Kim Thành (Hải Dương), năm 2023 có trên 600 hộ đạt danh hiệu 'tỷ phú' nông dân, trong đó đa phần các hộ bứt phá đi lên từ nông sản sạch thôi thúc tôi phải 'tận mục sở thị' tìm hiểu cách làm của những nông dân nơi đây.

Nhà lưới trồng nông sản sạch của anh Bùi Văn Duy, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương).

Nhà lưới trồng nông sản sạch của anh Bùi Văn Duy, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương).

Tôi về huyện Kim Thành để được gặp những nông dân được vinh danh “tỷ phú” nông dân năm 2023. Anh Phạm Văn Toán - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành hẹn tôi tại biển báo thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên, rồi dẫn tôi đến thăm gia đình một số "tỷ phú".

Trên đường thôn “láng cóng”, hai bên rợp màu hoa tím, cánh đồng hoa màu đang vào mùa đơm hoa, kết trái... đoạn đường khoảng vài trăm mét từ Quốc lộ 5, đến mô hình nông sản sạch đầu tiên của huyện Kim Thành, theo anh Toán, đây chính là “điểm nhấn” động lực cho nhiều hộ gia đình đổi nghề “ngoạn mục” làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng bàn tay, khối óc… phát triển xanh, sạch, bền vững.

Đến cổng, chúng tôi “choáng” bởi cơ ngơi nhà lưới trồng đủ các loại cây và ông chủ còn rất trẻ (sinh năm 1989) là Bùi Văn Duy. Duy dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà lưới và trò chuyện: Tôi học Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, “bén duyên” nghề nông được gần 5 năm. Khu nhà lưới diện tích 2ha đầu tư với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Bên hàng ớt chuông xanh mướt, quả đều tăm tắp, tròn mũm, Duy nhẹ nhàng lật từng chiếc lá kiểm tra, giới thiệu loại quả được thị trường ưa chuộng, chín có thể ăn ngay và dùng để xào nấu. Với giá hiện xuất bán tại vườn từ 40 - 45 nghìn đồng/kg, một vụ ớt chuông trong thời gian 3 tháng cho thu lãi 120 - 150 triệu đồng/sào.

Trong từng nhà lưới trồng các loại cây: Dưa lưới trổ hoa vàng, cà chua chi chít quả, dưa leo hoa đang nhú... Bên mỗi luống cây được điểm bằng hàng giấy đỏ, vàng, xanh… để “bẫy” côn trùng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuấn Việt Phạm Văn Điều mời cả đoàn đi tiếp đến mô hình nông sản thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm của anh thợ cơ khí đổi nghề. Cơ sở này chỉ cách chỗ Duy khoảng 700m, nằm bao quanh bạt ngàn chuối, sắn dây và cau. Đón chúng tôi, anh Hoàng Văn Dục hồ hởi: Các sản phẩm ở đây đều đã được đăng ký chất lượng sản phẩm VietGap và OCOP nên gia đình đều tuân thủ và giữ chữ tín.

Song để có thành quả như hôm nay, ít ai biết, khi chuyển hướng đổi nghề các “tỷ phú” đã phải trả giá ra sao. Anh Duy chia sẻ do còn non kinh nghiệm và chưa tìm ra cách chăm sóc, trồng các loại cây “khó tính”. Những vụ đầu khi khởi nghiệp vào năm 2020, 2021, cây trồng bị sâu bọ phá hoại, các cây sinh trưởng không đều cây tốt, cây xấu…

Còn câu chuyện sơ dừa để làm nguyên liệu trồng cây cũng lắm công phu, anh Hoàng Văn Dục cho hay: Để trồng được 5.000m2 nông sản, anh phải thu gom vỏ dừa ở các cơ sở bán nước dừa khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… xong về dùng máy nghiền nhỏ và ngâm ủ cho hết chát. Sơ dừa đã giúp cho các hộ trồng nông sản gối vụ không lo sâu bệnh.

Vui mừng chia sẻ về kết quả mà các hộ nông dân đạt được, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành thông tin: Tính theo mức thu nhập sau khi trừ chi phí có 666 hộ cho thu nhập năm 2023 từ 1 tỷ đồng/hộ trở lên; 1.520 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/hộ; 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/hộ... huyện đã giảm được 152 hộ nghèo. Đa số các hộ “tỷ phú” đều phát triển trồng nông sản sạch.

ĐÔNG BẮC

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-ty-phu-nong-san-sach-10268563.html