Những ưu, nhược điểm khi làm cảng biển ở Cần Giờ

Theo chuyên gia, khi TP.HCM muốn xây dựng cảng biển ở huyện Cần Giờ thì cần nghiên cứu kỹ về quy hoạch vị trí, luồng, tuyến và mối tương quan của vùng đô thị.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP, góp ý kiến về quy hoạch phát triển cảng biển TP trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở này phân tích về ưu, nhược điểm của bốn vị trí được đề xuất làm cảng biển ở huyện Cần Giờ.

Sở GTVT đề xuất nghiên cứu ba vị trí

Theo đó, Sở GTVT có ý kiến đối với báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam của Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn). Cụ thể, công ty này đã lập, dự kiến bổ sung quy hoạch cảng container, tổng hợp, hàng rời tại bốn vị trí trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Vị trí thứ nhất là khu vực tiếp giáp sông Lòng Tàu (xã Bình Khánh), dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 250 ha, có thể đón tàu 30.000-50.000 DWT. Sở GTVT đánh giá vị trí này có thể kết nối giao thông thuận lợi với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nên có khả năng xem xét, nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng biển. Tuy nhiên, sở này cho rằng cần nghiên cứu diện tích khu dịch vụ phía sau cầu cảng.

Vị trí thứ hai là khu vực giáp sông Lòng Tàu (thuộc xã Thạnh An), dự kiến quy hoạch cảng biển với quy mô 50 ha, có thể đón tàu đến 100.000 DWT, nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, vị trí này không có quy hoạch giao thông kết nối đường bộ nên đề xuất không nghiên cứu.

Vị trí thứ ba là khu vực tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (thuộc xã Long Hòa), dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 150 ha, có thể đón tàu đến 150.000 DWT, nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Theo đánh giá của Sở GTVT, vị trí này sẽ kết nối giao thông vào tuyến đường Rừng Sác. Đặc biệt, vị trí này nằm tại cửa biển, tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn và tiếp nhận được tàu khách quốc tế. Theo đó, sở này cho rằng khi làm cảng biển thì cần nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy, hạn chế tối đa vận chuyển đường bộ. Đồng thời, sở đề xuất cần lấy ý kiến Bộ TN&MT đối với quy hoạch vì vị trí này nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Cuối cùng là vị trí tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải (thuộc địa phận Cù Lao Ông Chó), dự kiến quy hoạch cảng biển chuyên dụng với quy mô 100 ha, có thể đón tàu đến 200.000 DWT.

Đối với vị trí này, Sở GTVT phân tích tuy không có quy hoạch giao thông đường bộ kết nối vào cảng nhưng do nằm tại cửa biển giáp với tuyến luồng hàng hải quan trọng là tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải và luồng Sài Gòn - Vũng Tàu nên có thể tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn. Do đó, khu vực này nên nghiên cứu quy hoạch cảng biển chuyên dụng và thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa.

Một bến dân sinh khu vực tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Ảnh: LINH PHƯƠNG

Một bến dân sinh khu vực tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Ảnh: LINH PHƯƠNG

Cần tìm hiểu năng lực và vị trí làm cảng

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt đường thủy), nhận định TP đang định hướng phát triển huyện Cần Giờ thành một đô thị mới ven biển nên dĩ nhiên khu vực này rất cần cảng biển.

“Việc xây dựng các cảng biển ở huyện Cần Giờ sẽ đưa Cần Giờ thành một nơi liên kết vùng và kết nối vận tải hành khách, hàng hóa giữa các khu vực như TP Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây. Cơ quan chức năng có tính toán, quy hoạch các cảng biển là rất tốt, tuy nhiên quan trọng vẫn là năng lực và các vị trí để làm” - ông Toản nói.

Ông Toản cho rằng các xã thuộc địa bàn huyện Cần Giờ tiếp giáp với biển đều có nhu cầu sử dụng cảng biển. Điển hình như xã đảo Thạnh An, hiện nay người dân chủ yếu dùng cảng tự phát; khu vực các xã Bình Khánh, Long Hòa đều có bến dân sinh người dân đã sử dụng từ nhiều năm nay.

Do đó, theo ông Toản, việc xây dựng cảng biển cần thuận theo lẽ tự nhiên như vị trí, địa hình, luồng tuyến… Từ đó, cơ quan chức năng có những tính toán khoa học theo điều kiện, đặc điểm của từng vị trí để làm cảng biển. Mục đích đáp ứng đúng, đủ về nhu cầu dân sinh, kinh tế - xã hội, yếu tố thẩm mỹ và phát triển bền vững.

Ông Toản cho biết thêm các yếu tố như giao thông kết nối, cảng biển, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch cấp nước, cấp điện… cũng góp phần rất lớn để phát triển huyện Cần Giờ hiện nay. Càng phong phú, càng đa dạng hóa mô hình thì càng kích thích tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, lại cho rằng quy hoạch cảng biển phải đặt trong tương quan của vùng đô thị.

Theo ông Nam Sơn, hiện nay khu vực miền Nam có cảng biển Thị Vải - Cái Mép (cảng biển lớn nhất miền Nam) chưa sử dụng hết công suất nên nếu xây dựng thêm cảng biển Cần Giờ là chưa phù hợp, gây lãng phí. Do đó, ngành chức năng nên có tầm nhìn vùng, không quan trọng là cảng của ai mà quan trọng là hạ tầng sẵn có nên tận dụng hết công suất.

Vì vậy, theo kiến trúc sư Nam Sơn, trước mắt nên làm những hạ tầng bức thiết của TP như nâng cấp cảng Cát Lái, cảng Trường Thọ để phục vụ hiệu quả ngành logistics.

Nghiên cứu phát triển cảng phía nam, tây nam TP

UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT nghiên cứu phát triển mạng lưới đường thủy và cảng, bến về phía nam, tây nam TP (khu vực các huyện Củ Chi, Bình Chánh...) để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tình hình mới hiện nay.

UBND TP ưu tiên đầu tư phát triển các cảng, nâng cấp các bến thành cảng mang tính hiện đại, đa chức năng, kết hợp với các mô hình dịch vụ tiện ích phụ trợ để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Đồng thời, TP cũng đa dạng hóa loại hình phương tiện giao thông, phục vụ hoạt động du lịch và vận tải hành khách bằng đường thủy, liên kết vùng với các tỉnh lân cận bằng đường thủy; định hướng quy hoạch một số vùng ngập nước tự nhiên để giữ chức năng tiêu thoát nước của TP.

LINH PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/nhung-uu-nhuoc-diem-khi-lam-cang-bien-o-can-gio-940699.html