Những ưu tiên của Trung Quốc trong năm 2024
Củng cố tăng trưởng và việc làm, đổi mới khoa học công nghệ, tận dụng 'nền kinh tế bạc' (phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng già), tăng cạnh tranh cho thương hiệu nội địa, bảo đảm an ninh lương thực, là những ưu tiên mà Trung Quốc đặt ra cho năm 2024.
Hồi đầu tuần qua, hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên ở Bắc Kinh đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được sự phục hồi với những tiến bộ vững chắc về phát triển chất lượng cao trong năm 2023, nhưng vẫn còn một số khó khăn và thách thức cần phải vượt qua để tiếp tục vực dậy nền kinh tế. Hội nghị đã vạch ra những nhiệm vụ ưu tiên dưới đây:
Củng cố tăng trưởng và việc làm
Về công tác kinh tế năm sau, hội nghị kêu gọi củng cố sự ổn định thông qua tiến bộ, xây dựng cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ. Hội nghị yêu cầu đưa ra nhiều chính sách hơn để giúp ổn định kỳ vọng, củng cố tăng trưởng và việc làm, cũng như nỗ lực tích cực nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế
Nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ phải linh hoạt, phù hợp, chính xác và hiệu quả, hội nghị kêu gọi hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh và các lĩnh vực khác, đồng thời duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ ở mức độ hợp lý và cân đối.
Ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cho biết PBoC sẽ giữ lãi suất ở mức phù hợp và đảm bảo chi phí tài chính của nền kinh tế thực giảm đều đặn. Ông nói rằng PBoC cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho các chiến lược quốc gia lớn, các lĩnh vực trọng điểm và các liên kết yếu, đồng thời tận dụng tối đa các công cụ chính sách tiền tệ để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng như đổi mới khoa học và công nghệ.
Đổi mới khoa học công nghệ
Hội nghị kêu gọi thúc đẩy đổi mới công nghiệp thông qua đổi mới khoa học công nghệ và đặc biệt là tạo ra các ngành công nghiệp, mô hình và động lực mới bằng các công nghệ đột phá và tiên tiến.
Hội nghị nhấn mạnh cần nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược bao gồm sản xuất sinh học, công nghiệp vũ trụ thương mại, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho các ngành công nghiệp trong tương lai như công nghệ lượng tử và khoa học đời sống. Giới lãnh đạo Trung Quốc coi những lĩnh vực này là nguồn tăng trưởng kinh tế mới.
Lập trường trên được đưa ra sau khi các cơ quan không gian của Trung Quốc cho biết trong tháng này cảnh báo thành công của Công ty công nghệ không gian SpaceX (Mỹ) của tỉ phú Elon Musk đặt ra một “thách thức chưa từng có”.
“Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong các nghiên cứu và phát triển liên quan, nhưng việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân lại là một câu chuyện khác”, Wu Xinjian, giám đốc một vườn ươm và tư vấn công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải, bình luận.
Tận dụng cơ hội của “nền kinh tế bạc”
Hội nghị công tác kinh tế trung ương đề cập đến “nền kinh tế bạc” khi giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách biến những thách thức về nhân khẩu học (dân số già hóa) thành cơ hội để củng cố nền kinh tế. Tính đến năm 2023, Trung Quốc có 209,78 triệu người từ 65 tuổi trở lên vào năm ngoái, chiếm 14,9% dân số. Không giống như năm ngoái, khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ chống lại tình trạng già hóa và tỷ lệ sinh thấp, giờ đây, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng cao.
Justin Lin, giáo sư kinh tế nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh và là cố vấn kỳ cựu của chính phủ, nói rằng sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc là cơ hội để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và nhu cầu tiêu dùng.
Thúc đẩy doanh số của các thương hiệu nội địa
Hội nghị xem các nỗ lực thúc đẩy doanh số của các thương hiệu nội địa mới và có tính cạnh tranh là một trong những động lực tăng trưởng cho năm tới. Bắc Kinh tin rằng sức chi tiêu của 1,4 tỉ người tiêu dùng có thể vực dậy tăng tưởng.
Nhiều công ty Trung Quốc hiện nay có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng với chi phí thấp hơn so với các đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, các căng thẳng địa chính trị càng thúc đẩy người tiêu dùng mua những sản phẩm này để thể hiện lòng yêu nước.
Chẳng hạn, ở phân khúc xe điện và hàng tiêu dùng, các nhãn hiệu “made in China” không chỉ gắn liền với lòng yêu nước mà còn với chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Bảo đảm an ninh lương thực
Tuyên bố của hội nghị công tác kinh tế trung ương về nông nghiệp và an ninh lương thực có nội dung dài hơn so với các tuyên bố từ các hội nghị của những năm trước. Cụ thể, Bắc Kinh cam kết đảm bảo nguồn cung ngũ cốc và các loại thực phẩm thiết yếu khác, ổn định diện tích đất trồng trọt và đầu tư nhiều hơn vào nỗ lực bảo tồn và phát triển đất nông nghiệp.
Sự chú trọng của vào an ninh lương thực đã giúp Trung Quốc bù đắp phần lớn tác động của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay, với sản lượng ngũ cốc hàng năm tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 700 triệu tấn vào năm 2023.
“Bắc Kinh gửi đi thông điệp rằng đất nông nghiệp và trồng trọt là một thành phần quan trọng của nền kinh tế”, Alex Ma, giáo sư hành chính công của Đại học Bắc Kinh, nói.
Theo SCMP, CGTN
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-uu-tien-cua-trung-quoc-trong-nam-2024/