Những vấn đề cần quan tâm

PTĐT - Những năm gần đây, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bếp ăn bán trú luôn được các cơ sở giáo dục và phụ huynh quan tâm...

Đoàn kiểm tra ATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hồ sơ, sổ sách nhập thực phẩm tại Trường Mầm non Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

Đoàn kiểm tra ATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hồ sơ, sổ sách nhập thực phẩm tại Trường Mầm non Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

PTĐT - Những năm gần đây, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bếp ăn bán trú luôn được các cơ sở giáo dục và phụ huynh quan tâm khi các vụ ngộ độc thực phẩm hay thực phẩm không an toàn vẫn được phát hiện từ những bữa ăn học đường. Vì vậy, ngành chức năng, các trường học trên địa bàn tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào và các khâu chế biến.
Nguy cơ mất ATVSTP luôn tiềm ẩn
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 526 bếp ăn bán trú tại trường học, trong đó có khoảng 310 bếp cung cấp từ 200 suất ăn trở lên. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành nên việc đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Bữa ăn của trẻ không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu mà còn đảm bảo ATTP, giúp các em phát triển một cách toàn diện. Mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê ngày 13/9/2019 khiến gần 90 trẻ cùng 1 giáo viên phải nhập viện. Theo đó, căn cứ các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng, diễn biến điều trị và kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn của bữa ăn trưa (canh đỗ xanh) và bữa ăn phụ (chè đỗ đen) tại bếp ăn tập thể của trường dương tính với vi khuẩn E.coli. Điều đáng nói, tất cả thực phẩm của trường đều được nhập trong ngày theo hợp đồng ký kết với Công ty TNHH nông nghiệp An Tâm (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập và hai cơ sở khác). Đây là những cơ sở có đầy đủ các giấy tờ, thủ tục về nguồn gốc của thực phẩm. Bếp của trường được xây dựng theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều, đầy đủ các khu vực sơ chế, khu phân chia thức ăn và rửa, vệ sinh…

Hay như ngày 15/10/2020, phụ huynh học sinh của Trường Mầm non Hương Xạ, huyện Hạ Hòa trong quá trình kiểm tra thực phẩm đầu vào đã phát hiện thịt gà có mùi tanh, ôi, sờ vào thấy nhớt. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đã đề nghị dừng nhập và sử dụng thực phẩm của nhà cung cấp là Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc (HTX Xuân Phúc); đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho nhà trường. Theo các phụ huynh cho biết, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện thực phẩm của HTX Xuân Phúc “có vấn đề”.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã khẳng định thực phẩm của HTX Xuân Phúc cung cấp bị nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng giới hạn theo quy định. Ngay sau đó, UBND huyện Hạ Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HTX Xuân Phúc với số tiền 3.168.000 đồng. Tuy nhiên, xử phạt chỉ là biện pháp xử lý cuối cùng khi sự việc đã xảy ra. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học thì cần sự chung tay của toàn xã hội.Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm tại 79 bếp ăn tập thể trong trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, về hồ sơ, sổ sách, giấy tờ pháp lý liên quan về ATTP còn 1 tổ chức kinh doanh tại bếp ăn tập thể nhà trường chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 5,2% hợp đồng cung cấp thực phẩm chưa chặt chẽ, còn thiếu thông tin; 14,0% số trường chưa ghi chép đầy đủ thông tin trong sổ kiểm thực ba bước, sổ lưu mẫu thức ăn; 6,5% lưu giữ hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chưa đầy đủ. Về điều kiện bảo đảm ATTP còn 15,6% trường có bếp ăn chưa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất như tường, trần khu bếp ẩm mốc, rãnh nước thải thiếu nắp đậy, thiếu hệ thống bồn rửa tay…; 18,0% bếp ăn thiếu lưới chắn côn trùng động vật gây hại hoặc chưa đảm bảo; 2,5% bếp ăn còn sử dụng nhân viên phục vụ chưa có xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, 1,3% trường lưu mẫu thức ăn chưa đủ trọng lượng theo quy định.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra bếp ăn Trường Mầm non Hương Xạ, huyện Hạ Hòa.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra bếp ăn Trường Mầm non Hương Xạ, huyện Hạ Hòa.

Cần tập trung kiểm soát nguồn gốc thực phẩmTrường Mầm non xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao có tổng số 291 học sinh; 100% học sinh nhà trường ăn bán trú. Xác định nhiệm vụ dạy và học phải song song với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Cô Nguyễn Thị Long - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, có địa chỉ rõ ràng và thực hiện ký hợp đồng cam kết trách nhiệm với nhà cung cấp. Tên, địa chỉ của đơn vị cung cấp thực phẩm được công khai trên bảng tin của nhà trường để phụ huynh học sinh cùng giám sát. Sau khi tiếp nhận thực phẩm, nhà trường yêu cầu nhân viên chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy trình chế biến thực phẩm, nấu ăn, chia đồ ăn cho học sinh. Việc rửa dụng cụ bếp, khay ăn của học sinh cũng đều phải tuân thủ theo các quy định về ATTP và nhân viên cấp dưỡng trong trường đều được khám sức khỏe định kỳ.Để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ mất ATTP và tăng cường công tác quản lý ATTP tại các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tập huấn kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên, người trực tiếp làm việc tại các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục, trường học; tăng cường các biện pháp ATTP, kiểm soát chặt chẽ các khâu từ mua, nhập nguyên liệu thực phẩm đến sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm. Khuyến cáo, hạn chế hoặc không sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn không có bao gói để ăn ngay như bánh dầy, giò, chả... Thực hiện ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn có đủ điều kiện kinh doanh và có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP…Với chức năng quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, hàng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành ATTP tại các bếp ăn của các trường học trên địa bàn tỉnh.Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết: Nhìn chung qua quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, các trường học đã có sự quan tâm hơn tới công tác ATVSTP. Cơ sở vật chất khu vực bếp ăn được đầu tư xây dựng, tu sửa; các trường học đều thực hiện tốt việc ký hợp đồng trách nhiệm với người cung cấp thực phẩm, kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng, tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn. Nhận thức về việc đảm bảo ATTP của lãnh đạo trường học cũng như nhân viên cấp dưỡng cũng đã nâng lên.Ngoài ra, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo đối với các trường có tổ chức bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống trong trường về trách nhiệm của Ban giám hiệu, của mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong việc thực hiện theo các quy định hiện hành liên quan đến ATTP. Duy trì đảm bảo điều kiện vệ sinh chung, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ theo quy định. Không để cơ sở không đủ điều kiện ATTP tham gia cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học.Tuy nhiên, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, các trường học có bếp ăn bán trú ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất thì cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ thực phẩm dựa trên các căn cứ: Tất cả các loại thực phẩm sử dụng trong nhà trường phải được mua từ các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà trường. Các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm này phải chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành về ATTP…Bên cạnh đó, các nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh tăng cường công tác giám sát các khâu nhập thực phẩm, chế biến tại bếp ăn bán trú. Các cơ quan chức năng của tỉnh ngoài công tác kiểm tra định kỳ cũng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các bếp ăn bán trú, qua đó nhằm phát hiện, nhắc nhở và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo bữa ăn an toàn cho trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể lực và trí tuệ.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202012/nhung-van-de-can-quan-tam-174314