Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 15)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 15
Trong bộ mày hành chính một số nước châu Á có thêm một số cơ quan và một số chức quan để đảm đương công việc này. Ở châu Á không một thế lực cát cứ nào, không một địa phương nào có thể giải quyết được vấn đề thủy lợi một cách toàn cục. Đó là công việc hoàn toàn chỉ có chính quyền trung ương mới có khã năng giải quyết.
Chính do nhiều lý do mà chế độ phong kiến châu Á không có lãnh địa cát cứ. Khi chính quyền trung ương suy yếu, các thế lực quân phiệt chống lại chính quyền trung ương chủ yếu bằng lực lượng quân sự để tranh giành quyền lực. Và khi thành công nhất định thì họ xây dựng chính quyền trên một phạm vi rộng lớn chứ không riêng gì trong điền trang thái ấp biệt lập. Khi thắng lợi thì họ lật đổ chính quyền trung ương và kiến lập một triều đại khac. Xu hướng chính trị của các quốc gia phong kiến châu Á là không có lãnh địa cát cứ lâu dài liền mạch thời gian tới 6 thế kỷ, thậm chí tới 8 thế kỷ như ở Đức và Italia...
Giống như một chu kỳ, một triều đại khi vừa thiết lập thời kỳ đầu các vị vua bao giờ cũng thi hành những chính sách tiến bộ khoan thứ sức dân, miễn giảm tô thuế lao dịch, phát triển kinh tế, quốc phòng, củng cố vững chắc địa vị của triều đại, tạo điều kiện cho đất nước an lạc thái bình. Nhưng đến các vị vua con, vua cháu của họ khi quốc gia được thống nhất, thế lực ngoại xâm không trực tiếp đe dọa thì đua nhau ăn chơi xa xỉ, xây dựng cung điện nhà cửa nguy nga. Để có tiền, họ ra sức bóc lột nhân dân chủ yếu là nông dân bằng thuế má tô tức nặng nề. Triều đình trung ương đã hủ bại thì bộ máy quan lại các cấp bên dưới cũng không còn kiêng sợ gì, công khai tham nhũng đục khoét nhân dân. Người dân bị nhiều tầng áp bức bóc lột làm cho khuynh gia bại sản, gia đình tan nát, phiêu tán tha phương, oan khiên đầy đất không kêu vào đâu được. Các tập đoàn phong kiến còn đấu tranh với nhau để tranh giành quyền lực đưa đến chiến tranh chia cắt đất nước. Trong sự đào thải của lịch sử, các triều đại cũ diệt vong, triều đại mới ra đời. Vài trăm năm sau triều đại này lại đi theo vết xe đổ của triều đại trước. Về quy luật này La Quán Trung tổng quát trong bộ Tam quốc diễn nghĩa: Thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Hê Ghen nhà triết học vĩ đại của Đức cũng nói lịch sử đi theo những bước thăng trầm của nó. Quan điểm của Hê ghen cũng được Các Mác, F. Ăngghen tán thành.
Trong những thời kỳ mà chính quyền phong kiến hủ bại mục nát, mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến tăng lên cực kỳ gay gắt. Nông dân chiếm 90% dân cư của các quốc gia phong kiến khi đó. Họ chịu mọi tai họa chiến tranh, đói khổ chết chóc, thuế má nặng nề, mọi sự oan khiên phẫn uất mà chế độ phong kiến giáng lên đầu họ. Gia đình phá sản, thể xác tiêu điều, nhân phẩm bị chà đạp xúc phạm. Lý tưởng trung quân ái quốc chỉ còn là sự lừa bịp từ miệng kẻ cầm quyền hủ bại. Trong bước đường cùng đó nông dân đã đứng lên phản kháng bằng cách đứng lên vũ trang chống lại chế độ phong kiến. Bản thân người nông dân không muốn như vậy, chỉ vì “quan bức dân phản” mà thội.
Nét chung của phong trào nông dân là không bao giờ có được cương lĩnh chính trị để xây dựng một xã hội mới khác xã hội cũ phong kiến. Do đó mọi phong trào nông dân đều thất bại về mục đích chính trị, tức là giải phóng giai cấp mình. Phong trào nông dân châu Á khi phát triển thành cao trào thì rất rộng lớn, nhiều cuộc đấu tranh mang tính quy mô toàn quốc, nhiều cuộc khởi nghĩa thu được thắng lợi theo nghĩa lật đổ được triều đại cũ, xác lập triều đại mới. Như khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương (Trung Quốc) lật đổ nhà Nguyên, sáng lập triều Minh. Khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn (Việt Nam ) thế kỷ XVIII do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo năm 1771 trong một thời gian ngắn lật đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn -Trịnh –Lê, thiết lập triều đại mới, triều đại Tây Sơn. Nông dân châu Á trong khi hành động mang tính chất trọng nghĩa, phóng khoáng “Tứ hải giai huynh đệ” nhằm thực hiện chủ nghĩa bình quân công bằng của nông dân. Nông dân không chỉ làm nhiệm vụ giai cấp mà khi cần thiết vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc để cứu tổ quốc. Phong trào nông dân Tây Sơn ở Việt Nam đã tiêu diệt quân xâm lược Xiêm ở Rạch Gầm -Xoài Mút năm 1785, đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789 ở miền Bắc để bảo vệ độc lập cho đất nước. Chủ nghĩa yêu nước của nông dân châu Á là rõ ràng, không trung quân mù quáng, khi vua đã hủ bại, triều đình đã thối nát thì họ kiên quyết đoạn tuyệt và họ coi chúng như một trong những kẻ thù không chỉ của giai cấp mà còn của dân tộc. Ngược lại những vị vua anh minh vì dân vì nước, những triều đại cường thịnh, những anh hùng liệt sĩ bỏ thân vì nước thì họ tôn thờ trở thành bất tử trong lòng muôn thế hệ. Chủ nghĩa yêu nước của nông dân châu Á càng thể hiện rõ vào thời cận đại, khi dân tộc và đất nước đứng trước thảm họa xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Chủ nghĩa yêu nước châu Á được thể hiện rõ ràng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, ngay cả khi dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp phong kiến. Họ là chủ lực quân trong các loại quân của triều đình xông pha trên chiến trường để mang lại chiến thắng cho vương triều, cho dân tộc. Nông dân châu Á đã xây đắp nên truyền thông yêu nước, truyền thống quân sự cho các quốc gia châu Á. Chính vì tính chất giai cấp đậm nét trong cuộc đấu tranh nên phong trào nông dân không mang áo khoác tôn giáo và đấu tranh vì tôn giáo. Ngay cả cuộc chiến tranh nông dân vĩ đại Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc năm 1851-1858 với lãnh tụ Hồng Tú Toàn có lập ra Hội Thượng Đế và nhân danh Hội Thượng Đế để phát động khởi nghĩa thì đó cũng không phải là cuộc chiến tranh vì mục đích tôn giáo. Mục đích của cách mạng nông dân Thái Bình Thiên Quốc là giải phóng giải cấp nông dân Trung Quốc khỏi ách thống trị của nhà Mãn Thanh, chống chủ nghĩa đế quốc đang xâu xé Trung Hoa, tức là vì mục đích giai cấp và dân tộc. Chính chủ nghĩa tư bản phương Tây đã nhận ngay ra bản chất của Thái Bình Thiên Quốc nên đã nhanh chóng câu kết với triều đình Mãn Thanh để dập tắt phong trào.
Chế độ phong kiến châu Á ra đời sớm nhưng tồn tại lâu dài. Từ những năm cuối cùng của thập kỷ trước CN hoặc những năm đầu công nguyên, chế độ phong kiến châu Á lần lượt được xác lập, vậy mà chế độ này tồn tại đến đầu thế kỷ XX. Nguyên nhân làm cho chế độ này tồn tại lâu dài vì nó dựa trên sức mạnh quân sự hoặc sự ràng buộc tôn giáo đối với nhân dân.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-15-a21667.html