Những vấn đề nổi bật của ngành ô tô toàn cầu năm 2023
Nhìn lại năm 2023, ngành ô tô toàn cầu đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật quan trọng, nhiều biến động lớn dẫn tới những sự thay đổi mang tính lịch sử của toàn ngành. Đáng chú ý nhất là sự bùng nổ về phát triển xe điện, từ chính sách tới công nghệ.
Nhiều quốc gia đẩy mạnh trợ cấp xe điện
Năm 2023 là cột mốc đánh dấu nhiều chính sách trợ cấp xe điện được thúc đẩy mạnh mẽ bởi hàng loạt các chính phủ, đây là tín hiệu cho thấy sự quan tâm đáng kể của hàng loạt quốc gia về loại hình phương tiện xanh. Kể từ ngày 1/1/2023, Mỹ bắt đầu trợ cấp khoản tín dụng Thuế liên bang tối đa lên tới 7.500 đô la với người mua xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe năng lượng xanh trong nước.
Cùng trong năm này, chính phủ Ấn Độ chuẩn bị kết thúc chương trình trợ giá xe điện FAME II và chuẩn bị cho đợt tài trợ tiếp theo với quy mô lớn hơn để thu hút sự đầu tư của các nhà sản xuất quốc tế cũng như tăng tỉ lệ điện khí hóa phương tiện cơ giới.
Tháng 3/2023, Indonesia phê duyệt chương trình trợ cấp tài chính tới 5.200 đô la với xe điện, 2.600 đô la đối với xe Hybrid và 450 đô la đối với xe máy điện với 50.000 người mua ô tô năng lượng xanh và 200.000 người mua xe máy điện sớm nhất trong năm tài khóa 2023. Trước đó, chính sách trợ cấp xe điện đã được thực hiện mạnh mẽ tại Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ...
Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nhất thế giới
Năm 2023 chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nhất thế giới.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thống kê, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 của năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 4,41 triệu xe ô tô ra các thị trường toàn cầu, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ghi nhận, trong cùng kỳ, Nhật Bản chỉ xuất khẩu được 3,99 triệu chiếc ô tô, dù đã tăng tới 15% so với năm 2022 nhưng vẫn chịu sự lép vế trước ngành công nghiệp ô tô quốc gia láng giềng.
Đây là tín hiệu cho thấy trong kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, ô tô Trung Quốc đang từng bước thống trị thế giới như thế nào?
Đại chiến về pin xe điện giữa CATL và BYD
Vị thế nhà sản xuất pin xe điện số 1 thế giới của CATL bị thách thức nghiêm trọng trong năm 2023 khi hãng ô tô năng lượng xanh BYD bắt đầu “lấn sân” mạnh mẽ sang lĩnh vực pin Lithium phục vụ cho xe điện.
Trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, Liên minh Đổi mới công nghiệp pin ô tô Trung Quốc cho biết, BYD đã vươn lên nắm giữ tới 41,1% thị phần pin Lithium sắt phốt phát (LFP), vượt qua đối thủ cạnh tranh trực tiếp là CATL với 33,9% thị phần. Ưu thế lớn mà BYD có được chính nhờ do việc pin của hãng trực tiếp được sử dụng trên xe điện BYD, vốn đang là loại xe điện bán chạy nhất hiện nay tại Trung Quốc cũng như rất được quan tâm ở nhiều thị trường quốc tế.
Pin LFP an toàn khi có nhiệt độ bắt lửa cao hơn đáng kể so với pin Lithium-Ion phổ biến trên xe điện hiện nay và đang được ứng dụng ngày một rộng rãi hơn trên loại hình phương tiện mới.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ năng lượng pin dành cho xe điện không chỉ ảnh hưởng tới 2 công ty mà nó có tác động mạnh mẽ tới toàn ngành xe điện thế giới trong năm 2023, khi đây cũng những nhà cung cấp hàng đầu về pin cho các nhà sản xuất ô tô hiện nay.
VinFast tạo cơn sốt khi niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq
Ngày 15/8/2023, nhà sản xuất xe điện Vinfast tới từ Việt Nam chính thức được niêm yết tại sàn chứng khoán quốc tế Nasdaq với mã cổ phiếu VFS. Sự kiện này đã tạo cơn sóng mạnh chưa từng thấy trong lịch sử khi từ giá khởi điểm 22 đô la/cổ phiếu chào sàn, chỉ trong một ngày tăng vọt lên mốc 37,06 đô la/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa công ty lên hơn hơn 85 tỷ đô la, vượt Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.
Dù chỉ là sự biến động trong ngắn hạn nhưng màn “chào sân” hoàng tráng của VinFast tại thị trường Mỹ cùng những nỗ lực liên tiếp trong các hoạt động đầu tư nhà máy và ra mắt sản phẩm tại chính các cường quốc kinh tế đã gây ấn tượng sâu đậm trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế mới và góp phần thay đổi cái nhìn của thế giới về thương hiệu Việt Nam.
Toyota thay đổi chiến lược và tư duy về xe điện
Toyota được xem là nhà sản xuất ô tô bảo thủ, kiên định với chính sách phát triển xe Hybrid và nói không với xe điện bất chấp sự bùng nổ của xe điện trên thị trường toàn thế giới. Dẫu vậy, năm 2023 đánh dấu sự thay đổi lớn về tư duy và chiến lược của hãng đối với xe điện toàn phần.
Cuối tháng 9/2023, tờ The Nikkei trích dẫn thông báo Toyota cho biết, hãng đặt mục tiêu nâng tổng số sản lượng xe điện vào năm 2025 lên 600.000 xe, gấp 25 lần tổng doanh số bán xe điện của Toyota trong cả năm 2022.
Từ nay tới năm 2026, Toyota cũng nêu kế hoạch cung cấp cho thị trường châu Âu tới 15 mẫu xe điện toàn phần khác nhau từ xe du lịch cho tới xe dịch vụ thương mại. Theo tờ Fleetnews của Anh cho biết, 20% doanh số bán hàng của Toyota tại châu Âu hiện nay là các loại xe điện.
Tesla liên tục dính nhiều bê bối nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới uy tín
Năm 2023 được xem là một năm đầy sóng gió với Tesla khi nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới liên tục dính nhiều vụ bê bối đặc biệt nghiêm trọng, làm tổn hại không ít tới danh tiếng và uy tín của công ty.
Trong tháng 12/2023, Tesla đã phải tuyên bố triệu hồi hơn 2 triệu xe điện trên toàn nước Mỹ, bao gồm gần như toàn bộ xe Tesla đang hoạt động tại thị trường nội địa kể từ năm 2011 để khắc phục vấn đề về hệ thống lái tự động Autopilot. Hệ thống được Cơ quan An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) chỉ ra các nguy cơ mất an toàn khi các tài xế sử dụng, có thể gây tai nạn nghiêm trọng, thông qua cuộc điều tra kéo dài hơn 2 năm kể từ tháng 8/2021.
Daihatsu dính bê bối gian lận về kiểm tra an toàn nghiêm trọng nhất lịch sử
Ngày 20/12, nhà sản xuất ô tô Daihatsu nổi tiếng, công ty con của tập đoàn Toyota đã thông báo ngừng hoạt động vận chuyển xe mới từ các nhà máy tới tất cả các thị trường toàn cầu, đồng thời đóng dây chuyền vận hành các nhà máy khắp lãnh thổ Nhật Bản. Đây là hậu quả của bê bối gian lận trong các cuộc kiểm tra, thử nghiệm về an toàn và chất lượng liên quan tới 64 mẫu xe của Daihatsu, trong đó có 22 mẫu xe được bán ra với thương hiệu Toyota.
Sự việc đã tạo ra cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm 2023 khi Daihatsu là nhà sản xuất gốc của nhiều thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng thế giới như Toyota, Subaru và Mazda cũng như là đơn vị đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển xe điện mini của Toyota tại Nhật Bản và xe cỡ nhỏ ở các thị trường mới nổi.
Tờ The Nikkei trích dẫn đánh giá của chuyên gia Seiji Sugiura tới từ Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo cho rằng, Daihatsu có thể thiệt hại tới hơn 700 triệu USD, tương đương tổng lợi nhuận ròng của hãng trong toàn bộ năm 2022 vì bê bối nêu trên.
Châu Âu tiến tới hiện thực hóa tiêu chuẩn khí thải Euro 7
Trong năm 2023, hàng loạt các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và các nhà lập pháp đã lần đầu tiên đưa ra đề xuất tiêu chuẩn khí thải Euro 7 với mục tiêu tăng nhanh tốc độ điện khí hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù ban đầu, nhiều quốc gia muốn trì hoãn nhưng đến tháng 9/2023, các thành viên EU đã đồng thuận về một phiên bản rút gọn của tiêu chuẩn khí thải ô tô Euro 7 với nhiều điều khoản nới lỏng hơn so với đề xuất hồi đầu năm. Theo đó, Euro 7 sẽ có những tiêu chuẩn mới đối với bụi từ hệ thống phanh và lốp xe. Dự kiến, sau khi vấn đề này được luật hóa, tiêu chuẩn khí thải Euro 7 sẽ chính thức được áp dụng với mốc thời gian có thể là từ năm 2026.