Những vần thơ thiếu nhi mang dấu ấn 50 năm TPHCM
Từ tuyển tập 'Sài Gòn của em', độc giả có thể thấy những dấu ấn thơ thiếu nhi trong suốt nửa thế kỷ qua ở thành phố mang tên Bác.
Ngày 4/6, tại Đường Sách TPHCM đã diễn ra sự kiện ra mắt sách Sài Gòn của em. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sách thiếu nhi TPHCM 2024, do Sở Thông tin Truyền thông TPHCM phối hợp với Hội Nhà văn TPHCM và Sbooks tổ chức.
Sài Gòn của em là những tác phẩm chọn lọc của 50 nhà thơ TPHCM. Trong đó nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi quen thuộc, có mặt trong sách giáo khoa như Cao Xuân Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Đặng Hấn, Trương Nam Hương…
Được biết, tuyển tập do Hội Nhà văn TPHCM thực hiện nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ tuyển tập, có thể thấy những dấu ấn thơ thiếu nhi trong suốt nửa thế kỷ qua ở TPHCM: Từ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh, Vì sao mèo rửa mặt? của Khánh Chi khi hai nhà thơ này được gọi là "thần đồng thơ" vào thập niên 1970; dấu ấn của những nhà thơ gạo cội Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Duy, Đặng Hấn, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Xuân Sơn… với tấm lòng thơ dành cho con trẻ để thấy những phác họa về tuổi thơ phương Nam.
Đánh giá về Sài Gòn của em, PGS.TS Bùi Thanh Truyền - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn TPHCM - cho rằng: Với tập thơ này, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thấy Sài Gòn - TPHCM hiện lên thân thuộc mà lạ lẫm, truyền thống mà hiện đại.
"Vẫn là những nơi, những cảnh hằng ngày em qua, em thấy nhưng rồi bất chợt một ngày không khỏi ngạc nhiên: Thành phố của em sao mà yêu đến thế! Miệt vườn cây trái, sông nước ngọt lành, những cánh đồng rập rờn sóng lúa; rồi những những trò chơi tuổi nhỏ, chuyện học hành, sinh hoạt, những rung động tinh khôi… đều được người viết thể hiện bằng tấm lòng nâng niu, thương quý.
Những vần thơ xinh xắn, bình dị, trong veo như lời con trẻ đã làm được một việc thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay: Kết nối thế hệ, lưu giữ, hòa đồng ký ức của người lớn và trẻ em, để hiện tại, quá khứ và tương lai xanh thắm mãi. Nhiều người rời xa sân ga tuổi nhỏ cũng sẽ tìm thấy ở đây những nơi chốn, kỷ niệm mà mình đã gắn bó, yêu mến một thời", PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận định.