Những vị Tổng thống 'gừng cay' của nước Mỹ
Nhờ quan điểm mới mẻ và tiếng nói tràn đầy năng lượng, nhiều vị Tổng thống Mỹ nhận được tín nhiệm của người dân để bước vào Nhà Trắng khi tuổi đã cao; tuy nhiên, với trí tuệ và bản lĩnh, họ đều thể hiện rõ vai trò người lãnh đạo đứng đầu của một siêu cường, đúng với câu 'gừng càng già càng cay'...
Joe Biden
Hơn hai tháng sau ngày bầu cử 3/11/2020, ông Joe Biden hôm 6/1 chính thức được lưỡng viện Quốc hội Mỹ xác nhận là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông dự kiến nhậm chức ngày 20/1 tới khi đã 78 tuổi, trở thành vị Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất vào thời điểm nhậm chức.
Ông Biden sinh năm 1942 ở bang Pennsylvania song trưởng thành và sinh sống phần lớn thời gian ở bang Delaware. Ông bước vào con đường chính trị từ rất sớm, gặt hái nhiều thành công trong sự, nhưng cuộc đời ông trải qua nhiều biến cố và mất mát.
Theo giới quan sát, ra tranh cử sau hai lần chạy đua thất bại, cộng kinh nghiệm 40 năm làm việc ở Thượng viện và hai nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama, ông Biden đã giành được sự ủng hộ của cử tri nhờ được yêu mến, có kinh nghiệm hàng chục năm trong chính trường và sự nổi tiếng.
Trong quá trình tranh cử, ông Biden từng gặp sự cố về sức khỏe và vài lần nói nhầm, song ông khẳng định mình đủ minh mẫn để lãnh đạo nước Mỹ. “Khi so đọ giữa Donald Trump với tôi, cứ nhìn vào là biết ngay ai có thể trạng tốt hơn, ai có thể di chuyển nhiều hơn”, ông Biden từng nói khi bị Tổng thống Donald Trump chê yếu.
Ông Biden còn thách thức ông Trump chạy bộ cùng và cho rằng ông Trump sẽ không thể theo kịp.
Donald Trump
Cho đến khi ông Biden nhậm chức, người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, chính là người giữ kỷ lục cao tuổi nhất nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông 70 tuổi 229 ngày vào thời điểm bước vào Nhà Trắng ngày 20/1/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sinh ra trong một gia đình có năm người con và ông là con thứ tư. Mẹ của ông, bà Mary Anne (1912 – 2000) là một nhà từ thiện và cha của ông, Fried Trump (1905 – 1999) là một nhà kinh doanh bất động sản có tiếng thời bấy giờ.
Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump là một "ông trùm" bất động sản. Danh mục bất động sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của "ông trùm" này bao gồm vô số các khách sạn nổi tiếng, các khu giải trí, casino, tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp ở rất nhiều thành phố lớn trên toàn cầu.
Ông cũng là một ngôi sao truyền hình thực tế, thường xuất hiện trong những chương trình nổi tiếng. Tuy có cân nặng cao, song ông Trump được đánh giá rất khỏe mạnh. Ông gần như không uống rượu, hút thuốc từ khi còn trẻ và yêu thích chơi golf.
Gần 4 năm tại vị, ông để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ duy nhất (đến hiện tại) của mình. Ông cũng ban bố nhiều quyết sách mang tính bất ngờ, chưa từng có tiền lệ cộng với những cuộc gặp song phương rất “lạ” của ông với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Ronald Reagan
Năm 1986, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 1981-1989, bình luận viên chính trị kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng Dennis Miller đã chúc mừng ông trên truyền hình bằng một cách khá hài hước: "Tôi muốn gửi lời chúc mừng sinh nhật muộn tới ngài Tổng thống, người vừa bước sang tuổi 75".
Theo WSJ, Miller đùa thêm, "các bạn biết đấy, ông tôi cũng 75 tuổi. Và chúng tôi không dám cho ông dùng điều khiển để chỉnh tivi nữa". Bằng lối nói dí dỏm, Miller dường như muốn dành lời khen cho vị Tổng thống thứ 40 của nước Mỹ. Thật vậy, ông Reagan được đánh giá là người rất khỏe mạnh, dù trở thành người đứng đầu Nhà Trắng khi chuẩn bị bước sang tuổi 70.
Theo truyền thông Mỹ, sinh ngày 6/2/1911, Tổng thống thứ 40 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ tròn 77 tuổi 349 ngày khi hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/1989. Như vậy, ông sẽ là Tổng thống lớn tuổi thứ hai khi rời Nhà Trắng, sau ông Biden (khi ông kết thúc nhiệm kỳ).
Trong một phát ngôn nhằm gạt bỏ mối lo về tuổi tác trước truyền thông, ông Reagan nói: "Tôi sẽ không khai thác vì mục đích chính trị tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ".
Trong 8 năm cầm quyền, Reagan dẫn dắt nước Mỹ vượt qua đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh và giai đoạn thoái trào của Liên bang Xô Viết.
Sau khi nghỉ hưu, Reagan sở hữu một nông trại và dành nhiều thời gian cho việc chăn nuôi tại miền Nam bang California. Ông cũng dành thời gian cho viết hồi ký, phát biểu trước công chúng và giám sát việc thành lập Thư viện. Ông Reagan mắc bệnh Alzheimer và qua đời năm 2004.
Dwight Eisenhower
Sinh ngày 14/10/1890, Dwight Eisenhower, vị Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ cũng là người hiếm hoi rời Nhà Trắng khi đã trên 70 tuổi, cách đây 60 năm, tháng 1/1961, khi để lại Nhà Trắng cho John F. Kenedy. Ông được đánh giá là một trong những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.
Dwight Eisenhower theo đuổi binh nghiệp từ sớm và là một danh tướng trong Thế chiến II. Năm 1952, đảng Cộng hòa thuyết phục ông tranh cử tổng thống. Tại hội nghị toàn quốc của đảng vào tháng 7/1952, Eisenhower được chọn làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên.
Năm 1953, ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, giúp nước Mỹ Eisenhower đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, cải cách an sinh xã hội, tăng lương tối thiểu, thành lập Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi.
Dwight Eisenhower có vóc dáng vừa phải, tập thể dục thường xuyên, xong suýt chút nữa gặp nguy khi bị đau tim vào năm 1955. Eisenhower đã phải trải qua nhiều tuần hồi phục trong bệnh viện, trước khi trở lại chính trường và tiếp tục thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1957 nhờ sự nổi tiếng.
George H.W. Bush
Sinh ngày 12/6/1924, George H.W. Bush (Bush cha) rời Phòng Bầu dục vào tháng 1/1993 khi đã 68 tuổi 221 ngày. Bush là một vận động viên chạy, người thường xuyên mời các phóng viên theo cùng trên đường chạy của mình.
Ông sinh ra trong gia đình có cha làm thượng nghị sĩ và gia nhập Hải quân Mỹ khi mới 18 tuổi. Chiến tranh kết thúc, ông trở về và gây dựng sự nghiệp kinh doanh có tiếng tại bang Texas. Ông Bush “cha” từng chạy đua vào Thượng viện năm 1964 nhưng thất bại. Đến năm 1966, Bush trở thành hạ nghị sĩ.
Sự nghiệp chính trị của ông khởi sắc từ thập niên 70 của thế kỷ trước khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (1971-1973), chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (1973-1974),rồi giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (1976-1977).
Năm 1980, ông Bush tham gia chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng đảng Cộng hòa đã chọn Ronald Reagan là ứng cử viên. Năm 1988, ông lại ra tranh cử và lần này ông thành công, trở thành nhà lãnh đạo Mỹ từ 1989-1993.
Mặc dù bị thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai, các nhà sử học đánh giá cao những thành tựu của Bush trên cương vị Tổng thống, bao gồm cả việc xử lý kết thúc của Chiến tranh Lạnh.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/nhung-vi-tong-thong-gung-cay-cua-nuoc-my-626668/