Những vỉa hè nát tươm dưới bánh ô tô, xe máy

TP. Hà Nội bắt đầu lát vỉa hè bằng đá tự nhiên từ năm 2017. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tình trạng hư hỏng, nứt vỡ đã xảy ra nhiều nơi. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật thì việc ô tô, xe máy dừng đỗ, đi lại vô tư cũng khiến vỉa hè xuống cấp nhanh hơn.

Điều đáng nói là đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

Những ngày này, vỉa hè trên phố Nguyễn Hữu Thọ, quận Hoàng Mai đang được thi công, lát lại bằng đá tự nhiên. Đi lại thong thả bên hồ, hài lòng với diện mạo mới của vỉa hè, nhưng Nguyễn Quốc Toản cùng một số người khác cảm thấy lo lắng cho “số phận” của những viên đá mới, khi tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè, ô tô, xe máy dừng đỗ tràn lan vẫn diễn ra hàng ngày.

"Khá là bất tiện với những người đi bộ. Thứ hai, không chỉ người đi bộ, cả những người có thói quen chạy bộ, tập thể dục trên vỉa hè thì cũng sẽ gây cản trở cho người ta. Vỉa hè dành cho người đi bộ, không dành cho xe cộ đi lên, nên hỏng hóc rất nhiều"- anh Toản chia sẻ.

"Xe để nên đường chỉ còn lại tý tẹo, chật luôn. Cô hay đi bộ trên vỉa hè đến bến xe buýt nhưng mà cứ phải lách như thế này, rất sợ bị tai nạn giao thông. Nói chung là phá vỡ mỹ quan, mất cảnh quan của hồ Linh Đàm".

Phía dưới bánh xe là những viên đá khấp khểnh, nứt toác.

Phía dưới bánh xe là những viên đá khấp khểnh, nứt toác.

Tình trạng tương tự diễn ra ở hầu hết đường phố trung tâm Hà Nội, từ vỉa hè được lát đá mới hay những đoạn vỉa hè cũ. Trên đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm,… nhiều đoạn vỉa hè chật kín ô tô, chặn lối người đi bộ, đường lăn cho xe của người khuyết tật. Phía dưới bánh xe là những viên đá khấp khểnh, nứt toác. Hay trên đường Minh Khai, đoạn qua tòa nhà Imperia, nơi thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm, xe máy chạy nườm nượp trên vỉa hè, làm rung chuyển những viên đá lát vỡ vụn.

Nhìn hạ tầng giao thông bị hủy hoại, ngân sách Nhà nước bị lãng phí, nhiều người không khỏi xót xa. "Vỉa hè cho người đi bộ mà xe máy cứ đi lên thì đó là cái ý thức. Mình có cái sân mà đi vào hỏng như thế thì ai cũng xót, tổn thất kinh phí của Nhà nước"- một người dân chia sẻ.

Một người dân khác cho biết: "Buổi sáng, 7h30-9h là rất đông, mọi người gần như là lên vỉa hè hết, vỉa hè càng rộng thì mọi người lên càng nhiều. Xe máy mà cứ đi lên như thế này thì hỏng hết, năm nào cũng phải làm đi, làm lại, rất phí".

Ô tô chật kín nhiều đoạn vỉa hè đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm,…

Ô tô chật kín nhiều đoạn vỉa hè đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm,…

Chuyên gia đô thị, KTS. Trần Huy Ánh đánh giá, ô tô, xe máy dừng đỗ, đi lại trên vỉa hè là tình trạng rất phổ biến. Thứ nhất, việc này thể hiện sự yếu kém trong quản trị đô thị, thiếu trách nhiệm từ các cơ quan quản lý của thành phố đến chính quyền các địa phương, khiến hạ tầng đô thị bị khai thác bừa bãi, hủy hoại nhanh chóng, làm giảm kỷ cương phép nước và niềm tin của xã hội.

Thứ hai là kém hiệu quả trong các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, thiếu mục tiêu, không chắt chiu tiền thuế của người dân.

" Việc lát vỉa hè đã được nhận diện là lãng phí cách đây gần 10 năm rồi. Triển khai các dự án hạ tầng dùng đá tự nhiên chi phí rất đắt, tàn phá thiên nhiên, rồi cuối cùng trở thành vật liệu không thích hợp. Khi cả tập thể bị cơ quan cấp cao kỷ luật thì cũng không hề có bài học nào rút kinh nghiệm. Sai lầm tiếp bằng cách đi chữa lại những viên đá ấy bằng viên đá khác, để rồi tiếp tục cho ô tô đè lên, tiếp tục để vỉa hè bị lấn chiếm bừa bãi. Đó là cái chúng ta luẩn quẩn trong lạc hậu, nếu chúng ta không nhìn nhận được sai lầm trong quá khứ để mà thay đổi"- KTS. Trần Huy Ánh nói./.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-via-he-nat-tuom-duoi-banh-o-to-xe-may-post978213.vov